Nỗ lực phục hồi và phát triển rừng ngập mặn
Diện tích rừng ngập mặn của tỉnh ta - chủ yếu ở đầm Thị Nại và đầm Ðề Gi - vốn rất lớn với hơn 1.000 ha. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do quá trình đô thị hóa, diện tích rừng ngày càng suy giảm nghiêm trọng, kéo theo các vấn đề về ô nhiễm môi trường sinh thái, hậu quả nặng nề của thiên tai, xâm nhập mặn, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản...
Nhận thấy vai trò to lớn của hệ sinh thái rừng ngập mặn, từ năm 2003 đến nay tỉnh Bình Định thực hiện nhiều giải pháp để nhằm phục hồi và phát triển rừng. Đây là nội dung ưu tiên của Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 đã triển khai mang lại hiệu quả tại các địa phương ven biển.
Việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn gặp khá nhiều khó khăn. Ảnh: T.N
Theo đó, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) đã tuyển chọn, ương gieo và hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh đã có gần 90 ha rừng trồng mới ven các ao hồ nuôi trồng thủy sản, vùng bãi bồi ven đầm Thị Nại và đầm Đề Gi, góp phần ngăn chặn tình trạng xâm thực, sạt lở và phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường.
Rừng ngập mặn trên đầm Thị Nại không những là nơi trú ngụ, sinh trưởng và phát triển của nhiều loại động vật, mà còn là nơi bảo vệ, tạo ra sinh kế cho người dân sống ven đầm. Vì vậy việc bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn là việc làm cần thiết và cấp bách.
Ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: Phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã xây dựng thực hiện các chế độ, chính sách về quản lý, bảo vệ rừng; tổ chức tuyên truyền, giáo dục về quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông xây dựng các mô hình trồng rừng, nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng ngập mặn, vừa góp phần bảo vệ rừng, vừa tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, trong năm 2023, Trung tâm đã triển khai thực hiện tốt công tác chăm sóc, tuyên truyền bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần chung vào công tác bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng như thực hiện chăm sóc, bảo vệ 86,61 ha rừng ngập mặn trồng thuộc đầm Đề Gi và Thị Nại; trồng 1.000 cây dừa nước phân tán xung quanh Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại. Đồng thời, tổ chức triển khai 5 lớp tập huấn, tuyên truyền bảo vệ rừng ngập mặn cho cộng đồng dân cư sống ven đầm Thị Nại và Đề Gi, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ thuật bảo vệ rừng, phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn. Ngoài ra, Trung tâm thực hiện những hình thức tuyên truyền bảo vệ rừng ngập mặn như xây dựng các pa nô, áp phích biển báo bảo vệ rừng, tuyên truyền trên báo chí, qua hệ thống đài truyền thanh tại các xã (2 lần/tuần)…
Tuy nhiên, công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn còn gặp phải không ít khó khăn như: Một số diện tích rừng trồng chưa thành rừng bị thiệt hại nặng do nguyên nhân bất khả kháng, chủ yếu do bão, lũ thất thường gây ra và động vật thuộc nhóm giáp xác phát triển mạnh gây hại; công tác lựa chọn địa điểm, diện tích bãi triều thuận lợi triển khai trồng rừng ngập mặn hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn do thể nền thấp thường xuyên ngập triều, là bãi giống thủy sản, hoặc là nơi khai thác tạo sinh kế cho người dân; diện tích có khả năng trồng rừng còn rất ít, manh mún nhỏ lẻ không đảm bảo quy định để trồng rừng tập trung; suất đầu tư cho công tác khoán bảo vệ sau thời gian kiến thiết còn thấp, nên các hộ nhận khoán chưa thực sự quan tâm trong việc bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, việc cắm cọc, quây lưới trái phép tại Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại thường xuyên xảy ra gây cản trở dòng chảy, làm ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của rừng, gây khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, làm mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên nghiêm trọng. Cụ thể, từ năm 2021 đến nay Trung tâm Khuyến nông phối hợp với chính quyền địa phương xử lý vi phạm trong việc cắm cọc, quây lưới trái phép với diện tích 89,6 ha, chủ yếu trên địa bàn các xã Phước Sơn và Phước Hòa.
Ông Trần Quang Nhựt chia sẻ thêm: Trong thời gian đến, Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục ký hợp đồng khoán bảo vệ với hộ nhận khoán và tổ chức trồng cây phân tán. Đồng thời, tích cực thông tin, tuyên truyền thông qua hệ thống đài truyền thanh xã và tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao ý thức của người dân về tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn trong việc ổn định môi trường sinh thái, tạo cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng để kịp thời phát hiện và phối hợp với chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong cắm cọc, quây lưới trái phép.
THÀNH NGUYÊN