Phân loại chất thải tại nguồn: Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường
Sở TN&MT đã và đang phối hợp với sở, ngành liên quan, chính quyền các huyện, thị xã triển khai thực hiện mô hình phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Bước đầu, các mô hình đạt nhiều kết quả tích cực, người dân hình thành thói quen phân loại chất thải sinh hoạt tại nhà.
Điển hình Thuận Nghĩa
Hiện nay, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn đã trở thành thói quen thuần thục của người dân ở khu phố Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn). Trong nhà của gần 300 hộ dân được trang bị riêng thùng chứa chất thải hữu cơ là thực phẩm dễ phân hủy như thức ăn thừa và các loại rau, củ, quả để sử dụng vào việc ủ làm phân hữu cơ. Ngoài ra, còn có thùng chứa chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế và thùng chứa CTRSH khác.
Việc này được người dân khu phố Thuận Nghĩa thực hiện từ tháng 6.2023 khi Sở TN&MT phối hợp với Sở NN&PTNT và UBND huyện Tây Sơn triển khai mô hình “phân loại, vận chuyển, xử lý CTRSH tại nguồn”. Tham gia mô hình, người dân được cán bộ chuyên môn hướng dẫn cụ thể cách thức nhận biết chất thải hữu cơ; chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; CTRSH khác để phân loại ngay tại nhà. Các loại CTRSH này sau khi phân loại được đội thu gom đưa đi xử lý theo đúng quy trình kỹ thuật.
Thùng ủ được người dân khu phố Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) sử dụng ủ chất thải thực phẩm dễ phân hủy làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Ảnh: V.L
Bà Nguyễn Thị Dung, ở khu phố Thuận Nghĩa, chia sẻ: Từ khi thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, lượng rác thải ra môi trường hạn chế rất nhiều; tình trạng vứt rác bừa bãi cũng không còn. Đặc biệt, việc ủ chất thải hữu cơ là các loại thực phẩm dễ phân hủy theo mô hình thùng ủ đã tạo ra nguồn phân hữu cơ sử dụng an toàn, hiệu quả cho cây trồng.
Theo ông Bùi Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Phong, cán bộ chuyên môn của địa phương và Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TN&MT) thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng phân loại, xử lý” khi triển khai mô hình tại khu phố Thuận Nghĩa. Thời gian đầu, do thói quen nên một số người dân chưa thực hiện triệt để việc phân loại CTRSH. Dần dà, bà con cũng quen và tới nay đã thuần thục việc phân loại các loại chất thải. Đáng mừng hơn, người dân đã nâng cao ý thức trong giữ gìn, bảo vệ môi trường; không xả rác bừa bãi ra khu dân cư.
Tiếp tục phát huy, nhân rộng
Thời gian qua, mô hình “phân loại, vận chuyển, xử lý CTRSH tại nguồn” còn được thực hiện tại nhiều địa phương khác như xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước); phường Bồng Sơn, xã Hoài Châu Bắc (TX Hoài Nhơn); xã Nhơn Tân (TX An Nhơn)… Khi triển khai mô hình, các tổ, đội như tổ giám sát, hỗ trợ; tổ hướng dẫn; đội thu gom, xử lý cũng được thành lập và cùng cán bộ chuyên môn ngành môi trường hướng dẫn người dân trong việc phân loại CTRSH tại nguồn. Nhờ đó, mô hình được thực hiện đồng bộ, thông suốt; từng bước nâng cao ý thức người dân trong phân loại rác thải, bảo vệ môi trường.
Theo ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch UBND phường Bồng Sơn, sau gần nửa năm mô hình triển khai tại khu phố Trung Lương, người dân đã tiếp thu hướng dẫn và thực hiện rất tốt việc phân loại rác tại nguồn. Qua đó, CTRSH phát sinh hằng ngày tại khu dân cư được phân loại, tập kết, thu gom, xử lý đảm bảo quy trình; góp phần giữ gìn môi trường đô thị sạch, đẹp.
Người dân ở khu phố Trung Lương (phường Bồng Sơn, TX Hoài Nhơn) phân loại chất thải thực phẩm dễ phân hủy để đưa đi ủ phân. Ảnh: V.L
Ông Trần Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, cho biết: Theo quy định, sau ngày 31.12.2024, hộ gia đình không thực hiện phân loại CTRSH sẽ bị xử phạt và chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý. Do đó, mô hình “phân loại, vận chuyển, xử lý CTRSH tại nguồn” sẽ tiếp tục được nhân rộng, nhằm giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác thải; từng bước hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn.
Còn bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, nhìn nhận: Hiệu quả của mô hình “phân loại, vận chuyển, xử lý CTRSH tại nguồn” ở các địa phương thời gian qua là bước đệm cho việc nhân rộng trong toàn tỉnh thời gian đến. Bởi mô hình thiết lập được mạng lưới hệ thống từ giai đoạn phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH tại hộ dân. Xây dựng được cơ chế pháp lý rõ ràng cho các hoạt động quản lý CTRSH mang tính đặc thù từng địa phương; góp phần giảm tải khối lượng CTRSH phát sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Sau 6 tháng triển khai mô hình, người dân trên địa bàn khu phố Thuận Nghĩa đã thu gom chất thải hữu cơ với khối lượng trên 10.530 kg. Lượng chất thải này được ủ thành trên 2.260 kg phân, 620 lít nước rỉ và được sử dụng để trồng rau. Rau sinh trưởng, phát triển tốt và an toàn cho người tiêu dùng do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học.
Ngoài ra, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được Hội LHPN thị trấn Phú Phong đến nhà người dân khu phố Thuận Nghĩa thu gom, tập kết tại “Ngôi nhà xanh” đặt ở trụ sở HTX Nông nghiệp khu phố Thuận Nghĩa để bán phế liệu với khối lượng gần 230 kg.
VĂN LỰC