Nâng cao tình trạng dinh dưỡng và năng lực trí tuệ của trẻ em
(BĐ) - Chiều 29.12, Hội đồng KH&CN tỉnh tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh: “Đánh giá trình trạng nhân trắc dinh dưỡng và năng lực trí tuệ của trẻ em (4 - 10 tuổi) tỉnh Bình Định và đề xuất các giải pháp nâng cao tình trạng dinh dưỡng và năng lực trí tuệ của trẻ em”, dưới sự chủ trì của TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN.
Nhiệm vụ do TS Nguyễn Thị Tường Loan, Trường ĐH Quy Nhơn, làm chủ nhiệm; hướng đến 3 mục tiêu, gồm: Đánh giá tình trạng nhân trắc dinh dưỡng của trẻ từ 4 - 10 tuổi tại tỉnh Bình Định và xác định một số yếu tố liên quan. Đánh giá năng lực của trẻ từ 4 - 10 tuổi tại tỉnh Bình Định và xác định một số yếu tố liên quan. Đề xuất các giải pháp nâng cao tình trạng nhân trắc dinh dưỡng và năng lực trí tuệ của trẻ 4 - 10 tuổi tại tỉnh Bình Định.
Quang cảnh buổi nghiệm thu nhiệm vụ. Ảnh: TRỌNG LỢI
Kết quả nghiên cứu cho thấy: Về nhân trắc dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan thì chiều cao đứng của trẻ từ 4 - 10 tuổi lần lượt là 106,2cm; 111,8cm; 117,5cm; 123,5cm; 128,8cm; 134,3cm và 140,7cm. Trung bình mỗi năm tăng 5,75cm. Cân nặng trung bình của trẻ từ 4 - 10 tuổi lần lượt là 18,1kg; 20kg; 24,2kg; 27,2kg; 31,2kg; 34,7kg và 38,7kg. Trung bình mỗi năm tăng 3,43kg. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ 4 - 10 tuổi tại tỉnh Bình Định là 3,4% (nam chiếm 2,93%, nữ chiếm 3,8%). Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng khu vực miền núi là 5,9%; ở khu vực nông thôn là 3,84% và trẻ ở thành thị là 1,8%...
Về năng lực trí tuệ và một số yếu tố liên quan, thì trẻ em 4 - 10 tuổi tại tỉnh Bình Định có mức trí tuệ phân bố từ mức II đến mức VI. Mức trí tuệ loại IV (trung bình) chiếm đa số ở các độ tuổi và thấp hơn phân phối chuẩn. Mức trí tuệ loại II, III, V và VI có tỷ lệ cao hơn so với phân phối chuẩn. Trẻ 9, 10 tuổi có mức trí tuệ loại II (xuất sắc) và III (thông minh) chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong ba khu vực nghiên cứu, trẻ em vùng thành thị có mức trí tuệ tốt hơn khu vực nông thôn và miền núi. Ở trẻ em trí nhớ ngắn hạn thị giác tốt hơn trí nhớ ngắn hạn thính giác nên cần tăng cường phương pháp dạy học trực quan.
Gia đình ít con, cha có trình độ học vấn cao, nghề nghiệp ổn định và trẻ có tình trạng dinh dưỡng hợp lý sẽ có mức trí tuệ tốt (mức II, III) chiếm tỷ lệ cao. Trẻ bị suy dinh dưỡng thường có mức trí tuệ trung bình và dưới trung bình.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, chủ nhiệm nhiệm vụ đề xuất các giải pháp: Về phía gia đình, cha mẹ cần quan tâm, chú ý giám sát chặt chẽ khẩu phần ăn, chế độ sinh hoạt và hành vi vệ sinh hàng ngày của trẻ. Tăng cường cho trẻ hoạt động vui chơi, trải nghiệm. Về phía nhà trường, cần có những kế hoạch và hoạt động nhằm nâng cao hiểu biết về dinh dưỡng và sự phát triển trí tuệ của trẻ cho cán bộ, giáo viên và bản thân trẻ. Thực hiện tốt các chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển năng lực người học. Về phía xã hội, cần tuyên truyền, nâng cao ý thức của xã hội về việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ em thông qua các hoạt động cụ thể. Tiếp tục thực hiện các chương trình nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống
Kết luận buổi nghiệm thu, Hội đồng KH&CN tỉnh ghi nhận sự nỗ lực của chủ nhiệm nhiệm vụ, khẳng định kết quả nghiên cứu cơ bản đạt các yêu cầu đặt ra. Kết quả, Hội đồng nghiệm thu tiến hành bỏ phiếu nghiệm thu đề tài loại: Đạt
TRỌNG LỢI