DỰ ÁN XÂY DỰNG ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC BẮC - NAM PHÍA ĐÔNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025:
Cưỡng chế bàn giao 100% mặt bằng trước ngày 15.1
Chiều 3.1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng chủ trì cuộc họp kiểm tra tình hình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư (dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa bàn tỉnh). Dù UBND tỉnh liên tục kiểm tra, chỉ đạo, yêu cầu các địa phương bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện dứt điểm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng biểu dương các địa phương nỗ lực khẩn trương hoàn thành tiến độ GPMB Dự án. Ảnh: HẢI YẾN
Nhiều hộ chây ỳ, yêu sách phi lý
Tại TX An Nhơn, gia đình bà Phan Thị Nữ, ở phường Nhơn Hòa, là hộ duy nhất chưa chịu nhận đền bù. Được biết, gia đình bà Nữ bị thu hồi 215 m2 đất nông nghiệp (đất mua lại từ hộ gia đình khác khai hoang từ năm 1996). Năm 2019, bà Nữ tự ý xây dựng nhà diện tích 68 m2. UBND thị xã xét giao 1 lô đất diện tích 72 m2 thu tiền theo giá thị trường 231,8 triệu đồng; đền bù cho gia đình bà Nữ tổng số tiền 127,94 triệu đồng và vận động nguồn xã hội hóa hỗ trợ thêm 103,89 triệu đồng. Tuy nhiên, bà Nữ không chấp thuận và yêu cầu bồi thường toàn bộ theo giá đất ở và 100% giá trị nhà ở, cùng với đó là được mua lô đất tổng diện tích 90 m2 với giá như thị xã phê duyệt ở lô 72 m2.
Ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TX An Nhơn, cho biết: Trưa 3.1, chúng tôi thuyết phục được 5 hộ dân chấp thuận nhận đất đền bù. Chỉ còn hộ bà Nữ chưa chấp thuận, dù chúng tôi huy động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ thêm số tiền cho bà đủ mua lô đất ở khu tái định cư Nhơn Hòa. Ngân hàng CSXH thị xã xem xét cho bà Nữ vay tiền xây dựng nhà bảo đảm nơi ở sau khi giải phóng mặt bằng (GPMB). UBND thị xã đã làm hết mọi cách hỗ trợ nhưng gia đình vẫn yêu cầu không có cơ sở, không đúng luật. Chúng tôi thực hiện đối thoại lần cuối và đã thông báo với gia đình cưỡng chế vào ngày 11.1.
Tại khu tái định cư xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, một số hộ dân chấp thuận nhận đền bù sớm sẽ xây dựng nhà xong trước Tết Nguyên đán năm 2024. Ảnh: HẢI YẾN
Theo báo cáo của Sở GTVT, Hoài Ân là địa phương còn 6 hộ chưa chấp thuận phương án đền bù. Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, cho biết: Sáng 3.1, đã có 2 hộ đồng ý phương án bồi thường GPMB, chỉ còn 4 hộ chưa chấp thuận. Trong đó, các hộ đòi hỏi rất nhiều yêu cầu không có cơ sở giải quyết như: Bố trí chỗ cho chăn nuôi gia súc, đền bù đất nông nghiệp sang đất ở, đền bù giá trị nhà xây trái phép, hoán đổi lô đất đền bù ở khu vực khác... Ngay sau cuộc họp này, chúng tôi sẽ ra quyết định cưỡng chế không chần chừ nữa.
Tại cuộc họp, các địa phương Tuy Phước, Phù Cát cập nhật số liệu các hộ dân còn lại đã chấp thuận nhận đền bù. Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Sáng 3.1, chúng tôi đã thuyết phục 2 hộ còn lại chấp thuận nhận tiền trong tuần này. Riêng Công ty TNHH Vũ Hà đã cho phép thông xe đi lại qua khu đất, chỉ xin phép chờ nhà cấy mô xây dựng xong sẽ di dời.
Cán bộ các địa phương tuyên truyền giải thích vận động người dân chấp thuận nhận đền bù. Ảnh: HẢI YẾN
Cưỡng chế trước ngày 15.1
Các địa phương đã rất khẩn trương, tìm mọi cách thuyết phục, giải thích người dân không kể ngày đêm. Lãnh đạo một số địa phương chia sẻ, khi có thông báo cưỡng chế theo quy định thì các hộ lập tức chấp thuận theo phương án đền bù, không phải cưỡng chế; rõ ràng, các hộ dân nắm rõ việc đòi hỏi của gia đình không đúng nhưng chây ỳ, cố tình đòi hỏi thêm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng ghi nhận những nỗ lực của các địa phương hoàn thành công tác GPMB dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa bàn tỉnh. Thực tế, chỉ còn 9 hộ chưa nhận tiền đền bù, chiếm gần 0,1% trong tổng số 11.471 hộ bị ảnh hưởng GPMB. Các địa phương tìm nhiều cách có thêm kinh phí hỗ trợ cho các hộ thực sự khó khăn. Với cách làm việc này, chính quyền địa phương đã nỗ lực rất lớn, dành mọi thời gian, tâm huyết, quyết tâm thực hiện hoàn thành công việc GPMB dự án.
Bình Định nỗ lực để các nhà thầu có mặt bằng sạch thực hiện dự án cao tốc đi qua tỉnh. Ảnh: HẢI YẾN
Ông Lê Quang Thinh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án và đầu tư TX An Nhơn, cho biết: Suốt tuần qua, chúng tôi liên tục tìm cách gặp gỡ người thân của các gia đình chưa chấp thuận nhận bồi thường GPMB của dự án để nhờ thuyết phục, bất kể ngày đêm, ngày nghỉ lễ. Cả hệ thống chính quyền ở địa phương và TX An Nhơn cùng đồng hành với Ban gõ cửa từng nhà, giải thích cụ thể theo luật pháp quy định, các chính sách hỗ trợ thêm từ nguồn xã hội hóa để người dân có lợi nhất. Trong khi tôi đang dự cuộc họp này, anh em ở Ban vẫn đang đi tìm nhà người thân của bà Nữ (ở địa phương khác) nhờ khuyên nhủ. Nếu áp dụng phương án cưỡng chế, gia đình bà Nữ không được nhận phần hỗ trợ thêm từ nguồn xã hội hóa.
Nguồn: BTV
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng cho rằng, đã thực hiện công tác đền bù GPMB thì phải đúng luật, nhưng xét thấy người dân còn chưa nắm rõ quy định nhà nước, hoàn cảnh quá khó khăn thì nên tìm cách để hỗ trợ thêm, giải thích thấu tình đạt lý. Tuy nhiên, công tác GPMB phải hoàn thành trước ngày 15.1. Riêng trường hợp Công ty TNHH Vũ Hà, UBND huyện Tuy Phước phải thuyết phục di dời nhà nuôi cấy mô cuối tháng 1.2024, không thể chậm trễ hơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cũng yêu cầu các địa phương tiến hành thảm nhựa, lát vỉa hè tại 10 khu tái định cư chưa hoàn thiện cho người dân ổn định cuộc sống trước Tết Nguyên đán năm 2024.
HẢI YẾN