Doanh nghiệp vượt khó, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động
Năm mới cũng là thời khắc nhiều người gửi gắm những kỳ vọng tốt đẹp. Khép lại năm 2023 với nhiều khó khăn, người lao động và chủ doanh nghiệp đều mong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm mới sẽ có nhiều khởi sắc, bứt phá, đời sống người lao động ổn định, ấm no.
Khép lại một năm nhiều khó khăn
Năm 2023, tình hình xung đột quân sự và biến động kinh tế, chính trị ở một số quốc gia trên thế giới, tình hình lạm phát, giá cả nguyên vật liệu gia tăng tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong tỉnh.
Có một số thời điểm trong năm, các DN có đông lao động phải thực hiện việc cắt giảm lao động với số lượng lớn nhằm giảm chi phí do không có đơn hàng. Điều này làm một bộ phận người lao động lao đao trước biến động lớn.
Lượng người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng nhanh. Năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định đã tiếp nhận 11.560 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2022). Kết quả, Sở LĐ-TB&XH đã ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 11.395 người.
Những tháng cuối năm 2023, các DN trong tỉnh dần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Sự phục hồi bước đầu đã làm cho thị trường lao động dần “ấm” lại, tác động tích cực đến công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.
Các DN ngành may mặc phục hồi và ổn định sản xuất tạo việc làm cho người lao động. - Trong ảnh: Người lao động Công ty CP Đầu tư An Phát đang may tại xưởng. Ảnh: N.M.
Theo báo cáo của 112 DN trên địa bàn về tình hình lao động, tiền lương, tiền thưởng, nợ lương, các DN nỗ lực đảm bảo tiền lương, chế độ thưởng cho người lao động nhằm động viên tinh thần người lao động đã đồng hành cùng DN sau một năm nhiều khó khăn. Tiền lương thực trả cho người lao động trong năm 2023 tại các DN khu vực Nhà nước bình quân 10,069 triệu đồng/người/tháng (tăng 0,48% so với năm 2022).
Đối với khu vực có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, tiền lương thực trả cho người lao động bình quân 9,595 triệu đồng/người/tháng (tăng 5,17% so với năm 2022). Mức lương cao nhất là 57,7 triệu đồng và mức lương thấp nhất là 3,64 triệu đồng (bằng mức lương tối thiểu vùng III). Các DN có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước thực hiện tiền lương kịp thời theo đúng thỏa ước lao động, thực hiện tương đối tốt chế độ tiền thưởng đối với người lao động.
Đối với khu vực DN dân doanh, mặc dù nhiều DN gặp khó khăn về đơn hàng trong năm 2023, nhưng tiền lương bình quân vẫn đạt 7,471 triệu đồng/người/tháng (tăng 2,68% so với năm 2022). Trong khi đó, tiền lương thực trả cho người lao động tại các DN thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại có phần giảm mạnh so với cùng kỳ, bình quân là 8,529 triệu đồng (giảm 36,08% so với năm 2022).
Nhiều kỳ vọng trong năm mới
Dự báo tình hình kinh tế thế giới năm 2024 còn gặp nhiều khó khăn trước ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và tình hình chiến sự của một số nước trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng của người dân, tác động đến nền kinh tế của Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng.
Thời điểm cuối năm 2023, đầu năm 2024 là lúc các DN ngành gỗ bước vào mùa vụ cao điểm, góp phần tạo việc làm cho người lao động.
- Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Trường Sơn đóng gói thành phẩm. Ảnh: Công ty cung cấp
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc đã mở cửa, các mặt hàng nông sản dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh. Đồng thời, các ngành nguyên phụ liệu cung cấp cho các ngành may, giày, gỗ từ thị trường này sẽ góp phần đảm bảo cho hoạt động sản xuất.
Bên cạnh đó, các DN tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh và dự kiến nhiều DN thành lập mới. Tỉnh Bình Định cũng kỳ vọng ngành dịch vụ - du lịch tăng trưởng mạnh trong năm 2024.
Chia sẻ về hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2024, ông Cái Minh Tùng, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, cho biết: “Tình hình xuất khẩu dăm gỗ, viên nén sang thị trường Trung Quốc, các nước Đông Á, châu Âu đã khởi sắc trở lại. Hiện nay, công ty đang thu mua cây keo lai, bạch đàn từ 1,35 - 1,4 triệu đồng/tấn, tăng 200 - 250 nghìn đồng/tấn so với đầu năm 2023. Chúng tôi rất mong thị trường tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng trưởng, giá cả ổn định để hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong năm 2024 tiếp tục phát triển, vượt kế hoạch đề ra; đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động của công ty; đồng thời, góp phần nâng cao đời sống cho người dân trồng rừng”.
Được biết, ngoài chăm lo đời sống, thưởng tết cho người lao động, thực hiện trách nhiệm xã hội, dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh dự kiến tặng khoảng 200 suất quà (500 nghìn đồng/suất) cho bà con các làng Canh Giao (xã Canh Hiệp), làng Cát, Cà Bưng (xã Canh Liên), huyện Vân Canh…
Nói về kỳ vọng của năm 2024, rất nhiều người lao động, công nhân có chung ước mong công việc ổn định, chế độ tiền lương, thưởng, đóng BHXH được đảm bảo. Chị Hồ Thị Kim Luyến (38 tuổi, công nhân của Công ty CP Môi trường Bình Định) bày tỏ: “Công nhân như chúng tôi đều dựa vào đồng lương để chăm lo cho gia đình, nuôi nấng con cái. Vì vậy, mong ước lớn nhất vẫn là công việc ổn định, tiền lương và các chế độ liên quan được đảm bảo như mọi năm để người lao động làm việc trong lĩnh vực đặc thù như chúng tôi yên tâm, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Bên cạnh đó, chị Luyến và các công nhân môi trường đều rất mong người dân bỏ rác đúng địa điểm và thời gian theo quy định để công tác vệ sinh được thuận lợi, giữ gìn cho thành phố luôn xanh, sạch, đẹp.
Từng làm công nhân đứng máy chế biến gỗ, nhưng vài năm trở lại đây, anh Nguyễn Văn Hoàng (45 tuổi, ở thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn) đã cùng với khoảng 20 người lao động khác thành lập một đội chuyên nhận đóng bao bì thành phẩm ngành hàng gỗ, thành phẩm nhựa giả mây. Đội hiện nhận đóng gói thành phẩm của 6 xưởng sản xuất tại Khu công nghiệp Long Mỹ, Khu công nghiệp Phú Tài (TP Quy Nhơn). Theo anh Hoàng, đây là công việc đòi hỏi nhiều kinh nghiệm để đảm bảo việc đóng gói đúng quy trình, đúng chuẩn và đồng bộ. Đồng thời, phải luôn trong trạng thái tăng ca, đã nhận việc là phải làm liên tục cho kịp thời điểm container xuất hàng.
“Những năm trước, đội chúng tôi có thể làm 5 - 10 container/ngày; hiện nay, chúng tôi chỉ làm từ 10 - 15 container/tuần; giảm đi 50% vì đơn hàng của các DN cũng giảm sút. Nếu tăng ca, chúng tôi có thể kiếm được 10 triệu đồng/tháng; ngược lại thì chỉ tầm 6 triệu đồng/tháng. Có những lúc đơn hàng của DN giảm, không có việc, các anh em tỏa ra, làm rất nhiều việc như chạy xe ôm, làm “thợ đụng”, ai thuê gì làm nấy”, anh Hoàng kể.
Vì vậy, khi đề cập đến năm 2024, anh Hoàng hy vọng tất cả các DN sẽ sản xuất, kinh doanh ổn định, tăng số lượng đơn hàng trong năm để người lao động, công nhân, trong đó có người lao động khoán việc như anh luôn có việc làm, đồng nghĩa với việc sẽ có thu nhập, nuôi sống gia đình, tiết kiệm được một chút để dành dụm cho cuối năm, khi tết đến xuân về.
Chị Nguyễn Thị Nhã Linh (29 tuổi, ở xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn, người lao động trong một DN ở lĩnh vực thức ăn chăn nuôi) lại gửi gắm mong ước về sức khỏe, bình an cho năm mới. Là một trong số ít người lao động được giữ lại công ty sau các đợt giảm nhân sự do thiếu đơn hàng, hoạt động sản xuất cầm chừng, chị Linh tâm sự: “Tôi biết ơn vì mình vẫn còn có việc làm, được nhận lương hằng tháng. Tôi chúc tất cả anh chị em công nhân sẽ luôn có sức khỏe để đảm bảo công việc và mong các DN phục hồi nhanh để những đồng nghiệp bị nghỉ việc, dừng việc có lại việc làm để chăm lo gia đình”.
NGUYỄN MUỘI