Quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ người hoàn lương
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định số 49/2020/NÐ-CP ngày 17.4.2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn TP Quy Nhơn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Theo thượng tá Phan Sáu, Trưởng CA TP Quy Nhơn, trong giai đoạn 2020 - 2023, thành phố đã tiếp nhận, lập hồ sơ cá nhân đối với 1.263 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú trên địa bàn để quản lý, giáo dục, giúp đỡ. Cụ thể, CA các phường, xã tham mưu UBND cùng cấp phân công các ngành, đoàn thể gặp gỡ người chấp hành xong án phạt tù, nắm bắt về hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ xã hội, tâm tư, nguyện vọng của họ để có biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ kịp thời.
Đáng chú ý, CA thành phố tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường kiểm tra, đôn đốc UBND cấp xã trong việc thực hiện công tác quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù và vận động các DN, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù. Trong 3 năm qua đã vận động các DN tiếp nhận 96 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương vào làm việc, ổn định cuộc sống.
Phường Trần Phú gặp mặt, tặng quà động viên người tái hòa nhập cộng đồng dịp Tết. Ảnh: Q.H
Để góp phần động viên, khích lệ người tái hòa nhập cộng đồng, trong các dịp lễ, tết, CA cơ sở tham mưu chính quyền địa phương tổ chức gặp mặt, thăm hỏi và tặng quà cho số đối tượng này. Thông qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời nhắc nhở họ chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, tránh tái phạm phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật.
Kết quả đến nay, số đối tượng chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú, tái hòa nhập cộng đồng chấp hành tốt là 1.198 người, tái phạm 65 người (chiếm tỷ lệ 5,2%).
Một trong những trường hợp chấp hành xong án phạt tù về tái hòa nhập tốt với cộng đồng là chị T.L.N.H (SN 1999, ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn). Sau khi chấp hành xong bản án 9 tháng tù giam về tội “tàng trữ trái phép chất ma túy” tại trại giam Kim Sơn vào tháng 2.2021, chị H. được các hội, đoàn thể ở địa phương tạo điều kiện thuận lợi để tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có giới thiệu học nghề làm tóc. Cách đây 6 tháng, chị H. đã mở được tiệm làm tóc, có thu nhập ổn định.
Một trường hợp khác là anh L.V.T (SN 1997, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) từng bị xử bản án 36 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản”, chấp hành án phạt tù tại trại giam Kim Sơn. Từ khi về địa phương cách đây 3 năm, anh T. được gia đình quan tâm, ban, ngành, đoàn thể địa phương thường xuyên động viên, nhắc nhở tránh tái phạm. Sau hơn 1 năm học nghề sửa chữa điện thoại di động, đến nay anh T. đã có việc làm ổn định tại một cửa hàng chuyên sửa điện thoại di động trên đường Trần Hưng Đạo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng ở TP Quy Nhơn vẫn một số hạn chế, tồn tại. Một số cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cá nhân được giao nhiệm vụ tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng chưa làm hết trách nhiệm, gần như “giao khoán” cho lực lượng CA cấp xã.
“Đến nay, 11 phường, xã trên địa bàn thành phố đã ra mắt mô hình “Chung tay giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng”. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, DN tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo vệ ANTT tại địa phương”, thượng tá Phan Sáu cho biết thêm.
QUỐC HÙNG