Chú chim sâu nhỏ tội nghiệp
Tản văn của THANH HOÀNG
Đã qua tháng mười một ta. Tiết trời kéo dài những cơn lạnh không đến nỗi lạnh căm nhưng hơi khó chịu mùa giáp Tết. Gió ngoài vườn nhà vẫn khi khoan khi nhặt, thỉnh thoảng lại có mưa mà lại mưa to nữa… Chiều nay lại một cơn mưa bất chợt, gió cũng kha khá.
- Ba ơi, có một con chim nhỏ nó bị làm sao kìa!
Mưa ngớt hột. Một chú chim con loạng choạng bay rồi rớt xuống sân, xem chừng đã run lập cập, cố nép mình vào tấm vách nhà, tìm chổ trú. Con bé Na hốt hoảng nói với tôi khi tôi đang mải ngồi khề khà với mấy ông bạn hàng xóm gọi là gặp mặt cuối năm.
- Để ba coi sao…
Cố nén hơi thở để mùi rượu không quá nồng đậm trước mặt trẻ nhỏ, tôi tỏ ra ân cần thể hiện sự quan tâm chăm lo đến cái sinh linh bé bỏng là con chim non kia. Bỏ nó vô lòng bàn tay ủ ấm, vuốt vài cái coi nó có lay tỉnh phần nào không. Lúc này thì nước mắt của con Na đã rơi dài xuống má. Nó chết rồi hả ba?…
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Con chim ấy chết thật rồi. Nó nhỏ thó, dạng chim sâu, thuộc tầm mới ra ràng, mới biết chuyền cành, làm sao chịu nổi gió mưa tơi tả như vầy. Người già mùa này còn ho hen từng chập, rồi có khi bệnh này bệnh kia, kể bệnh phổi rồi hẹn nhau ra đi. Cỡ như ba với mấy ông bạn còn phải chiều chiều làm vài cốc rượu gạo cho ấm người, để đủ sức chống lại cái lạnh sắt se mùa này. Tôi lẩm nhẩm trong lòng, lầm bầm cái gì đó chắc có lẽ con Na cũng không nghe được, hiểu được.
Ngày xưa, lúc còn khoảng mười một, mười hai tuổi, tôi đi học về là cứ tụ tập lăng quăng theo đám bạn trong xóm. Trong tay thằng nào cũng có cái nạng giàn thun tự chế. Không có gỗ tiện thì xài đỡ cái chảng ba của cây dành dành, cây ổi. Dây thun khoanh quấn miếng da làm chỗ nạp bi và dây thun dài nối với chảng ba thì đúng là tay chơi đẳng cấp. Lúc thì rê rê ngắm nghía như ta đây là thiện xạ. Lúc đút lưng quần cụt thủ thân.
Hồi đó chưa bị cận nên vô vườn dâu, vườn mận là tôi bắn bá phát. Đạn bằng đất sét vò viên phơi khô mấy chú chim vừa tầm làm sao chịu nổi. Bắn chim chán rồi thì đi bắt tổ chim. Nghĩ lại, tội thiệt chớ, một tổ 3, 4 trứng chưa ấp, chưa nở, nỡ lòng nào lấy húp ngon lành. Đến khi thấy trong tổ, mấy cái mỏ chờ mẹ nó về mớm mồi, cầm lòng không đậu, thôi tha. Rồi có lúc đem chim non về nuôi, ăn uống chăm sóc cỡ gì sao bằng mẹ nó, có lúc nó cũng quay đơ ra nằm thẳng cẳng. Thả cho mấy đứa đi đâu thì đi!
Sau này, thấy ai ăn chim sẻ, chim mía, dù có lúc nó lềnh khênh, đầy đống, anh em tụi tôi cũng thấy sao sao ấy. Tụi nó còn nhỏ quá mà! Rồi đến thời kỳ mấy ông chú đi giăng bẫy rập, bắt về cả lồng chim sẻ, chim cu… Ăn không hết, bỏ mối cho các quán ăn, nhà hàng.
Có lúc người ta còn mang súng săn, thậm chí súng trường đi bắn chim, bắn cu đất, gà nước, vịt trời, sóc nhen... Hiệu quả gấp bao nhiêu lần những cái nạng giàn thun khi xưa của tụi tôi. Nhưng nói xin lỗi, các loài chim be bé gặp đạn dù là súng hơi cũng đã… thịt nát xương tan; các loài lớn hơn gặp súng trường, đích xác là hủy diệt. Không hiểu họ tìm vui gì ở đó…
Nhà tôi có nuôi mấy con chim cu gù (tức cu gáy), nghe cho vui tai, vui cửa vui nhà. Ngày trước, mấy ông bác đi bẫy, rập cực khổ lắm mới được một vài con. Ngồi canh bẫy, có cu mồi dụ dỗ nhưng cả buổi có khi không được con nào. Ngồi chờ trong bụi rậm, chỉ biết im thin thít, không ai dám động cựa, kiến cắn cũng quên đi… Nghe tụi nó gù, nó gáy thánh thót, trầm bổng cũng bù lại công chăm sóc, cho ăn lúa, đậu, chăm nước chăm nôi…
Thế nhưng, làm sao so được cả một rừng tiếng ríu rít, rộn ràng cứ năm sáu giờ chiều lại vang rền bên khu vườn cạnh nhà tôi. Đủ thứ, đủ loại, mà một người nghe tiếng chim hơi bị nhiều như tôi còn không phân biệt nổi. Tôi tự nhủ và nhiều lần nói với bé Na: Ừ, ba con mình ráng nâng niu, ráng dưỡng mấy con chim non. Nó mong manh, yếu đuối và hết sức tội nghiệp.