Làng rau vào vụ Tết
Từ giữa tháng 11 âm lịch, khi mưa lũ vừa ngớt, người dân ở các làng rau trong tỉnh lại tất bật bắt tay vào vụ Tết.
Ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) cho biết, HTX hiện có 13,5 ha rau hợp chuẩn VietGAP, tập trung chủ yếu ở các thôn: Luật Chánh, Đại Lễ, Tú Thủy và Tuân Lễ; năm 2023, HTX đã đưa ra thị trường 85 tấn rau. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi, từ đầu tháng 1, bà con đã làm đất, gieo trồng khoảng 10 ha, với nhiều chủng loại rau, như: Đậu bắp, khổ qua, dưa leo, cải xanh, cải ngọt, cải thìa, xà lách, mồng tơi, rau dền, đậu cô-ve... Sản phẩm làm ra được HTX mua gom, sơ chế, đóng gói, gắn nhãn mác trước khi cung cấp cho Co.opmart Quy Nhơn, Co.opmart An Nhơn, Go Quy Nhơn, MM Mega Market Quy Nhơn.
Ông Trình Văn Bảy (ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) trồng, chăm sóc khổ qua. Ảnh: AN NHIÊN
Ông Trình Văn Bảy, thành viên nhóm nông dân cùng sở thích sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở thôn Luật Chánh, thổ lộ: “Ðể có nguồn khổ qua cung ứng cho thị trường cuối năm và trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn, đầu tháng 11 âm lịch, tôi bắt đầu cày đất, lên luống và gieo trồng hơn 2 sào khổ qua (500 m2/sào, giống khổ qua Tre Việt). Sau 20 ngày xuống giống, đến nay, cây khổ qua đã cao khoảng 1 m, bắt đầu tôi cho leo giàn; khoảng mùng 10 tháng Chạp sẽ cho trái. Năm ngoái, trong dịp Tết, giá khổ qua được thương lái mua ở mức giá kỷ lục - hơn 50.000 đồng/kg, bà con có lãi lớn. Do vậy, vụ Tết năm nay, bà con rất trông chờ mức giá đó sẽ được lặp lại…”. Ngoài diện tích khổ qua này, cách đây 10 ngày, ông Bảy cũng gieo trồng 1 sào dưa leo. Nhờ thời tiết thuận lợi, hạt giống vừa gieo xuống đã đâm chồi, phát triển nhanh, hứa hẹn một vụ bội thu cuối năm.
Cách đám đất trồng khổ qua của ông Bảy chừng 300 m, bà Đồng Thị Tuyết Nhung, 55 tuổi đang trồng, chăm sóc hơn 2 sào rau cải các loại, gồm: Cải xanh, cải ngọt, cải thìa, cải cúc. Năm nay, giá rau xanh duy trì ổn định, hiện dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Bà Nhung cho biết: “Tôi trồng rau theo hình thức cuốn chiếu - thu hoạch tới đâu tiến hành cày xới, bón phân chuồng ủ đất đến đó, sau đó gieo hạt trở lại. Nhờ vậy, tôi có rau cung ứng cho HTX và bán cho các hàng quán cả năm. Kết thúc đợt thu hoạch này, đầu tháng Chạp tôi bắt đầu gieo hạt cải xanh, cải cúc, mồng tơi. Đây là các loại rau được ưa chuộng trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán”.
Những ngày này, người dân ở làng rau Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) cũng tất bật làm đất, xuống giống gieo trồng các loại rau phục vụ dịp cuối năm và tết Nguyên đán.
Ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa, cho hay: Làng rau Thuận Nghĩa có khoảng 38 ha đất canh tác rau, củ, quả các loại. Hằng năm, bình quân một ngày HTX cung ứng 5 tấn rau, củ, quả an toàn cho thị trường trong và ngoài tỉnh (trong đó có 400 kg tại các siêu thị trong tỉnh). Vụ rau tết năm nay, bà con canh tác khoảng 15 ha để phục vụ thị trường cuối năm và tết Nguyên đán Giáp Thìn, chủ yếu là diếp cá, xà lách, cải, mồng tơi, khổ qua, dưa leo, đậu cô-ve... Phần lớn các loại rau này sẽ cho thu hoạch trong khoảng thời gian 30 - 45 ngày kể từ lúc gieo cấy.
Dự kiến, thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán, các thành viên HTX sẽ đưa ra thị trường khoảng 3,5 tấn rau, quả sạch các loại, tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Đáng ghi nhận, đến nay, bà con ở làng rau Thuận Nghĩa đã áp dụng kỹ thuật sản xuất VietGAP, nhờ đó, thương hiệu rau VietGAP Thuận Nghĩa đã có chỗ đứng trong thị trường, tăng sức cạnh tranh với những vùng rau khác.
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có gần 115 ha rau hợp chuẩn VietGAP, trong đó 8 vùng sản xuất rau với gần 107 ha thuộc các dự án rau an toàn, còn lại là các diện tích do các cá nhân, tổ chức đầu tư.
AN NHIÊN