Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12.1.2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Bình Ðịnh có nhiều chuyển biến tích cực. Ðáng ghi nhận là nhận thức của người dân trong tỉnh về công tác phát triển lâm nghiệp được nâng lên, hạn chế tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Bảo vệ và phát triển tốt diện tích rừng
Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR); chỉ đạo cho các hạt kiểm lâm tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp QLBV&PTR.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, chủ rừng và người dân đối với công tác QLBV&PTR, ngành kiểm lâm phối hợp các địa phương tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, PCCC rừng (BVR-PCCCR).
Ông Nguyễn Ơn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tây Sơn, cho biết: Toàn huyện có gần 39.000 ha rừng; trong đó, có hơn 20.500 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất, rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Hạt kiểm lâm huyện tham mưu cho UBND huyện củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy BVR-PCCCR huyện; thành lập 12 ban chỉ đạo cấp xã QLBV&PTR với 216 thành viên; thành lập 47 tổ, đội PCCCR cấp xã với 539 thành viên để đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác QLBV&PTR. Ngoài ra, đơn vị đặt 4 trạm kiểm lâm tại các điểm: Tây Thuận, Vĩnh An, Tây Phú và Bắc Sông Côn để phối hợp các lực lượng liên quan tuần tra BVR.
Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh (huyện Vân Canh) hiện đang quản lý, bảo vệ hơn 13.300 ha rừng tự nhiên; trồng hơn 1.900 ha rừng gỗ lớn; chăm sóc hơn 2.800 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Ông Cái Minh Tùng, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, cho hay: Để nâng cao hiệu quả QLBV&PTR, Công ty thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương tuần tra BVR, thực hiện tốt việc khoán cộng đồng dân cư ở các làng, thôn BVR; tăng cường ứng dụng KHKT đầu tư thâm canh rừng trồng theo hướng sản xuất gỗ lớn, duy trì chứng chỉ FSC cho rừng trồng để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Hạt kiểm lâm huyện Tây Sơn và Ban quản lý rừng phòng hộ huyện phối hợp tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tiếp tục cụ thể hóa các giải pháp
Ban Quản lý rừng phòng hộ Phù Cát được giao quản lý hơn 11.000 ha rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ven biển, rừng ven biển ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Ông Hồ Đăng Bình, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Phù Cát, cho biết: Với trách nhiệm là một chủ rừng, chúng tôi thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm huyện, chính quyền các địa phương tuần tra BVR-PCCCR trên diện tích rừng quản lý. Ngoài ra, đơn vị thực hiện chính sách khoán cho 11 tổ cộng đồng dân cư ở các xã BVR, góp phần hạn chế tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép...”.
Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp BVR-PCCCR, tỉnh Bình Định chú trọng thực hiện các chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững. Từ năm 2017 - 2022, cả tỉnh có 6.667 ha rừng trồng gỗ lớn; trong đó, có 2.320 ha rừng trồng mới, 4.380 ha rừng gỗ nhỏ chuyển hóa sang trồng gỗ lớn, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế rừng trồng.
Từ năm 2017 - 2022, cả tỉnh trồng được 51.490 ha rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất; trồng 6,5 ha rừng ngập mặn, 40,9 ha rừng chắn gió, chắn cát bay; trồng 1.592,6 ha rừng phòng hộ đầu nguồn. 5 năm qua, toàn tỉnh đã phát hiện xử lý 1.798/1.901 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp…
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, người dân trong tỉnh về tầm quan trọng trong công tác QLBV&PTR, góp phần nâng tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh liên tục tăng từ 52,5% (năm 2016) lên 56,9% (năm 2022), đến năm 2023 tăng lên 57,3%; tình trạng phá rừng tuy còn xảy ra nhưng được phát hiện, xử lý kịp thời, không để xảy ra điểm nóng; nhiều tụ điểm, đường dây cất giữ, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép bị triệt phá…
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lê Đức Sáu, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn, như: Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, mua bán lâm sản trái phép chưa được ngăn chặn triệt để; đầu tư cho công tác PCCCR còn hạn chế… Chi cục sẽ tiếp tục tham mưu các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền QLBV&PTR; thực hiện các chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về các chương trình, dự án trên lĩnh vực lâm nghiệp, như chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác, chi trả dịch vụ môi trường rừng, quản lý giống cây lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn, rừng cấp chứng chỉ FSC… theo tinh thần Kết luận số 61-KL/TW ngày 17.8.2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác QLBV&PTR.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN