Nên vận động người dân trồng tre để giữ đất
Những năm gần đây, tỉnh ta phải bỏ ra nguồn kinh phí lớn (ngân sách của tỉnh, hỗ trợ của chính phủ) để xây bờ kè chống sạt lở (ở những nơi sạt lở nghiêm trọng) dọc theo các con sông trong tỉnh. Hàng năm, chính quyền các địa phương cũng triển khai các giải pháp phòng chống sạt lở đất trước mắt cũng như lâu dài.
Thế nhưng, tình trạng sạt lở đất bờ sông vào mùa mưa lũ không những không giảm mà còn có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn, làm mất đất sản xuất, nhà cửa, công trình giao thông. Thiệt hại về kinh tế rất lớn.
Nguyên nhân chính, theo cơ quan chức năng là do biến đổi khí hậu, địa hình sông có độ dốc cao, nền đất ven bờ yếu. Thêm vào đó là nạn phá rừng, khai thác cát trái phép, công trình xây dựng làm thay đổi dòng chảy…
Nhưng theo tôi, một nguyên nhân quan trọng khác là do lũy tre hai bên bờ sông ngày càng giảm.
Trồng tre giữ đất là chuyện đã có từ bao đời nhưng nay người dân có đất ven sông lại không chú ý đến nữa. Không những người dân không trồng thêm tre để phủ kín bờ sông mà một số người lại phá tre để trồng các loại cây ngắn ngày, các loại cây trồng khác vì lợi ích kinh tế trước mắt.
Thiết nghĩ, chính quyền các xã cần tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân bảo vệ tre, và tiếp tục trồng thêm tre để tạo thành lũy tre hai bên bờ sông. Đây là một giải pháp dễ làm, ít tốn kém, nhưng rất hiệu quả, bền vững trong chống sạt lở đất mà ông cha ta bao đời nay vẫn làm. Ngoài ra, cây tre hiện cũng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân từ việc bán măng làm thức ăn, bán tre cây để làm nguyên liệu giấy hay nguyên liệu sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.
QUỲNH CHI