Vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi ở Tuy Phước: Dai dẳng!
Nhiều năm qua, trên địa bàn huyện Tuy Phước tồn tại dai dẳng tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn, hiệu quả của các công trình này.
Theo thống kê của UBND huyện Tuy Phước, hiện có hơn 30 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, hầu hết xảy ra từ năm 2018 cho đến nay. Trong đó, vi phạm phổ biến nhất là người dân trồng cây, xây dựng công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi... trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Nhiều trường hợp còn lấn chiếm sâu hơn để xây tường rào cổng ngõ kiên cố, hoặc tự ý san lấp mặt kênh, làm cầu bắc qua kênh.
Một trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi tại thôn Định Thiện Tây, xã Phước Quang. Ảnh: N.K
Thôn Định Thiện Tây, xã Phước Quang là “điểm nóng” của tình trạng này khi có tới 14 trường hợp vi phạm. Ghi nhận thực tế tại tuyến kênh S (thuộc hệ thống kênh Tháp Mão) cho thấy, người dân địa phương đã lấn chiếm, xây dựng nhiều công trình kiên cố, sử dụng hành lang dọc theo tuyến kênh để trồng cây hoặc biến thành điểm tập kết cây kiểng. Bà L. (người dân ở thôn Định Thiện Tây) thừa nhận: Biết là vi phạm, nhưng thấy khoảnh đất tiếp giáp với kênh thoáng đãng, hồi giờ cũng chẳng có ai tranh chấp nên gia đình tôi mới “đánh liều” nới ra xây tường rào kiên cố.
Ông Đoàn Văn Điệp - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Quang, xác nhận: Hầu hết vi phạm diễn ra từ nhiều năm trước do các khu dân cư đã hình thành trong phạm vi bảo vệ tuyến kênh S. Xã đã xây dựng phương án và phân kỳ xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, phấn đấu trong quý I/2024 sẽ xử lý tất cả trường hợp vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu của tuyến kênh.
Tương tự, từ năm 2018 đến nay, tình trạng trên cũng xảy ra đối với hệ thống tưới Thạnh Hòa ở các kênh như: N2-4 Thạnh Hòa, sông Côn - Hà Thanh, N2-3, Bờ Nhì, chảy qua địa bàn các xã Phước Lộc, Phước Sơn...
Ông Thái Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho biết: Trong năm 2023, trên tuyến kênh N22 chảy qua địa bàn xã có 2 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Địa phương đã xử phạt hành chính 1 trường hợp, vận động trường hợp còn lại tự tháo dỡ.
Việc lấn chiếm, xâm phạm các công trình thủy lợi làm thu hẹp mặt cắt, cản trở dòng chảy, gây khó khăn lớn cho công tác quản lý của các công ty, tổ chức mỗi khi nạo vét, tu bổ kênh mương. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay là đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi chỉ có thể lập biên bản hiện trạng vi phạm rồi báo cáo chính quyền địa phương xử lý, chứ không thể trực tiếp xử phạt.
Ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, cho hay: Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Công ty sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên rà soát, kiểm tra các công trình thủy lợi để kịp thời phát hiện sớm vi phạm, phối hợp cùng các địa phương trong công tác xử lý.
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tuy Phước thừa nhận, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do cán bộ cấp xã kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực nên ít có thời gian đi kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm; ý thức của một số hộ dân trong việc bảo vệ các công trình thủy lợi phục vụ nhân dân chưa cao. Đồng thời, các hành vi vi phạm thường diễn ra trong các ngày nghỉ, ngày lễ, do đó công tác kiểm tra, xử lý của các địa phương chưa kịp thời. Thời gian đến, UBND huyện sẽ chỉ đạo các địa phương thường xuyên phối hợp cùng cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ công trình thủy lợi nói riêng và các công trình liên quan đến đê điều, nước tưới trên địa bàn huyện nói chung, nhằm hạn chế người dân vi phạm. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý ở các thôn, phát hiện kịp thời các vụ việc vi phạm. Chỉ đạo các địa phương khi phát hiện các trường hợp vi phạm báo cáo ngay cho lãnh đạo huyện để chỉ đạo xử lý kịp thời.
NAM KHÁNH