Võ sư Lâm Ngọc Ánh: Thông thạo võ y, chữa bệnh miễn phí
Theo cha rèn luyện võ nghệ lúc còn nhỏ tại võ đường của gia đình, nghiệp dạy võ đã song hành cùng võ sư Lâm Ngọc Ánh (SN 1955, ở xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) đến nay. Ngoài duy trì lớp võ tại nhà, ông đang là người lưu giữ cuốn võ y do Linh Không Thiền sư ở Ngũ Ðài Sơn (Trung Quốc) nghiên cứu, truyền lại hậu thế, dùng để chữa miễn phí cho người bị chấn thương.
Đến đầu làng An Thái, xã Nhơn Phúc, hỏi thăm Võ đường Bình Sơn do võ sư Lâm Ngọc Ánh phụ trách, không ai là không biết, bởi đây là 1 trong 4 lò võ nổi tiếng tại An Thái. Nơi đây lưu giữ bài võ “Lão hổ ẩn nhân hình” mang nét đặc trưng của làng võ An Thái, hiện đang được dòng họ Lâm kế thừa phát huy.
Võ sư Lâm Ngọc Ánh chia sẻ về cuốn võ y được kế thừa từ dòng họ. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Là chưởng môn đời thứ 4 phái Bình Sơn, võ sư Lâm Ngọc Ánh kế thừa và lưu truyền những bài võ mà cha của ông - cố võ sư Lâm Ngọc Phú - đã truyền dạy. Theo võ sư Lâm Ngọc Ánh, cũng như nhiều võ đường, CLB khác, lớp võ Bình Sơn thường sôi nổi vào mùa hè, với khoảng 50 võ sinh tập luyện. Trong đó, phần lớn là thanh thiếu niên trong xóm đến học võ phòng thân. Các bài: Ngọc trản, Lão mai, Độc kiếm, Ba chân hổ, Tâm pháp, Thủ pháp, Nhãn pháp, Cước pháp, Miêu côn, Tứ côn… được võ đường Bình Sơn gìn giữ và truyền dạy cho môn sinh.
Ngoài nắm giữ những bài võ tinh hoa của làng An Thái, võ sư Lâm Ngọc Ánh còn đang giữ cuốn võ y ghi chép các bài thuốc chữa chấn thương về xương khớp. Vừa lật từng trang vở đã cũ sờn, được trình bày nắn nót và rành mạch bằng chữ viết tay, võ sư Lâm Ngọc Ánh tâm tình: “Gia đình tôi đã lưu truyền tư liệu này hơn 300 năm. Bản tôi đang giữ là bản dịch từ tiếng Hán sang tiếng Việt do tôi chép lại lúc còn trẻ. Sách này ghi rõ trên thân người có 108 huyệt đạo, trong đó có 36 tử huyệt và 72 tiểu huyệt, ghi chú cặn kẽ thước tấc trên đồ hình và bài thuốc gia giảm cho đúng. Chỉ có học trò thân thuộc mới được truyền lại, vì có liên quan đến huyệt đạo, phòng việc trả thù riêng”.
Đã cận kề tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng khi diễn bài quyền, những bước tiến thoái của võ sư Lâm Ngọc Ánh rất linh hoạt, sắc sảo, ánh mắt toát lên cái thần của người luyện võ. Nhìn thấy lòng bàn chân phải của ông có một vết đen, hỏi ra mới biết, khi làm thuốc, bàn chân của ông dậm lên lưỡi cuốc đặt trên lửa nóng rồi “đạp” lên vùng bị thương để dẫn thuốc vào cơ thể người bị chấn thương. “Khi “đạp thuốc” để điều trị nội thương, chỉ có bàn chân phải mới cảm nhận độ nóng và không làm người bệnh bị bỏng, còn chân trái, tôi không kiểm soát và cảm nhận chính xác điều này. Qua thời gian dẫn thuốc, lòng bàn chân đen lúc nào tôi cũng chẳng hay biết”, võ sư chia sẻ thêm.
Tâm sự về việc nối nghiệp của dòng họ sau này, võ sư Lâm Ngọc Ánh cho biết: “Tôi có sao chép và truyền cho anh em trong dòng họ để khi có trường hợp cần thì biết cách mà chữa cho đúng. Tuy nhiên, các em cũng ít bận tâm vì phần nhiều thời gian là làm kinh tế để lo cho gia đình. Con trai tôi cũng gần 40, hiện tại đang theo tôi học cách bốc thuốc và dùng thuốc. Việc nối nghiệp cũng cần thời gian để học hỏi và nghiên cứu thật kỹ, vì không phải ai cũng làm được”.
Võ sư Lý Xuân Vân, Phó Chủ tịch Hội Võ thuật TX An Nhơn, nhìn nhận: Võ đường Bình Sơn do võ sư Lâm Ngọc Ánh đang phụ trách là nơi có truyền thống võ thuật nhiều đời. Trong phong trào võ thuật của thị xã, võ sư Lâm Ngọc Ánh rất nhiệt tình, có tinh thần tích cực tham gia và cung cấp cho Hội các võ sinh có năng khiếu để bồi dưỡng tài năng, tham gia biểu diễn cho các chương trình võ thuật. Là một võ sư, Chưởng môn Bình Sơn, võ sư Lâm Ngọc Ánh có lối sống nhiệt thành, luôn giúp đỡ những người xung quanh, chữa bệnh miễn phí cho bà con và được người dân ở địa phương quý mến.
KIỀU VY - NGUYỄN DŨNG