Lạc quan, nỗ lực, cân bằng để hạnh phúc
Quan điểm này là chiếc neo để bà Nguyễn Thị Ðào (SN 1970, ở thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) luôn nỗ lực vươn lên tự lập, yêu thương và sẻ chia với những người khó khăn, dù bà là người khuyết tật.
Nỗ lực để tự lập
Bà Nguyễn Thị Đào là người khuyết tật vận động mức độ nặng. Bệnh teo cơ chân bẩm sinh khiến việc đi lại của bà gặp nhiều khó khăn. Dầu vậy, với quyết tâm học tập để mở rộng kiến thức, bà vẫn cố gắng đến trường để học hết lớp 9. Vì gia đình khó khăn, trường học xa nhà nên bà nghỉ học. Thời gian đó bà phụ mẹ làm các loại bánh truyền thống bán ở chợ. Đến năm 1995, mẹ già yếu về ở với anh chị, bà Đào “ra riêng”.
Bà Đào gắn bó với nghề làm bánh ít lá gai. Ảnh: T.K
Học hỏi từ lúc còn phụ làm bánh với mẹ, bà Đào bắt đầu làm bánh ít lá gai đem ra chợ bán hằng ngày để tự lo cho mình. Dù ban đầu thu nhập ít ỏi nhưng nhờ bánh ngon, dần dần sản phẩm do bà làm ra thu hút được nhiều khách.
Đơn hàng càng nhiều, một mình làm không xuể, mà để mở rộng cơ sở, bà Đào cần có vốn để mua sắm máy móc, dụng cụ và thuê thêm người làm. “Tôi vẫn loay hoay chưa biết tìm vốn ở đâu, thì rất may mắn là năm 2014, Chi hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em Đoàn Kết (huyện Tuy Phước) thông tin về việc Ngân hàng CSXH cho vay vốn ưu đãi để hỗ trợ cho người khuyết tật. Tôi đã đề nghị Chi hội làm việc với Ngân hàng giúp tôi vay 30 triệu đồng mở rộng sản xuất”, bà Đào kể.
Có được số vốn trên, bà Đào đầu tư 15 triệu đồng mua 1 máy xay bột, 1 máy đánh bột và 1 máy xay dừa. Còn lại bà mua nguyên liệu dự trữ và thuê thêm 2 người làm, trong đó có một người khuyết tật vận động như mình. Ngẫm lại những gì đã trải qua, bà Đào cho hay: “Tôi đã phải nỗ lực hơn rất nhiều người bình thường chỉ để tự lập và giờ tôi thấy tự hào vì điều đó!”.
“Tôi hạnh phúc!”
Chúng tôi đến nhà bà Đào khi bà và bà Lê Thị Dư (SN 1966, chị em kết nghĩa của bà Đào) đang chuẩn bị nguyên liệu để hôm sau phát bún chay từ thiện cho mọi người trong xóm. Bà Đào chia sẻ: “Lần này tôi chỉ góp công thôi, còn kinh phí là do các chị em đóng góp. Vì tôi và chị Dư đều ăn chay trường nên thuận tiện trong việc nấu bún chay chia sẻ cho bà con”.
Theo bà Dư, ngoài tất bật với việc làm các loại bánh theo đơn đặt hàng, bà Đào còn nhiệt tình trong hoạt động thiện nguyện. Bà cùng các bạn, chị em thường xuyên thăm hỏi và làm từ thiện ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm, giúp những người gặp khó khăn.
Hiện nay, mỗi ngày bà Đào làm từ vài trăm đến cả nghìn chiếc bánh ít lá gai, cùng một số loại bánh truyền thống khác như bánh hồng, bánh phu thê, bánh ít trắng... Trước, mỗi ngày bà phải chạy 3 phiên chợ, nay bà chỉ làm cho khách lấy sỉ. Sau bao bôn ba, bà nhận ra cần phải dành thời gian cho bản thân và những người xung quanh. Xem việc thiện nguyện là cách sống cho bản thân, bà Đào trích một phần lợi nhuận từ nghề làm bánh ít để giúp đỡ những người khuyết tật bị ốm đau hay gặp hoạn nạn.
“Cách để tôi sống nhẹ nhàng mỗi ngày là nỗ lực và không so sánh. Hơn nữa, cuộc sống vốn nhiều vất vả đã giúp tôi hiểu hơn những nhọc nhằn của rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Mỗi người đều có niềm tin, hạnh phúc riêng. Và chia sẻ với người khác là một trong những điều giúp tôi sống tích cực từng ngày. Bây giờ, tôi rất hạnh phúc!”, bà Đào vui vẻ nói.
Theo ông Nguyễn Mỹ Quang, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, bà Đào là một trong những người khuyết tật điển hình trong việc tự lực vươn lên vượt qua thử thách, chiến thắng bệnh tật, mặc cảm, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.
THẢO KHUY