Ngổn ngang!
Đó không chỉ là tâm trạng của học sinh lớp 12 trên cả nước. Bởi có biết bao thầy cô giáo, hiệu trưởng, hiệu phó đang như ngồi trên đống lửa, khi năm học mới đã bắt đầu mà phương án thi “2 trong 1” vẫn chưa được chốt hạ.
Hiệu phó một trường cấp 3 có lượng học sinh cao nhất nhì tỉnh ngao ngán khi nói về công tác chuẩn bị cho năm học mới. Nỗi lo cơ sở vật chất trường lớp, bố trí sắp xếp giáo viên đứng lớp bỗng chốc chẳng là “cái đinh gì” so với kế hoạch học tập cụ thể cho học sinh lớp 12. “Chẳng biết đường nào mà lần” - là tâm sự nghe chừng xót xa nhưng rất thật.
Để chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia 2015, Bộ GD&ĐT đưa ra 3 phương án. Thứ nhất, thi truyền thống 8 môn thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Thứ 2: tổ chức thi với 5 bài thi, trên cơ sở tổng hợp từ kiến thức, kỹ năng của 8 môn học kể trên. Thứ 3, chọn 11 môn học ở lớp 12 để tổng hợp thành 4 bài thi gồm: Toán - Tin, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Ngoại ngữ.
Theo kế hoạch, còn khoảng 1 tuần nữa, Bộ GD&ĐT sẽ công bố phương án thi quốc gia 2015. Vậy nhưng, càng đến gần “giờ G”, các chuyên gia giáo dục càng tranh cãi nảy lửa về 3 phương án thi Bộ đưa ra, ai cũng viện dẫn cái lý riêng của mình, dễ khiến người theo dõi “tẩu hỏa nhập ma”. Mỗi người một cách chọn, riêng GS.NGND Nguyễn Lân Dũng cho rằng, 3 phương án trên đều không hợp lý. Phương án 1 thi 4 môn khiến học sinh dễ học lệch và hình thành hai loại giáo viên: dạy môn sẽ thi và dạy môn không thi, đó là một bi kịch cho cả thầy lẫn trò. Phương án 2 tổng hợp thành 5 bài thi nghe có vẻ hợp lý nhưng như vậy vẫn quá nặng vì phải ôn đầy đủ tất cả các môn, nặng hơn cả nội dung thi như hiện nay. Phương án 3 tích hợp 11 môn thành 4 bài thi chưa thấy nước nào làm.
Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ được tổ chức trung tuần tháng 8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đừng vội khẳng định sẽ dùng 1 trong 3 phương án Bộ đưa ra, mà cần lắng nghe nhiều ý kiến khác, tránh bắt học sinh làm… chuột thí nghiệm cho một phương án chưa phải là tối ưu.
Vâng, đừng bắt các em làm chuột thí nghiệm. Bởi, để học sinh có đủ kiến thức đáp ứng yêu cầu của một kỳ thi quan trọng, sự chuẩn bị của thầy và trò là cả một quá trình mang tính xuyên suốt, lâu dài. Sự thay đổi nào cũng cần được chuẩn bị chu đáo, tính toán hơn thiệt. Sự thay đổi trong phương án tuyển sinh (nếu cần thiết) càng không thể tiến hành trong đột ngột, vội vã. Nhất định thế!
HOÀNG ANH