Tìm thấy lò nung gốm cổ Bình Ðịnh
Đồng Cây Da, thuộc thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn) có một khu gò cao, trên bề mặt có một lớp mảnh sành dày, người dân gọi khu này là Gò Sành. Hiện tượng trên có dấu hiệu cho thấy nơi đây có một lò nung, nhưng vị trí lò nung ở đâu thì chưa xác định được. Trong quá trình người dân khai thác nguyên liệu đất sét sản xuất gạch đã làm lộ ra lò nung.
Lò nung vừa được tìm thấy tại khu đồng Cây Da. Ảnh: Đ.B.H
Theo tư liệu Những điều ghi chú về các lò sản xuất gốm ở Bình Định của Roland Patteau (học giả của Trường Viễn Đông bác cổ Pháp) công bố trong tạp chí Những người bạn xứ Huế, trong đó tỉnh Bình Định có tất cả 17 làng chuyên sản xuất gốm, riêng Tây Sơn có ghi chép 3 làng ở Đồng Phó và Tây Thuận của xã Bình Giang (nay là Tây Giang, Tây Thuận), vùng Bình Nghi không thấy chép khu lò nào. Vậy nên việc làm lộ ra một khu lò có thể được xem như là một phát hiện mới.
Về lò nung, dù chỉ lộ ra một vạt tường nhưng có thể đoán định được dạng kỹ thuật xây lò này là dạng lò nằm, quan sát thấy tường lò xây bằng gạch Chăm, bờ tường vuông vức. Đáng tiếc là cả khu gò đã bị phá hủy hoàn toàn trong quá trình khai thác đất sét, nên không thể xác định được kích thước cụ thể của lò.
Về sản phẩm, quan sát trên bề mặt của khu gò, qua những mảnh phế thải có thể đoán định một số sản phẩm chủ yếu của lò này chủ yếu là đồ sành dạng sành nâu, sản phẩm chủ yếu là chậu, bình, vò, bình vôi, nồi, nhưng đều bị vỡ, không xác định được kích thước cụ thể.
Đáng chú ý nhất là bình vôi, loại hình này chất liệu là sành nâu, có loại tráng men và cả loại không tráng men, ngoài ra còn có sản phẩm đất nung như nồi đáy tròn miệng bẻ loe xiên, xương mỏng mịn độ nung già.
Bình vôi. Ảnh: Đ.B.H
Đặc biệt, loại bình vôi sản xuất tại khu lò này có dáng rất lạ, ngoài loại truyền thống là dáng tròn có quai, còn có loại không có quai, bên trên có hình nấm trông khá ngộ nghĩnh. Bình vôi phát hiện ở đây có một ít được tráng men (nâu, trắng ngà), phần nhiều còn lại không tráng men. Và trong 20 chiếc chỉ có 4 chiếc trang trí hoa văn, còn lại không trang trí.
Về dáng bình vôi có thể chia làm 2 loại, thứ nhất là dạng chân đế có cổ (7 chiếc), dáng cân đối, đế choãi, giữa chân và thân eo thắt lại, thân phình tròn đều vai xuôi, bên trong rỗng, vai khoét lỗ tròn, phần cổ eo thắt, bên trên là chiếc nắp đậy nhưng gắn chặt với thân cổ, nắm xòe ra như hình chiếc nấm, chính giữa có núm tròn nhỏ. Một loại khác có dạng thân phình tròn (4 chiếc), bên trong rỗng, chân đế bằng, chính giữa bên trên có núm nhỏ, bên trên tạo quai khắc hình thằn lằn.
Loại bình vôi dáng tròn có 5 chiếc, cao 5 cm, dáng hình tròn đều, đế bằng, bên trong rỗng, bên vai khoét lỗ tròn nhỏ, 4 chiếc được tráng phủ lớp men trắng ngà, 1 chiếc không men, phía trên bên ngoài có khắc hoa văn hình hoa sen 5 cánh, bên vai đắp một số họa tiết nổi hình con giun.
Với những dấu vết còn lại có thể khẳng định đây là khu lò của người Việt Bình Định. Về sản phẩm, chủ yếu là dạng bình vò, nồi, bình vôi. Chất liệu chủ yếu là gốm sành, có men và không.
Về lò nung, tường xây bằng gạch, được khai thác từ những tháp Chăm đổ gần đó. Tuy không thấy được hình dáng cụ thể, nhưng có thể đoán định đây là dạng lò được xây theo kỹ thuật lò nằm, dạng lò rất phổ biến ở các lò nung gốm vùng này. Đây là khu lò mới phát hiện, nhưng gần như không thể tiếp tục nghiên cứu thêm gì được nữa vì khu đất đã được khai thác lấy đất làm gạch quá nhiều.
Về niên đại, đến hiện nay, vẫn chưa thấy một nguồn tư liệu nào nói đến chủ nhân của khu lò này. Như đã đề cập ở trên, trong ghi chép của Roland Paterau về các ngành nghề nung gốm Bình Định năm 1927, không thấy ghi chép về khu lò này, trong dân gian cũng không nhớ ai là những chủ nhân sản xuất ra các sản phẩm ấy. Qua dấu tích lò để lại, hình dáng sản phẩm và chất liệu…, chúng tôi cho rằng khu lò gốm cùng các sản phẩm có niên đại vào thế kỷ XVII - XIX.
ÐINH BÁ HÒA