Xuất nhập khẩu năm 2023 phục hồi, tạo đà bứt phá cho năm 2024
Hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa năm 2023 của Việt Nam mặc dù chưa phục hồi mạnh, nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể sẽ là tiền đề hướng đến sự khởi sắc trong năm 2024.
Xuất nhập khẩu năm 2023 có sự hỗ trợ rất lớn từ hội nhập kinh tế quốc tế, giúp Việt Nam tham gia thành công và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn khi liên tục giữ vị trí nhóm đầu trong kim ngạch xuất khẩu của thế giới.
Mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể
Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước, nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022.
Xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam đạt kỳ tích lớn khi được lợi cả về lượng và giá
Đánh giá về hoạt động xuất nhập khẩu năm 2023, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu. Cán cân thương mại xuất siêu chủ yếu do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu, để thấy khó khăn trong sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất chưa tăng mạnh cho thấy đơn hàng xuất khẩu dù đã phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn.
Điểm sáng xuất khẩu trong năm 2023 là nhờ điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu, Trung Quốc trở thành thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng khoảng 8,1% trong cả năm 2023, trong khi các thị trường lớn khác đều giảm.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhận xét, hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc những năm qua vẫn không ngừng phát triển. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 155,8 tỷ USD, dự báo cả năm 2023 thương mại hai chiều sẽ đạt mức kim ngạch như hai Bên đã đạt được trong năm 2022.
“Tuy có vị trí, vai trò quan trọng và thị trường đầy tiềm năng, nhưng hợp tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với Trung Quốc còn chưa xứng với tiềm năng của hai bên, xuất nhập khẩu vẫn chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc”, ông Lê Hoàng Tài đánh giá.
Mở rộng thị trường với sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn ‘xanh’
Bước sang 2024, nhiều chuyên gia nhận định, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước. Nhìn vào những thay đổi của thị trường, nhiều DN khẳng định, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh hóa không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc, là mệnh lệnh của thị trường.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) khẳng định, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản... yêu cầu ở các nhà cung cấp.
“DN xuất khẩu Việt Nam muốn tồn tại phải vượt qua bài toán ‘xanh’ trong hoạt động sản xuất, với nhiều tiêu chí như xử lý đạt tiêu chuẩn chất thải phát sinh, sản xuất tiết kiệm năng lượng, giải pháp tái chế chất thải... Với ngành dệt may, chỉ riêng việc sử dụng nguyên liệu ‘xanh’, giá đầu vào đã cao hơn 300% so với sản phẩm truyền thống. Đây cũng là lực cản đáng kể cho DN dệt may bước tiếp trên con đường “xanh hóa”, ông Giang nêu.
Trong bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lưu ý, nhiều thị trường ngày càng đề cao những tiêu chuẩn hàng hóa liên quan đến vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu.
“Tuy nhiên xuất khẩu năm 2024 có nhiều cơ hội để phục hồi và tăng trưởng khi vấn đề hàng tồn kho tại nhiều quốc gia đang dần được khắc phục. Việc nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh hơn cho hàng xuất khẩu trong thời gian tới”, bà Trang lạc quan.
Sầu riêng Việt Nam đang dần chinh phục thị trường Trung Quốc
Nhằm gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiến hành đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết và liên kết thương mại mới với đối tác tiềm năng để đa dạng hóa sản phẩm, thị trường và chuỗi cung ứng; hỗ trợ DN tận dụng tận dụng cam kết trong FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.
“Ngoài các thị trường trọng điểm, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho mặt hàng rau quả của Việt Nam. Chú trọng việc điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu vực cửa khẩu thuộc biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nhất là nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ, chuyển nhanh và mạnh sang xuất khẩu chính ngạch”, bà Thắng cho biết.
Theo Nguyễn Quỳnh (VOV.VN)