Nhen tình yêu cồng chiêng, múa xoang trong giới trẻ
Năm 2019, lần đầu tiên UBND tỉnh tổ chức Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Ðịnh lần thứ I, năm nay tỉnh tiếp tục tổ chức Liên hoan lần thứ II, nhằm mục đích bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng. Ðiểm đáng ghi nhận, tại các kỳ Liên hoan lực lượng trẻ tham gia ngày càng nhiều, điều đó cho thấy việc trao truyền di sản cồng chiêng, múa xoang đã có tín hiệu tốt.
Thành công của các kỳ Liên hoan cho thấy việc trao truyền di sản cồng chiêng, múa xoang đã có tín hiệu tốt. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Gặp lại Nghệ nhân nhân dân Đinh Chương (84 tuổi, ở làng K8, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) tham gia Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ II - năm 2023, ánh mắt đong đầy niềm vui, ông chia sẻ: “Trước đây, những người cao tuổi trong làng lo rằng lớp trẻ không còn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm đúng hướng hỗ trợ cồng chiêng, thành lập các đội văn nghệ, động viên các nghệ nhân truyền dạy cho lớp trẻ học đánh cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, múa xoang để giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc mình không bị mai một”.
Với lòng nhiệt huyết, sự miệt mài trao truyền di sản của những nghệ nhân, người cao tuổi trong làng, hiếm có nơi nào như làng K8, xã Vĩnh Sơn hiện có tới 5 đội cồng chiêng, với lực lượng trẻ chiếm đa số. Chị Đinh Thị Oanh (23 tuổi, ở làng K8, xã Vĩnh Sơn), bộc bạch: “Những lúc cùng mọi người trong làng tập trung tại nhà rông để luyện tập chuẩn bị cho lễ hội của làng hay tham gia sự kiện của tỉnh, huyện tổ chức, tôi cùng chúng bạn cảm thấy tự hào, thêm yêu bản sắc văn hóa của dân tộc Bana K’riêm mình”.
Nhiều em nhỏ cũng mê học và biết đánh cồng chiêng. Em Đinh Văn Lập, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Vĩnh Sơn, thổ lộ: “Khi còn học mẫu giáo, con được ba mẹ dạy đánh cồng chiêng, múa xoang. Bây giờ ở trường chúng con cũng được dạy đánh cồng chiêng. Con thấy rất vui khi cùng ba mẹ tham gia đội cồng chiêng của làng đi biểu diễn”.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THPT Bình Định thành lập CLB cồng chiêng với 100 học sinh tham gia. CLB duy trì sinh hoạt vào chiều thứ Ba, Năm, Bảy hằng tuần để học sinh có thêm niềm vui trong học tập, cũng như thấy được giá trị việc gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc.
Em Đinh Thị Hải Hằng, học sinh lớp 11A4 Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THPT Bình Định, chia sẻ: “Chúng em thấy rất vui khi học ở trường được Nhà nước hỗ trợ chế độ, chính sách ăn ở, học tập tại trường. Ngoài giờ học văn hóa, chúng em còn được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT. Đó là những động lực to lớn giúp chúng em nỗ lực học tập, thêm yêu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Theo bà Võ Thị Bích Lệ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THPT Bình Định, Trường có 357 học sinh chia làm 12 lớp. Phần lớn học sinh của trường là người dân tộc Bana, H’re. Nhà trường thường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và nhận được sự ủng hộ của quý phụ huynh; nhiều phụ huynh xuống tận trường để cùng con tham gia, tạo thêm tình cảm gắn kết giữa gia đình và nhà trường.
Không gian văn hóa cồng chiêng, múa xoang được bảo tồn với những nỗ lực trao truyền di sản cho lớp trẻ kế thừa thực hành. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tại huyện Vân Canh, ngoài nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, múa xoang, trống kơ toang là nhạc cụ diễn tấu độc đáo của đồng bào Chăm H’roi hiện còn ít người biết trình tấu, nay cũng đã có nhiều bạn trẻ theo học. Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (29 tuổi, ở khu phố Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh), tâm tình: “Từ nhỏ mình được mẹ là Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Ngọc Hương dạy múa xoang, đánh trống kơ toang. Hiện cũng có nhiều bạn trẻ theo học biết đánh cồng chiêng, trống kơ toang, múa xoang và nhiệt tình tham gia phong trào văn nghệ ở địa phương, góp phần gìn giữ vốn quý di sản văn hóa của dân tộc Chăm H’roi của mình”.
Chia sẻ niềm vui khi nhen tình yêu di sản cồng chiêng, múa xoang đến với lớp trẻ, Nhà nghiên cứu văn hóa - Nghệ nhân ưu tú Yang Danh, bày tỏ: “Không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất cho đồng bào các dân tộc thiểu số, tỉnh còn quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần của bà con khi năm 2018, tỉnh hỗ trợ 119 bộ cồng chiêng cho các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, rồi tổ chức nhiều hội thi, hội diễn để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đồng bào các dân tộc thiểu số cảm ơn Đảng, Nhà nước rất nhiều!”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN