Ghi nhật ký khai thác điện tử: Nhiều thuận lợi khi truy xuất nguồn gốc thủy sản
Nhằm hướng tới hiện đại hóa nghề cá, thuận lợi hơn trong việc quản lý hoạt động khai thác thủy sản, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định IUU, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai ứng dụng nhật ký khai thác điện tử trên tàu khai thác xa bờ của tỉnh.
Trong năm 2023, có 2 DN là Trung tâm Công nghệ vi điện tử và tin học (Viện ứng dụng công nghệ, TP Hà Nội) và Công ty TNHH Hiệp lực phát triển Việt (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tiến hành thử nghiệm sử dụng nhật ký điện tử (NKĐT) trên 20 tàu đánh bắt xa bờ ở TX Hoài Nhơn thực hiện trên 2 chuyến biển, bước đầu đã mang lại một số kết quả khả quan.
Nhân viên Cảng cá Quy Nhơn kiểm tra, đối chiếu sản lượng thủy sản khai thác theo khai báo trong nhật ký khai thác của ngư dân. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ngư dân Phạm Văn Hát, ở phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn), chủ 3 tàu đánh bắt xa bờ, chia sẻ: “Tàu câu cá ngừ đại dương BĐ 96211-TS của tôi được chọn thí điểm sử dụng NKĐT của Công ty TNHH Hiệp lực phát triển Việt trong chuyến biển tháng 3 và tháng 4.2023. Sử dụng NKĐT, mình chỉ cần mở phần mềm trên điện thoại di động để thao tác, tất cả các thông tin về vị trí khai thác, tọa độ tàu, sản lượng khai thác… được cập nhật tự động, lưu trữ trên hệ thống để khi tàu về bờ sẽ khai báo với ngành chức năng”.
Cũng tỏ ra hài lòng khi được thử nghiệm sử dụng NKĐT, ngư dân Huỳnh Ngọc Em (phường Tam Quan Bắc), chủ tàu câu cá ngừ đại dương BĐ 96214-TS, cho biết: “Sử dụng NKĐT giúp ngư dân thuận lợi rất nhiều trong việc ghi chép, bảo quản, khai báo nhật ký khai thác. Nhưng tàu cá khai thác thủy sản trong điều kiện trời êm biển lặng còn dễ ghi chép nhật ký khai thác thủy sản, chứ gặp sóng to gió lớn tàu lắc lượn liên tục, việc ghi chép sẽ rất khó khăn”.
Việc ghi NKĐT và truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử nếu được xây dựng để sử dụng chung cơ sở dữ liệu, sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi từ cơ quan nhà nước trong quản lý nghề cá, cho đến DN chế biến xuất khẩu thủy sản, chủ nậu mua gom thủy sản, đặc biệt sẽ tạo bước tiến mới trong thực hiện quy trình khai báo để truy xuất nguồn gốc thủy sản theo quy định.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định - phụ trách Cảng cá Quy Nhơn, phân tích: “Luật Thủy sản quy định ghi nộp nhật ký khai thác thủy sản giấy hoặc NKĐT, nhưng hiện nay phổ biến nhất vẫn là việc ghi nộp nhật ký giấy, còn NKĐT vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Nếu hệ thống ghi nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử sử dụng chung cơ sở dữ liệu, liên thông với nhau, chúng tôi chỉ cần làm một thao tác là toàn bộ những thông tin cần biết (vị trí, tọa độ khai thác, loài thủy sản...) sẽ hiển thị một lần, rất rõ ràng, hợp lý.
Ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Trung tâm công nghệ biển (thuộc Công ty TNHH Hiệp lực phát triển Việt), cho biết: “Việc thí điểm sử dụng NKĐT nhằm giúp bà con ngư dân tiếp cận công nghệ hiện đại. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ thí điểm cho các tàu câu cá ngừ đại dương ở Bình Định tiếp cận ứng dụng công nghệ NKĐT. Sau này, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) xây dựng, phát triển NKĐT đồng bộ dùng chung, khi đó chúng ta sẽ có cơ hội áp dụng rộng rãi”.
Trên cơ sở kết quả mang lại trong quá trình thí điểm sử dụng NKĐT cho 20 tàu cá ở TX Hoài Nhơn, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thí điểm việc sử dụng NKĐT trên tàu cá khai thác xa bờ của tỉnh.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện bước đấu thầu để lựa chọn đơn vị cung cấp thiết bị và phần mềm quản lý ứng dụng NKĐT; đồng thời, sẽ phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố chọn khoảng 100 tàu câu cá ngừ đại dương để triển khai thí điểm, sau đó đánh giá kết quả thực hiện để báo cáo UBND tỉnh và Bộ NN&PTNT để làm cơ sở tiến tới xây dựng lộ trình ứng dụng NKĐT, hướng đến hiện đại hóa nghề cá…
ÐOÀN NGỌC NHUẬN