Tìm hiểu thông tin thú vị về sự sống ngoài Trái đất
Có khá đông đại biểu, công chúng yêu khoa học đã dự buổi nói chuyện đại chúng về chủ đề “Sự sống ngoài Trái đất: Có hay không?”, do PGS.TS Hoàng Chí Thiêm trình bày vào chiều 9.1, tại Trung tâm Khám phá Khoa học và Ðổi mới sáng tạo (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn).
Lần đầu nói chuyện trước công chúng yêu khoa học tại Bình Định, PGS.TS Hoàng Chí Thiêm tỏ ra hào hứng. Trước khi bắt đầu buổi nói chuyện, ông cho biết bản thân là 1 trong 3 nhà khoa học đồng sáng lập nhóm Vật lý Thiên văn SAGI (thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành - Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành). Một trong những trọng tâm của SAGI là góp phần phổ biến khoa học vũ trụ đến cộng đồng.
PGS.TS Hoàng Chí Thiêm giải đáp các câu hỏi liên quan.
Để buổi nói chuyện trở nên gần gũi, dễ hiểu, PGS.TS Hoàng Chí Thiêm gợi mở vấn đề: Vũ trụ của chúng ta rất bao la và rộng lớn. Hàng nghìn hành tinh ngoài Trái đất đã được khám phá trong gần ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, liệu có tồn tại sự sống ở các hành tinh ngoài Trái đất hay không?
Để làm rõ luận cứ trên, PGS.TS Hoàng Chí Thiêm lần lượt chuyển tải các thông tin khá chi tiết để làm rõ những vấn đề có liên quan đến sự tồn tại của sự sống ở các hành tinh ngoài Trái đất, như: Về những nguồn gốc của sự sống, quá trình hình thành cái nôi của sự sống (các hành tinh và ngôi sao) từ những hạt bụi vũ trụ và các chất hữu cơ cần thiết để sự sống có thể nảy mầm và phát triển trong vũ trụ. Cuối cùng, PGS.TS Hoàng Chí Thiêm cung cấp cho đại biểu, công chúng yêu vũ trụ cách đi vào tìm hiểu những phương pháp mới để khám phá sự sống trong vũ trụ.
Chị Nguyễn Thu Thủy, ở TP Quy Nhơn, đặt câu hỏi: “Trái đất của chúng ta có bị hủy diệt hoàn toàn vào một ngày nào đó để thay bằng hành tinh khác văn minh hơn? PGS.TS Hoàng Chí Thiêm cho rằng: “Trái đất hay hệ Mặt trời hình thành cách đây khoảng 4,5 tỷ năm ánh sáng. Về mặt tự nhiên, Trái đất đến một thời điểm nào đó sẽ bị hủy diệt do chính Mặt trời. Mặt trời hoạt động tỏa ra năng lượng dựa trên phản ứng tổng hợp hạt nhân trong lõi của nó chuyển hydro thành heli. Heli tiếp tục đốt cháy thành cacbon, nitơ, ô xy và đến thời điểm đó các phản ứng hạt nhân tỏa ra nguồn năng lượng lớn làm cho Mặt trời phình ra và chuyển sang sao lùn đỏ. Sao lùn đỏ sẽ phồng ra, choáng ra trên Trái đất, khi đó Trái đất sẽ bị hủy diệt. Nhưng các bạn không cần quá lo lắng, nếu điều đó có xảy ra cũng vài tỷ năm nữa, chứ không phải một sớm một chiều”.
Buổi nói chuyện đại chúng thu hút nhiều bạn trẻ tham dự.
Thông qua hệ thống Fanpage của Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới sáng tạo, một công chúng yêu khoa học trong nước cũng quan tâm đến sự tồn vong của Trái đất trong tương lai: “Có phải vì Trái đất sẽ bị hủy diệt nên chúng ta tìm kiếm sự sống ở ngoài hành tinh hay không? PGS.TS Hoàng Chí Thiêm giải thích thêm: Như đã nói, về mặt tự nhiên, Trái đất sẽ bị hủy diệt trong vài tỷ năm nữa… nhưng đây là điều quá xa xôi! Tuy nhiên, Trái đất có thể bị hủy diệt từ chính con người chúng ta, như vấn đề ấm lên toàn cầu, đại dịch, vũ khí hạt nhân. Ở diễn biến khác, Trái đất cũng có khả năng bị hủy diệt bởi sự bắn phá của thiên thạch nào đó…”.
Ngoài ra còn nhiều công chúng yêu khoa học gửi đến chương trình những câu hỏi lý thú, như: Có dạng sống nào khác cấu tạo từ những chất hữu cơ như chúng ta biết không? Liệu có dạng sống xuất phát từ các chất mà chúng ta gọi là chất vô cơ như Silic… hay không? Các hành tinh bị bắn ra khỏi hệ ngôi sao, thì sự sống có phát triển trên các hành tinh đó hay không? Những câu hỏi lần lượt này được PGS.TS Hoàng Chí Thiêm trả lời một cách dễ hiểu nhất.
PGS.TS Hoàng Chí Thiêm - nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Khoa học vũ trụ và Thiên văn Hàn Quốc (KASI), Phó giáo sư tại ĐH KH&CN Hàn Quốc chủ yếu nghiên cứu về bụi và từ trường trong vũ trụ, nhằm làm sáng tỏ nguồn gốc các ngôi sao, hành tinh và sự tồn tại của sự sống trong vũ trụ. Ông đã đoạt giải thưởng dành cho nghiên cứu sau tiến sĩ của Viện Vật lý thiên văn lý thuyết Canada và Quỹ Humboldt (Đức); giải thưởng Khoa học năm 2022 của Hiệp hội Thiên văn học Hàn Quốc.
AN NHIÊN