Chính phủ và các địa phương bàn giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn trong sản xuất kinh doanh
Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương để bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn cho sản xuất kinh doanh và những giải pháp trọng tâm thực hiện trong năm 2024.
Ngày 5.1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị của Chính phủ với các địa phương. Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi lời chúc mừng đến Hội nghị và kết quả của năm 2023 có thể nói cao hơn năm 2022; giao nhiệm vụ cho Chính phủ không được chủ quan, thỏamãn mà phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa để năm 2024 lại có kết quả cao hơn năm 2023.
Nhìn lại năm 2023, Thủ tướng cho biết, tình hình KT-XH tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước và cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra. Trong đó, vốn FDI thực hiện đạt 23,18 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư công dự báo đạt 95% kế hoạch, số tuyệt đối cao hơn 146.000 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước vượt 8,2%; đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu xã hội…
Về tồn tại, hạn chế, Thủ tướng đề nghị phân tích, làm rõ thêm nguyên nhân chủ quan và nêu giải pháp cụ thể về những khó khăn, điểm nghẽn trong sản xuất kinh doanh, nhất là về xuất khẩu, thị trường, tiếp cận vốn, vướng mắc trên các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp
Giải ngân cao nhất từ trước đến nay
Báo cáo về kết quả kinh tế, xã hội năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tăng trưởng cả năm đạt 5,05%. Việt Nam, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt 95% kế hoạch (năm 2022 là 91,42%), số tuyệt đối đạt gần 676 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, cao hơn khoảng 146 nghìn tỷ đồng so với năm 2022.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc.
Trong năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng thương mại yếu kém; triển khai Đề án cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo Kết luận của Bộ Chính trị và đạt kết quả tích cực, nợ xấu và lỗ lũy kế giảm dần, đến cuối năm 2023 lỗ lũy kế giảm 12%. Tiếp tục xử lý hiệu quả bước đầu 8/12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, nhất là 3 dự án, nhà máy phân bón.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, như vẫn còn tình trạng thiếu điện cục bộ trong tháng 5 - 6.2023 chủ yếu do khâu điều độ, truyền tải và phân phối còn bị động, lúng túng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ trong, ngoài nước suy giảm.
Tiếp cận tín dụng còn khó khăn. Thị trường bất động sản dù được cải thiện nhưng còn trầm lắng chủ yếu do bất cập về phân khúc và vướng mắc về pháp lý. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được tháo gỡ và tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhưng còn tiềm ẩn rủi ro.
Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng
Về phương hướng nhiệm vụ năm 2024, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá, dự báo tình hình năm 2024 có vấn đề gì mới, có điểm gì khác biệt, khó khăn hơn năm 2023; những trọng tâm chỉ đạo điều hành để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa kết hợp với các chính sách khác thế nào, vừa thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, vừa đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới.
Lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương tham dự Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
Cùng với đó là các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia, hạ tầng chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế thực chất, hiệu quả hơn, thúc đẩy cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, sớm giải quyết các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ còn lại…
Về văn hóa, xã hội, môi trường, Thủ tướng đề nghị tập trung phân tích về giải quyết bài toán gắn kết hài hòa hơn giữa phát triển văn hóa, xã hội với kinh tế; phát triển công nghiệp văn hóa, thúc đẩy nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu...
Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Thủ tướng đề nghị phân tích về các nhiệm vụ, giải pháp để không bị động, bất ngờ về chiến lược như chúng ta đã làm tốt trong thời gian qua; thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn kết với phát triển KT-XH; những cách làm, giải pháp mới để hiện thực hóa kết quả, cam kết của hoạt động đối ngoại cấp cao.
Theo Văn Kiên (TPO)