Thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững
Trên đà hồi phục và phát triển KT-XH qua những tháng cuối năm 2023, hướng tới hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH giai đoạn 2021 - 2025, các sở, ngành đang tập trung nhiều biện pháp thực hiện nhiệm vụ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
TX An Nhơn đang hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn về thành lập các phường thuộc thị xã và thành lập TP An Nhơn theo kế hoạch. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
*GIÁM ĐỐC SỞ KH&ĐT LÊ HOÀNG NGHI: Hỗ trợ tối đa để nhà đầu tư tìm thấy cơ hội tốt tại Bình Định
Năm 2024, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở KH&ĐT thu hút mới 70 dự án, tăng 38 dự án so với năm 2023; đảm bảo 1.000 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký đầu tư 10.000 tỷ đồng. Để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Sở tiếp tục tích cực hỗ trợ các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhanh chóng triển khai, đi vào hoạt động, tạo tác động tới các nhà đầu tư tiềm năng; đồng thời quyết tâm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, trong đó tập trung chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, đảm bảo các nhà đầu tư đến Bình Định tìm kiếm cơ hội, hợp tác đầu tư, thực hiện các dự án không gặp bất cứ rào cản nào.
Sở cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức một số hoạt động xúc tiến đầu tư tại các nước có nền kinh tế phát triển hoặc gửi tài liệu quảng bá hình ảnh, tiềm năng lợi thế, danh mục thu hút đầu tư của tỉnh đến các hội nghị và đợt xúc tiến đầu tư do các bộ, ngành Trung ương tổ chức, nhằm thu hút nhà đầu tư tiềm năng đến với Bình Định; chủ động kết nối, tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác với các tỉnh, thành: Bình Dương, Hà Tĩnh, Gia Lai, Hà Nội, Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Lào, các thành phố: Izumisano (Nhật Bản), Incheon (Hàn Quốc) theo chương trình hợp tác chung giữa các địa phương với Bình Định. Cùng với đó sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, thiết lập quan hệ song phương với các tỉnh, thành phố ở một số nước khác.
Trong công tác xúc tiến đầu tư, Sở KH&ĐT sẽ linh hoạt áp dụng hình thức trực tiếp và trực tuyến, mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh để đầu tư các dự án then chốt vào 5 trụ cột chính, gồm: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng và logistics, kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa. Sở KH&ĐT cam kết hỗ trợ tối đa để các nhà đầu tư, DN tìm kiếm được cơ hội đầu tư khác biệt, thành công, bền vững lâu dài tại Bình Định.
* GIÁM ĐỐC SỞ TÀI CHÍNH NGUYỄN THÀNH HẢI : Nỗ lực đảm bảo chỉ tiêu thu và quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả
Năm 2024, UBND tỉnh giao chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 15.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 14.267 tỷ đồng và thu thuế xuất nhập khẩu 450 tỷ đồng. Ngành tài chính sẽ tiếp tục đưa chính sách hỗ trợ của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần giúp cộng đồng DN và người dân khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh để thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế, đồng thời nuôi dưỡng nguồn thu.
Sở tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành: TN&MT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Ban Giải phóng mặt bằng tỉnh sớm triển khai việc đấu giá thu tiền sử dụng đất theo kế hoạch đã được UBND tỉnh giao; khẩn trương thông báo cho các nhà đầu tư nộp kịp thời tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách, đảm bảo nguồn vốn cho chi đầu tư phát triển; đôn đốc các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo điều kiện cho các DN có mặt bằng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, xem đây là biện pháp lâu dài, cơ bản để tăng thu ngân sách nhà nước.
Cùng với đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, đồng thời đôn đốc thi công, giải ngân các dự án của nhà đầu tư, nhằm tăng nguồn thu thuế xây dựng và các khoản thuế liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thuộc ngành tài chính, nhất là cơ quan thuế hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước được UBND tỉnh giao.
Đối với công tác chi ngân sách, Sở Tài chính tiếp tục tham mưu UBND tỉnh điều hành ngân sách nhà nước năm 2024 đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của tỉnh, các khoản chi ngân sách gắn với hiệu quả mang lại, đem lại dư địa phát triển. Ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng phát triển KT-XH, đảm bảo chi đầu tư phát triển, nhất là đối với các công trình trọng điểm, cấp thiết; đối ứng các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng bổ sung cân đối ngân sách huyện, thị xã, thành phố để bổ sung nguồn vốn đầu tư tập trung và hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền xã…
* GIÁM ĐỐC SỞ GTVT TRẦN THANH DŨNG: Tổ chức thực hiện phương án phát triển mạng lưới giao thông trong quy hoạch
Để thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm mà Sở GTVT được UBND tỉnh giao, năm 2024 Sở GTVT phải: Xây dựng Đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn tỉnh theo quy định. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu tổ chức thực hiện phương án phát triển mạng lưới giao thông trong Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định. Tổ chức thực hiện các dự án do Sở làm chủ đầu tư theo kế hoạch năm 2024 được phê duyệt (xây dựng thí điểm 2 trạm kiểm tra phương tiện tự động trên đường trên địa bàn tỉnh; sửa chữa cầu Thị Nại…). Hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng để triển khai thi công xây dựng 2 dự án bổ sung trong Đề án Sửa chữa, nâng cấp, mở rộng tuyến đường tỉnh, tuyến QL 19 B (đoạn sân bay Phù Cát - Bảo tàng Quang Trung) và tuyến đường địa phương kết nối QL 1, giai đoạn 2021 - 2025.
Sở GTVT tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về nâng cao chất lượng, thẩm định thiết kế xây dựng công trình giao thông theo phân cấp, đặc biệt là các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ các tuyến đường tỉnh và quốc lộ được giao quản lý đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, chất lượng, hiệu quả; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các chủ đầu tư xây dựng công trình trọng điểm triển khai thực hiện đầu tư xây dựng đảm bảo tiến độ, chất lượng theo quy định.
*GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG NGÔ VĂN TỔNG: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh
Ngành công thương sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chủ yếu để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 với các chỉ tiêu như: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 7 - 7,7% so với năm 2023; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội ước đạt 114.700 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.650 triệu USD.
Sở Công Thương tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh về Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN; tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy đang hoạt động, các nhà máy mới hoàn thành như: Các nhà máy đang hoạt động phát huy hết công suất, đóng góp tăng 2,0 điểm % IIP; 47 nhà máy mới đi vào hoạt động trong 2023, nhất là 14 dự án trọng điểm, phát huy giá trị trong 2024, đóng góp tăng 3,0 điểm % IIP; năm 2024 dự kiến có 64 dự án đạt 7.128 tỷ đồng. Đây là nhân tố quyết định việc đạt mức tăng trưởng toàn ngành công nghiệp tỉnh, nên Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở KH&ĐT, các địa phương có nhiều dự án triển khai như TP Quy Nhơn 13 dự án, huyện Tây Sơn 13 dự án, TX An Nhơn 12 dự án, TX Hoài Nhơn 9 dự án…
Về mảng thương mại dịch vụ, Sở tăng cường tần suất hỗ trợ xúc tiến thương mại nội địa, triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Sở đưa ra các giải pháp gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu, đảm bảo ổn định từ khâu sản xuất hàng hóa đến tiêu thụ; thu hút đầu tư các loại hình kinh doanh thương mại trong tỉnh đa dạng, phù hợp với quá trình phát triển hội nhập kinh tế quốc tế; chú trọng phát triển thương mại điện tử, tạo sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình thương mại truyền thống…
Sở tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu, theo đó, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, tích cực phát triển các mặt hàng có tiềm năng thành những mặt hàng xuất khẩu mới. Tổ chức tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường ngoài nước nhằm phát triển thị trường mới cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh, chú trọng thị trường các nước là thành viên các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Cụ thể, tổ chức thành công Hội chợ triển lãm quốc tế đồ gỗ tại Bình Định sẽ là cơ sở để ngành gỗ phấn đấu cán mốc 1 tỷ USD trong 2024. Tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với DN để trao đổi về tình hình xuất khẩu, những khó khăn, vướng mắc và bàn biện pháp tháo gỡ để góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
* GIÁM ĐỐC SỞ NN&PTNT TRẦN VĂN PHÚC: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới
Để triển khai có hiệu quả, hoàn thành các chỉ tiêu của ngành năm 2024, Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách, đề án, dự án, kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Duy trì phát triển toàn diện sản xuất nông, lâm, thủy sản; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và triển khai sản xuất các vụ trong năm 2024 đạt hiệu quả, phù hợp với điều kiện nguồn nước tưới, sử dụng cơ cấu cây trồng, vật nuôi chất lượng, hiệu quả; tăng cường chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến, bảo quản, thị trường tiêu thụ và an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Sở cũng đẩy mạnh phát triển các dự án ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản; khuyến khích đầu tư mở rộng công suất các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ và khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Chú trọng đảm bảo an toàn cho ngư dân, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo đảm phòng tránh thiên tai.
Đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng hoàn thành các tiêu chí còn lại ở các xã đăng ký hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2024, hướng dẫn lập hồ sơ trình xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới theo đúng quy định; đồng thời có giải pháp củng cố, duy trì các địa phương đã được công nhận. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP), kịp thời phát hiện, tôn vinh, phát triển các sản phẩm tiêu biểu tại các địa phương, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu thấp nhất các thiệt hại do thiên tai, bão lũ xảy ra.
* GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ LÊ QUANG HÙNG: Ngành y tế không được phép dừng lại!
Năm 2024, toàn ngành y tế quyết tâm thực hiện đạt 6 chỉ tiêu về lĩnh vực y tế được HĐND tỉnh và UBND tỉnh giao trong các chỉ tiêu phát triển KT-XH. Cụ thể, duy trì mức sinh thay thế từ 2 - 2,2 con; 96,1% dân số tham gia BHYT; 100% trạm y tế có bác sĩ; 90,6% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; số giường bệnh/vạn dân đạt 38 giường; suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi ≤ 7%.
Đây cũng là năm ngành phải dồn lực tập trung triển khai rất nhiều công việc. Ngay những ngày cuối năm 2023, chúng tôi đã triển khai các Nghị quyết của HĐND tỉnh giao cho ngành y tế liên quan đến chính sách hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho một số đối tượng; danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực y tế - dân số; điều chỉnh chỉ tiêu tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã đến năm 2025; điều chỉnh đề án nâng cao năng lực hoạt động hệ thống y tế cơ sở giai đoạn 2022 - 2025; đề án đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế tại các cơ sở y tế công lập thuộc tỉnh đến năm 2025… Chưa kể, nhiều chính sách quan trọng tác động mạnh đến toàn ngành y tế, đặc biệt Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) thực hiện đầu năm 2024.
Chỉ tiêu 96,1% dân số tham gia BHYT - đóng vai trò gần như quyết định cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, ngành y tế vạch ra chiến lược chủ động phối hợp với các ngành liên quan để xây dựng chính sách hỗ trợ cho người tham gia BHYT. Trong đó, có chính sách hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh, đảm bảo 100% kinh phí hỗ trợ cho người cận nghèo; và lần đầu tiên có câu chuyện hỗ trợ người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp - lâm nghiệp - ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình. Làm được điều này, đồng nghĩa Bình Định đi trước một bước để chuẩn bị tiến tới BHYT toàn dân, theo mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt, một trong những vấn đề rất quan trọng, đó là muốn người dân tham gia BHYT tốt, đương nhiên chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế cũng như khả năng tiếp cận dịch vụ, mức độ thuận tiện trong thủ tục hành chính liên quan đến khám chữa bệnh BHYT cũng phải tốt, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT.
Năm 2024 sẽ đột phá khi chúng tôi giao cho BVĐK tỉnh mức 1.500 giường bệnh để xứng đáng với bệnh viện hạng I và phù hợp với đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng phạm vi và quy mô hoạt động; tương tự như vậy, BVĐK khu vực Bồng Sơn, TTYT TX An Nhơn cũng tăng số lượng giường bệnh… Cùng với đó, các đơn vị y tế tuyến tỉnh sẽ phát triển chuyên sâu về các lĩnh vực tim mạch, ung bướu…
Quan trọng là toàn ngành bám sát mục tiêu; đoàn kết, đồng thuận, quyết tâm cao với quan điểm ngành y tế “không được phép dừng lại!”, phải luôn lấy người dân làm trung tâm, lợi ích của người dân là trên hết!
* GIÁM ĐỐC SỞ DU LỊCH TRẦN VĂN THANH: Tạo thương hiệu cho du lịch Bình Định
Năm 2024, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu đón 5,5 triệu lượt khách và doanh thu du lịch thuần túy đạt 18.500 tỷ đồng. Để hoàn thành chỉ tiêu được giao, ngành đã đề ra một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, điểm nhấn chính là Giải đua Thuyền máy Nhà nghề Quốc tế UIM F1H2O và UIM-ABP AQUABIKE Bình Định Grand Prix 2024. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ giúp tạo thương hiệu cho du lịch Bình Định, thu hút đa dạng nguồn khách trong và ngoài nước đến tỉnh.
Bình Định có kế hoạch đẩy mạnh phát triển thị trường khách du lịch nước ngoài, nhất là thị trường Đông Bắc Á gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Tỉnh đã xây dựng chuyến bay thẳng Incheon - Quy Nhơn và triển khai chương trình quảng bá xúc tiến du lịch Bình Định đến thị trường khách du lịch Hàn Quốc từ các chuyến bay thẳng Incheon - Quy Nhơn. Đồng thời, tổ chức chương trình xúc tiến du lịch một số thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Ngoài ra, chúng ta cũng đã lên kế hoạch tiếp tục thu hút khách du lịch từ một số thị trường xa, có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày như Ấn Độ, Nga và một số nước Đông Âu (Ukraine, Ba Lan, Cộng hòa Séc)
Năm 2024, du lịch Bình Định cũng tiếp tục đẩy mạnh thu hút khách du lịch nội địa tại các thị trường lớn của tỉnh, đồng thời mở rộng thị trường khách du lịch tiềm năng khu vực Đông Bắc, Tây Bắc (Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh), đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Kiên Giang, Tiền Giang), các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh lân cận có khả năng kết nối tour, tuyến như Phú Yên, Khánh Hòa. Tổ chức liên kết, giới thiệu sản phẩm du lịch tại các tỉnh, thành có đường bay thẳng từ Bình Định và thị trường khách du lịch tiềm năng đến tỉnh.
Để tạo sức hút, du lịch Bình Định tiếp tục đa dạng hóa và phát triển du lịch biển, đảo thành sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh với nhiều trò chơi mạo hiểm trên biển, lặn ngắm san hô, nhà phao trên biển, nhảy dù, lướt ván… Trùng tu, sửa chữa các di tích lịch sử, điểm đến; phát triển các sản phẩm mới; nâng cấp các khu vệ sinh công cộng bảo đảm phục vụ khách du lịch; tổ chức các hoạt động thu hút khách du lịch ban đêm; triển khai đầu tư Phố đi bộ Quy Nhơn.
NHÓM PHÓNG VIÊN KT-VH-XH