Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực từ 1.1.2024
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày hôm nay (1.1.2024) lần đầu tiên quy định về việc thực hiện 83 tiêu chí nâng cao chất lượng bệnh viện.
Theo đó, luật lần này bổ sung quy định bắt buộc hàng năm các bệnh viện phải tự đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành. Các bệnh viện cũng phải cập nhật kết quả tự đánh giá chất lượng lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá cũng như công khai thông tin về mức độ chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
(Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ứng dụng công nghệ thông tin nhằm từng bước liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các bệnh viện.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: “An toàn người bệnh và chất lượng bệnh viện là nhiệm vụ hàng đầu. Tập trung nguồn lực để ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Đặc biệt, thay đổi văn hoá ứng xử trong xử lý sự cố y khoa, chuyển đổi từ trừng phạt sang dự phòng. Ai phát hiện được các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra sự cố y khoa thì sẽ được thưởng, chứ không đợi xảy ra sự cố mới kiểm điểm, rà soát quy trình, xử phạt nhau…”
Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 9.1.2023 thay thế cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009 có hiệu lực thi hành từ 1.1.2024 với nhiều điểm mới thể hiện sự tiến bộ trong việc tiếp cận, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này đã tháo gỡ một số vướng mắc, giải quyết những bất cập, điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với bối cảnh thực tế, thể hiện rõ chính sách ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh.
Một trong những điểm mới quan trọng về quản lý người hành nghề đó là luật đã quy định việc tổ chức thi đánh giá năng lực người hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề do Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện.
Luật cũng quy định thời hạn giấy phép hành nghề là 5 năm, sau đó phải tiếp tục gia hạn giấy phép sau khi đã có đủ điều kiện về cập nhật kiến thức y khoa liên tục.
(Theo Văn Hải/VOV1)