Tỏa lan hương vị truyền thống
Không khí se lạnh, thời gian gần trôi về Tết cổ truyền là lúc các bà, các chị cần mẫn bên bếp than hồng để làm các loại bánh, mứt truyền thống. Họ như những gạch nối giữa truyền thống - hiện đại.
Đậm vị truyền thống
Đến thăm nhà chị Huỳnh Thị Đức, 47 tuổi, ở phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn), ngay từ đầu ngõ đã phảng phất hương gừng nồng đượm, ấm áp. Chị đang cào vỏ gừng, trên bếp là 2 mẻ gừng đang được hong khô. Chị hỏi: “Em có nghe hương gừng thơm từ ngoài ngõ không? Chị chọn gừng sẻ để làm mứt nên rất thơm đấy”.
Chị Đức làm mứt gừng. Ảnh: T.K
Theo chị Đức, hiện nay người tiêu dùng ưa chuộng loại gừng sẻ, không phải loại gừng to có màu vàng trắng tươi như trước. Tuy gừng sẻ hơi sẫm màu, nhưng vị cay và thơm đậm đà hơn. Cùng với đó, chị rim gừng bằng đường phèn nên mứt có vị ngọt thanh chứ không gắt. Hơn nữa, đường phèn ít bám dính nên lượng đường còn bám lại trên miếng gừng không nhiều, thích hợp cho những ai ưa mứt nhưng không thích vị quá ngọt.
Ngoài mứt gừng, chị Đức còn làm mứt me, mứt chùm ruột và nhiều loại mứt khác. Chị Đức chia sẻ: “Ngày càng có nhiều người ưa thích hương vị truyền thống dịp Tết. Các món bánh, mứt tôi làm đều từ hương vị tự nhiên, không chất bảo quản và không chất tạo màu. Độ mặn, ngọt hay gia giảm một số gia vị người dùng cũng có thể tùy ý đặt thêm. Đồng thời, khi rim tôi không đảo trộn, mà xếp từng miếng, rưới đường từng phần một cho đến khi khô. Do vậy sản phẩm sẽ thẳng, đẹp”.
Bên cạnh các loại mứt, sẽ thiếu sót nếu dịp Tết không có hương thơm của bánh thuẫn. Vừa đổ bột vào khuôn, bà Trần Thị Tài, 64 tuổi, ở xã Canh Hiển (huyện Vân Canh) kể: “Tôi làm bánh thuẫn từ năm 20 tuổi. “Trăm hay không bằng tay quen”, dần dà tôi không thấy có gì khó. Tôi còn cải tiến, thêm tí gừng vào bánh để có vị thơm và át được mùi tanh của trứng”.
Bà Tài với hơn 40 năm gắn bó với món bánh thuẫn. Ảnh: T.K
Đưa vị quê đi xa
Với khoảng 30 năm trong nghề, hiện nay, ngoài các loại mứt, chị Đức còn làm các loại bánh đậu xanh hình trái cây, thường được đặt mua trong các dịp giỗ chạp, cưới hỏi; các loại chả, tré, dưa món... “Từ nhỏ tôi đã cảm thấy rất thích thú khi nhìn các bà, các mẹ làm các loại bánh, mứt truyền thống. Trong xóm tôi có một cô rất khéo tay, tôi đã học được nhiều thứ từ cô ấy. Sau đó tôi tự mày mò, học hỏi từ nhiều nguồn và sáng tạo thêm để thỏa niềm say mê”, chị Đức chia sẻ.
Không chỉ chịu khó, khéo tay, chị Đức còn nhanh nhạy trong việc nắm bắt cơ hội từ các phương tiện hiện đại. Chị Đức cho biết: “Từ năm 2021, tôi bắt đầu bán được nhiều hàng hơn nhờ kênh bán hàng trực tuyến. Lúc đó dịch Covid-19, người ta ngại ra đường nên tôi giới thiệu sản phẩm trên trang cá nhân Facebook, Zalo, kể cả livestream để khách hàng biết mình làm sản phẩm sạch. Sau khi tiếp cận lượng khách hàng rộng hơn, sản phẩm của tôi được nhớ đến và nhiều người ủng hộ, gửi đi nhiều tỉnh, thành khác”.
Không chỉ vậy, tầm cuối đông, nhiều người chuộng bánh ít lá gai cho dịp đám tiệc, cúng giỗ. Xóm bánh ít ở khu phố Trung Tín 1 (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) vẫn đỏ lửa hằng ngày. Mỗi ngày xuất bán khoảng 2.000 chiếc bánh ít lá gai, chị Phan Thị Thủy, 40 tuổi, ở khu phố Trung Tín 1 cho biết: “Rất vui là nhiều người ở địa phương khác cũng chuộng bánh ít lá gai Bình Định. Bánh của tôi đi xa nhất về phía Nam là đến An Giang, về phía Bắc là đến tận Hà Giang”.
Chị Thủy gói bánh ít đã được bọc nhựa vào vỏ giấy. Ảnh: T.K
Không chỉ yêu thích việc tạo nên hương vị truyền thống trong xã hội hiện đại, bà Tài hay chị Đức, chị Thủy đều mong muốn ngày càng nhiều phụ nữ biết đến cái hay, nét đẹp của việc làm bánh truyền thống. Dù thị trường có rất nhiều loại bánh mứt, nhưng biết làm và có thể tự làm khi rảnh rỗi sẽ giúp đầu óc thư giãn, cuộc sống thêm phần thi vị.
THẢO KHUY