Hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động giảm việc, mất việc: Gần hết thời hạn vẫn “vắng” hồ sơ
Theo Quyết định số 7785/QÐ-TLÐ ngày 25.8.2023 của Tổng LÐLÐ Việt Nam, đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng từ ngày 1.4.2023 - 31.12.2023 sẽ được hỗ trợ. Thực tế triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh cho thấy nhiều vấn đề cần quan tâm.
Quyết định số 7785/QĐ-TLĐ áp dụng cho 3 nhóm đối tượng ở DN bị cắt, giảm đơn hàng, tùy từng đối tượng cụ thể mà mức hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn (ĐV) từ 1 - 3 triệu đồng, người lao động (NLĐ) không phải ĐV được hỗ trợ bằng mức 70% so với mức hỗ trợ ĐV.
Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Tân Phước (Khu công nghiệp Phú Tài). Ảnh: H.THU
Từ tháng 10.2023, LĐLĐ tỉnh đã có hướng dẫn các cấp công đoàn trong tỉnh thực hiện. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ chậm nhất đến ngày 31.1.2024. Tuy nhiên, theo LĐLĐ tỉnh, đến nay mới chỉ có LĐLĐ huyện Phù Mỹ báo cáo đang bổ sung, hoàn tất hồ sơ theo quy định để đề nghị hỗ trợ cho 19 NLĐ bị giảm việc tại một DN.
Một số cán bộ công đoàn có liên quan chia sẻ, việc hầu hết DN không làm hồ sơ đề nghị có nguyên nhân trước hết là đối tượng áp dụng hỗ trợ là ĐV, NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động tại DN phải đóng công đoàn phí trước ngày 1.4.2023. Đồng thời, còn phải đáp ứng nhiều nguyên tắc, điều kiện khác.
Theo bà Huỳnh Thị Minh Hà, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh), Tổng LĐLĐ Việt Nam có quy định chặt chẽ về hồ sơ đề nghị hỗ trợ, điều quan trọng hàng đầu là cần sự quan tâm hợp tác của chủ DN, bộ phận tài chính, kế toán của DN... Nếu không có sự hợp tác từ DN thì các cấp công đoàn dù rất muốn cũng không thể phối hợp hỗ trợ cho ĐV, NLĐ.
“Yêu cầu hồ sơ, thủ tục hỗ trợ liên quan đến “vấn đề nội bộ”, và thường nhiều DN chưa đáp ứng, chưa thực hiện đúng quy định, không muốn công khai thông tin, xác nhận nợ kinh phí công đoàn... Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến chính sách hỗ trợ của Tổng LĐLĐ Việt Nam không tiếp cận được DN, nhiều khả năng chỉ có thể đến được rất ít ĐV, NLĐ trên địa bàn tỉnh trong đợt này”, bà Hà cho biết.
Cùng chung ý kiến về những khó khăn, trở ngại nêu trên, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế tỉnh Hà Thụy Phúc Trầm cho biết, dù đã có các văn bản hướng dẫn, thường xuyên hỏi thăm tình hình, đốc thúc các công đoàn cơ sở DN, nhưng đến nay vẫn không có DN nào ở khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho ĐV, NLĐ.
Bà Trầm nêu thực tế: Phần lớn DN chế biến gỗ có đông lao động gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh năm 2023. Trong số này, có nhiều DN còn nợ kinh phí công đoàn không chỉ trong năm 2023 mà còn các năm trước. Do đó, DN không muốn xác nhận nợ kinh phí công đoàn, hoặc không đáp ứng các thủ tục liên quan khác theo quy định, nên ĐV, NLĐ sẽ không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ.
Vấn đề này cần được các đơn vị liên quan làm rõ, khắc phục. Bởi, cũng thực hiện chính sách trên của Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhưng trong đợt hỗ trợ đầu tiên (từ ngày 1.10.2022 đến hết ngày 31.3.2023), trên địa bàn tỉnh có đến 598 ĐV, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, ngừng việc ở 8 DN được nhận hỗ trợ, với tổng tiền đã chi hỗ trợ hơn 583 triệu đồng.
Đợt hỗ trợ thứ hai cũng có thủ tục cơ bản giống như đợt 1, nhưng lại có rất ít hồ sơ, dù chỉ còn 3 tuần nữa là hết hạn. Trong khi thực tế, so với đợt 1, số ĐV, NLĐ bị mất việc, giảm việc tại DN trên địa bàn tỉnh trong khoảng thời gian được xét hỗ trợ đợt 2 năm 2023 lại cao hơn.
Một chủ tịch công đoàn cơ sở DN (đề nghị không nêu tên) cho biết: Tổng LĐLĐ Việt Nam có sự quan tâm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn là điều rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thủ tục hồ sơ đề nghị phức tạp, mất nhiều thời gian, nên công ty không làm. Công ty đã có các đơn hàng mới, hoạt động đang dần ổn định trở lại, sẽ có thêm hình thức hỗ trợ phù hợp, thuận tiện hơn cho nhiều ĐV, NLĐ bị giảm việc, ngừng việc trong giai đoạn mấy tháng gặp khó khăn năm 2023, nay vẫn tiếp tục gắn bó làm việc.
HOÀI THU