Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường
Với phương châm “xây dựng tình bạn đẹp, cùng nhau tiến bộ”, các cấp Ðoàn, Ðội triển khai một số mô hình gần gũi với lứa tuổi học sinh, kịp thời lắng nghe tâm sự, đưa ra lời khuyên cho các em, góp phần xây dựng môi trường học đường lành mạnh, giảm thiểu tình trạng bạo lực.
Vừa phòng, vừa chống
Biện pháp được các cấp Đoàn, Đội ưu tiên thực hiện là thành lập các CLB đặc thù, tạo môi trường sinh hoạt, vừa học vừa chơi bổ ích.
Thành lập từ năm 2015 đến nay, CLB “Quyền tham gia của trẻ em” ở TX An Nhơn là “mái nhà chung” của học sinh hai trường THCS Bình Định và THCS Nhơn Hưng. Tại đây, các em được tìm hiểu về Luật Trẻ em, rèn luyện một số kỹ năng mềm. Dưới sự hướng dẫn của Phòng LĐ-TB&XH và Hội đồng Đội thị xã, trẻ được cung cấp đầy đủ kiến thức về các hình thức bạo lực cùng cách tự bảo vệ bản thân khỏi bạo lực.
Là điển hình được Hội đồng Đội TP Quy Nhơn đánh giá cao, mô hình “Tham vấn tâm lý” tại Trường THCS Quang Trung từ 4 năm nay luôn nhận được sự hưởng ứng của phụ huynh lẫn học sinh.
Thường tìm đến Tổng Phụ trách đội (Phó Chủ nhiệm mô hình) khi cần lời khuyên, em Bùi Ngọc Bảo Trâm (lớp 8A1) “bật mí”: “Điều em thích nhất là được chọn nhiều cách để bày tỏ thắc mắc như trực tiếp trao đổi, gửi tâm sự đến hòm thư “Điều em muốn nói”, nếu ngại thì nhắn tin qua Facebook, Zalo bất kể thời gian. Thầy cô sẽ lắng nghe và đưa ra lời khuyên, giúp chúng em bớt lo lắng về kết quả học tập hay các mối quan hệ bạn bè”.
Song song với đó, để kịp thời ngăn cản học sinh sử dụng bạo lực, một số mô hình tích hợp đã được triển khai, chẳng hạn như “Tổ tư vấn tâm lý và nâng cao vai trò của giám thị, đội thanh niên xung kích” tại Trung tâm GDTX tỉnh.
Tổ được thành lập từ năm học 2022 - 2023, gồm giám thị (7 giáo viên có trách nhiệm tư vấn, can thiệp các trường hợp bạo lực học đường) và Đội Thanh niên xung kích (36 học sinh cung cấp thông tin các trường hợp vi phạm cho giáo viên). Để thêm hiệu quả, tổ còn kết hợp với mô hình “Cờ đỏ an toàn cổng trường”, lập bảng tầm soát vi phạm, lập nhóm chat giữa tổ với GVCN, bố trí camera ở các khu vực chính… kịp thời ngăn chặn các trường hợp bạo lực.
Có thể kể đến trường hợp em T.C.N.T (lớp 11C1) vào tháng 10.2023 xảy ra mâu thuẫn với bạn nữ khác lớp, dẫn đến việc bị đe dọa trên mạng xã hội và hẹn “xử lý” sau giờ học. Trước tình huống đó, T. quyết định báo với Bí thư Đoàn trường (Tổ trưởng tổ Tư vấn) và GVCN.
“Thầy cô nhẹ nhàng trấn an, giúp em đưa ra hướng giải quyết. Khi ấy, em thấy mình đã đúng khi tìm sự hỗ trợ của người lớn thay vì dùng bạo lực trong cơn nóng giận”, T. tâm sự.
Học sinh tại Trung tâm GDTX tỉnh tham gia diễn đàn phòng chống bạo lực học đường do Đoàn Thanh niên Trung tâm tổ chức. Ảnh: Đoàn Thanh niên Trung tâm GDTX tỉnh
Cần quan tâm nhiều hơn
Để tiếp tục xây dựng môi trường học đường thân thiện với học sinh, các mô hình nói trên cần được quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn.
Bày tỏ nguyện vọng của bản thân cũng như các thành viên trong CLB “Quyền tham gia của trẻ em” TX An Nhơn, Lê Bùi Bảo Trân (lớp 8A2, Trường THCS phường Bình Định), Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Chúng em mong được tham gia nhiều hơn các hoạt động đối thoại với người lớn để giãi bày một số nguyện vọng, cụ thể như được giao lưu nhiều hơn với các mô hình tương tự như Hội đồng trẻ em; tham gia nhiều chương trình, kỹ năng mới mẻ như thuyết trình, làm việc nhóm…”.
Cùng với đó, các mô hình tham vấn tâm lý nói chung gặp trở ngại khi học sinh còn ngại mở lòng với thầy cô. Việc nắm bắt thông tin cũng khó khăn hơn bởi một số học sinh chủ động chặn giáo viên trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, giáo viên cũng chưa được trang bị kỹ năng chuyên môn tư vấn tâm lý mà chỉ đóng vai trò lắng nghe, định hướng cho học sinh.
Anh Lê Minh Tấn - Tổng phụ trách Đội Trường THCS Quang Trung, Phó Chủ nhiệm Ban tham vấn tâm lý của trường, cho biết: “Các đơn vị liên quan cần tổ chức các buổi tư vấn cho trẻ có sự tham gia của chuyên gia, tổ chức tập huấn cho cán bộ, giảng viên đảm nhiệm vai trò “tư vấn không chuyên”. Để thực sự hạn chế bạo lực học đường, phụ huynh cần quan tâm, phối hợp chặt chẽ với nhà trường để điều chỉnh hành vi của trẻ theo hướng tích cực”.
Chị Huỳnh Thị Thanh Nguyệt - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh, cho biết: “Thông qua các buổi đối thoại, duy trì CLB tham vấn tâm lý, các liên đội, Đoàn thanh niên đã lắng nghe nguyện vọng của học sinh và đề xuất một số ý kiến lên cấp trên. Trên cơ sở đó, Tỉnh đoàn sẽ chú trọng hơn việc nhân rộng các mô hình hiệu quả, đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bạo lực, góp phần tạo môi trường học đường thân thiện, gần gũi cho trẻ học tập, thi đua”.
DƯƠNG LINH