Phát triển nguồn nhân lực để chuyển đổi số thành công
Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20.9.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Ðịnh khóa XX xác định phát triển nguồn nhân lực số là một trong những nhiệm vụ tạo nền móng chuyển đổi số của tỉnh. Do đó, các cấp, ngành đang nỗ lực xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ, chuyên gia đáp ứng nhiệm vụ này.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở TT&TT, cho biết: Nghị quyết đề ra các giải pháp định hướng, như: Xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo các chuyên gia của tỉnh về kỹ năng phân tích dữ liệu, làm chủ công nghệ dữ liệu lớn, dữ liệu mở. Chủ động liên kết với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu và các đối tác trong, ngoài nước, đẩy mạnh hợp tác với Trường ĐH Quy Nhơn, phân hiệu ĐH FPT tại Bình Định để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin hiện có, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để trở thành các chuyên gia nòng cốt tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp về CĐS…
Trường ĐH Quy Nhơn chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đón đầu phát triển công nghiệp, công nghệ mới, nhất là chuyển đổi số. Ảnh: Q.N
Từng bước đáp ứng yêu cầu
Hiện thực hóa nhiệm vụ này, thời gian qua, chính quyền các địa phương, đơn vị, DN trong tỉnh đã chú trọng đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực, đáp ứng nhiệm vụ CĐS dựa trên 3 trụ cột: Chính quyền số - kinh tế số - xã hội số. Đến nay, toàn tỉnh có 510 công chức, viên chức chuyên trách, kiêm nhiệm về CĐS; 1.176 tổ công nghệ số cộng đồng tại thôn/xóm, với 4.353 người tham gia; 8.650 cán bộ, công chức, viên chức đã tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn về nâng cao nhận thức, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số; 639 cán bộ, công chức các sở, ngành và UBND cấp huyện được cử tham gia tập huấn về CĐS trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà do Cục CĐS quốc gia tổ chức.
Bình Định xác định mục tiêu của chương trình CĐS của tỉnh đến năm 2030 là trở thành địa phương thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về CĐS; xây dựng thành công chính quyền số, đưa TP Quy Nhơn trở thành một trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam. PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, cho hay: Để đón đầu cơ hội này, đặc biệt là bắt nhịp với xu thế CĐS toàn cầu, trường đã mở ra các ngành đào tạo mới, như khoa học dữ liệu, khoa học dữ liệu - ứng dụng, AI, kỹ sư phần mềm, kỹ thuật điện tử viễn thông, toán ứng dụng và kỹ thuật điều khiển tự động hóa, với tổng chỉ tiêu hằng năm hơn 600 sinh viên. Từ năm 2019, trường đã mở chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ ngành khoa học dữ liệu ứng dụng. Đến nay, trường đã tuyển sinh và đào tạo được 3 khóa trình độ thạc sĩ với quy mô trên 40 học viên.
Năm 2022, Trường ĐH FPT phân hiệu Quy Nhơn cũng đi vào hoạt động. Hiện nay, trường đang đào tạo 4 chuyên ngành về công nghệ thông tin, gồm: AI, kỹ thuật phần mềm, an toàn thông tin, thiết kế mỹ thuật số. Ông Vũ Hồng Chiên, Trưởng bộ môn AI Trường ĐH FPT phân hiệu Quy Nhơn, cho hay: “Việc mở và đào tạo chuyên ngành về AI, là nguồn nhân lực chất lượng cao để hỗ trợ tỉnh hiện thực hóa dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại Bình Định trong thời gian tới”.
Nơi thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Toàn tỉnh có 186 DN đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định, hiện thu hút được 2 “sếu đầu đàn” về công nghệ thông tin là Công ty TMA Solutions Bình Định, Công ty FPT Software Quy Nhơn, với trên 1.000 nhân sự. TS Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Công ty TMA Solutions, chia sẻ: “Trong 5 - 10 năm tới, tại Công viên sáng tạo TMA ở Quy Nhơn sẽ có khoảng 2.000 nhân sự công nghệ thông tin. Trong số này, TMA kỳ vọng thu hút không chỉ người Bình Định mà cả mọi miền Tổ quốc”.
Ngoài ra, tỉnh có 2 dự án đang triển khai, gồm: Trung tâm AI - Đô thị phụ trợ Long Vân; Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software. Sau khi 2 dự án này đi vào hoạt động, dự kiến sẽ có hơn 10.000 lao động làm việc.
Ông Nguyễn Minh Thảo cho rằng, với các DN nêu trên là nơi thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao quan trọng, đón đầu phát triển công nghiệp, công nghệ mới, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, nhiệm vụ CĐS được tỉnh đặt ra từ nay đến năm 2030. Đồng thời, ông Thảo cũng “gợi mở” thêm 3 giải pháp cốt yếu trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số trên địa bàn tỉnh thời gian đến, đó là nâng cao nhận thức về CĐS, phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình CĐS và đào tạo phát triển nguồn nhân lực CĐS trong từng ngành, lĩnh vực. Theo đó, các trường đại học có chuyên ngành đào tạo công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, phân tích dữ liệu, an toàn thông tin, AI cần có chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất để thu hút sinh viên tham gia học tập, nghiên cứu. Đồng thời, triển khai chương trình “học từ làm việc thực tế” để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu thực tế và đặt hàng của DN.
TRỌNG LỢI