Doanh thu ngành thông tin và truyền thông năm 2023 ước đạt hơn 3,7 triệu tỷ đồng
(BĐ) - Sáng 29.12, tại TP Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự hội nghị.
Dự hội nghị tại 63 điểm cầu các địa phương có đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các sở TT&TT. Tại điểm cầu Bình Định, ông Phạm Ngọc Thái, Phó Giám đốc Sở TT&TT, chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: TRỌNG LỢI
Năm 2023, quán triệt phương châm chủ động thích ứng, hành động quyết liệt theo tinh thần điều hành của Chính phủ là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” và thực hiện chủ đề của năm 2023 là “Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, Bộ TT&TT tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương và hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tham mưu đề xuất để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của toàn ngành TT&TT. Đáng chú ý, doanh thu toàn ngành ước đạt hơn 3,7 triệu tỷ đồng (tăng 1,49% so với năm 2022); đồng thời đã triển khai thử nghiệm 5G tại 59 tỉnh, thành; tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G lên đến 99,8%. Bên cạnh đó, độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình gần 80% so với trung bình thế giới khoảng 60%. Kết quả này nhằm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số toàn dân toàn diện…
Năm 2023, công cuộc chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép là: Vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; vừa hình thành các DN công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới ngày càng được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc, không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số toàn dân.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2024 là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động. Hạ tầng số của Việt Nam bao gồm: Hạ tầng viễn thông, hạ tầng IOT, hạ tầng tính toán và hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số. Hạ tầng số Việt Nam có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn.
“Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia”, Bộ trưởng khẳng định.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định ngành công nghệ thông tin Việt Nam đang nắm giữ vai trò quan trọng, vì chuyển đổi số vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của đất nước. Trong đó, chuyển đổi số là phần việc quan trọng trong cải cách hành chính.
Phó Thủ tướng cũng cho biết một trong những rào cản lớn nhất của chuyển đổi số là thể chế, chính sách. Theo đó, Bộ TT&TT ngoài việc xây dựng được thông tư, nghị định, sửa đổi các nghị định cũ không còn hợp lý, thì các nghị định, quy định mới, cần phải làm nhanh, khẩn trương và phải chuẩn mực…
TRỌNG LỢI