Ngân hàng phải thay đổi tư duy, nhận thức về hoạt động tín dụng, hỗ trợ tối đa, kịp thời cho DN và người dân
(BĐ) - Đó là yêu cầu của đồng chí Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TIẾN SỸ
Năm 2024, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Bình Định tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN Việt Nam. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch thanh tra, thực hiện tốt công tác giám sát thường xuyên và tổ chức thanh tra trực tiếp theo kế hoạch đã đề ra; tiếp tục triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - DN năm 2024. Bên cạnh đó, chỉ đạo, theo dõi, giám sát thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, kiểm soát chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Các TCTD triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng hỗ trợ của nhà nước gắn với việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định về cấp tín dụng, xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh…
Tham gia thảo luận tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng 7,9% so với đầu năm 2023 của toàn ngành là thấp so với mức tăng trưởng của cả nước (13,7%), kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chưa đạt như kỳ vọng. Năm 2024, cần tập trung đẩy mạnh hoạt động huy động vốn và cho vay, nhất là đối với những lĩnh vực ưu tiên, gắn với xử lý nợ, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã chỉ rõ, phân tích nhiều tồn tại, hạn chế của hoạt động tín dụng năm 2023. Về nhiệm vụ năm 2024, đồng chí yêu cầu phải thay đổi tư duy, nhận thức về hoạt động tín dụng, trên tinh thần hỗ trợ tối đa, kịp thời cho DN và người dân; toàn ngành phải đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn bình quân chung của cả nước (15%), kinh tế của tỉnh phát triển thì tín dụng phải tăng trưởng.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: TIẾN SỸ
Đồng chí Phạm Anh Tuấn cũng đã gợi mở nhiều giải pháp, giúp ngành ngân hàng tăng trưởng tín dụng. Trước nhất, các ngân hàng phải xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể báo cáo NHNN Việt Nam, hội sở chính cả huy động vốn và tín dụng gắn với việc đảm bảo kiểm soát nợ xấu trong điều kiện cho phép và an sinh xã hội. Các ngân hàng bám sát chương trình phát triển KT-XH của tỉnh gắn với các hoạt động của các sở, ngành, chủ đầu tư, đặc biệt là Sở KH&ĐT và Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh. Từ đó, chủ động tham gia tài trợ vốn cho các chủ đầu tư, dự án đầu tư; các ngân hàng tỉnh cũng có thể cùng tham gia rót vốn cho chủ đầu tư các dự án. Nếu cần, các ngân hàng báo cáo UBND tỉnh xem xét, có ý kiến giúp tự tin tiếp cận DN, đẩy mạnh cho vay. Ngân hàng phải giải quyết nhanh thủ tục hành chính, giảm các loại phí, thậm chí làm việc với hội sở dành cho Bình Định chính sách đặc biệt.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn còn yêu cầu chú trọng ngăn chặn tín dụng đen bằng cách đẩy mạnh cho vay tiêu dùng; rà soát lại các chương trình tín dụng, điều kiện cho vay, lãi suất, các loại phí ngân hàng, thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ của nhà nước.
Đối với Chi nhánh NHNN tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đề nghị phát huy vai trò giám sát, kiểm tra nghiệp vụ và hỗ trợ các ngân hàng thương mại huy động, cho vay vốn. Nắm bắt thông tin tình hình phát triển KT-XH của tỉnh để trao đổi, hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại; hàng quý họp ngân hàng thương mại trên địa bàn để giải quyết nhanh những vấn đề phát sinh. Bên cạnh đó, xây dựng tiêu chí đánh giá và tổ chức đánh giá các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, gửi UBND tỉnh xem xét, đánh giá gửi các hội sở chính các ngân hàng và UBND tỉnh đề xuất các hội sở phối hợp với tỉnh. UBND tỉnh sẽ họp với các ngân hàng thương mại hàng quý để thông tin, trao đổi về tình hình kinh tế, các dự án, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc phát sinh…
TIẾN SỸ