Đưa dân ca bài chòi vào trường học
Để bài chòi lan tỏa trong đời sống, đặc biệt là thế hệ học sinh, mới đây, Trường THCS Ngô Mây (TP Quy Nhơn) đã linh hoạt lồng ghép dạy bài chòi trong các tiết hoạt động ngoại khóa. Ý tưởng này là đề tài do nhóm các giáo viên tổ Văn, Sử, Địa lí và Giáo dục công dân của trường nghiên cứu và định hướng cho học sinh, với mong muốn tạo điều kiện cho các em vừa nắm bắt tốt nội dung bài học, vừa tiếp cận, phát huy khả năng hát dân ca và định hướng thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc.
Tại một số tiết học, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú và các cô giáo hướng dẫn, lồng ghép hát dân ca, hô bài chòi, với làn điệu bài chòi Xuân nữ, hò Quảng… để các học sinh sử dụng trong phần củng cố ôn tập kiến thức bài học.
Hiểu được nét đặc sắc của bài chòi dân gian, qua đó các em học sinh đã mượn làn điệu dân ca để ca ngợi cảnh đẹp quê hương, con người Bình Định. Đặc biệt, các em đưa dân ca, bài chòi, hát hò Hê, hò Quảng vào để “hô” những công thức môn Lý, môn Toán; hỏi - đáp về lịch sử dân tộc qua các nhân vật, tác phẩm văn học; sử dụng điệu hò Bình Định để ca ngợi vẻ đẹp của Thúy Kiều trong truyện Kiều của Nguyễn Du và ca ngợi phẩm chất của nhân vật ông Hai làng chợ Dầu trong truyện ngắn Làng của Kim Lân qua làn điệu Lý Thiên Thai…, làm cho tiết học thêm phần phong phú, sinh động. Chính lời ca mộc mạc, dễ đi vào lòng người của bài chòi giúp các em thấy dễ hiểu bài hơn, càng học càng cảm thấy thích thú.
Việc đưa nghệ thuật hát dân ca, bài chòi vào các tiết ngoại khóa ở trường cũng là một cách làm mới và hiệu quả, nhằm giúp học sinh hứng thú hơn trong học tập. Các em đã biết vận dụng kỹ thuật hô, hát với những làn điệu dân ca bài chòi mộc mạc, dân dã nhưng không kém phần độc đáo, tươi trẻ, giúp các em có thêm hứng thú học tập.
CÔNG CƯỜNG