Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật: Phát huy lợi thế của mạng xã hội
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, người dân có điều kiện tiếp cận nhiều thông tin trên Internet chỉ bằng những thao tác đơn giản. Do đó, chú trọng phổ biến pháp luật trên Internet là một trong những cách làm hiệu quả giúp người dân tăng hiểu biết pháp luật.
Với số lượng người dùng mạng xã hội (MXH) đông đảo, nhiều cơ quan, đơn vị coi MXH là phương tiện hiệu quả để tuyên truyền pháp luật.
Trang fanpage của Hội Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn thường xuyên đăng tải thông tin về các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, về tình hình ANTT tại địa phương. Cùng với đó là nhiều thông tin liên quan đến sinh viên như tình trạng lừa đảo trong tìm nhà trọ, chiêu dụ tìm việc nhẹ lương cao, các tệ nạn xã hội...
Bạn Lê Thị Ý Như (sinh viên khoa Kinh tế & Kế toán, Trường ĐH Quy Nhơn) cho biết, vì là sinh viên năm nhất còn nhiều bỡ ngỡ, bạn thường xuyên theo dõi các trang fanpage của trường để nắm bắt thông tin. Nhờ các bài đăng mang tính cảnh báo mà Như đã tránh được một trường hợp bị kẻ lạ chiêu dụ làm việc nhẹ lương cao. Từ đó, Như tích cực chia sẻ các bài viết liên quan đến pháp luật trên trang cá nhân để mọi người cùng biết.
Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn tra cứu thể lệ cuộc thi Tìm hiểu pháp luật trực tuyến về hộ tịch do Sở Tư pháp phát động. Ảnh: X.Q
Trong khi đó, cán bộ Tư pháp cấp xã, huyện cũng thường xuyên đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật trên MXH để người dân được thông tin cụ thể. Ông Cao Quang Tín, công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) cho biết, ngày nay hầu như ai cũng sử dụng điện thoại thông minh. Nhờ đó, việc tuyên truyền pháp luật qua MXH cũng là cách làm hay mà chính quyền các địa phương đã và đang chú trọng.
“Trên trang Facebook cá nhân của tôi và trang web của UBND phường đều thường xuyên đăng tải các nội dung tuyên truyền pháp luật. Đặc biệt là các nội dung mới liên quan đến Đề án 06 của Chính phủ (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) được cập nhật thường xuyên để người dân nắm bắt, hiểu rõ. Người dân tìm hiểu, chuẩn bị từ trước, nên quá trình thực hiện các thủ tục có liên quan được rút ngắn thời gian rất nhiều”, ông Tín nói.
Thời gian qua, Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh đã chú trọng tuyên truyền pháp luật thông qua Internet bằng những cách làm hay, nhất là tổ chức các cuộc thi pháp luật trực tuyến. Để đưa pháp luật đến gần với đời sống, Sở Tư pháp (cơ quan thường trực của Hội đồng) đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trực tuyến năm 2023”. Các sở, ban, ngành, đoàn thể đã đẩy mạnh truyền thông về cuộc thi bằng cách đăng tải các đường link của cuộc thi trên cổng/trang thông tin điện tử, fanpage của mình. Nhờ đó, cuộc thi đã thu hút được hơn 22.000 thí sinh tham gia.
Bà Trần Nguyễn Thiên Hương (ở TX Hoài Nhơn, thí sinh đoạt giải nhất cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trực tuyến năm 2023”) chia sẻ: “Nhờ thường xuyên tìm hiểu thông tin pháp luật trên MXH, tôi có sự chuẩn bị tốt cho cuộc thi. Khi được thông tin cụ thể, bạn bè, người thân của tôi cũng đã tham gia cuộc thi rất nhiệt tình”.
Theo ông Phạm Dân, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là giải pháp đột phá của công tác PBGDPL năm 2024. Bên cạnh các hoạt động của cơ quan chức năng, người dân khi có nhu cầu nên tra cứu thông tin pháp luật trên các cổng/trang thông tin chính thống của các cơ quan, đơn vị để tránh nắm bắt thông tin sai lệch. Bộ pháp điển Việt Nam do Bộ Tư pháp xây dựng nhằm giúp cá nhân, tổ chức dễ dàng tiếp cận, tra cứu văn bản quy phạm pháp luật có hệ thống qua mạng Internet. Đây là sản phẩm chính thức của Nhà nước, được khai thác và sử dụng miễn phí.
XUÂN QUỲNH