Trang trí hình rồng trên gốm cổ Bình Ðịnh
Khi nhắc đến gốm cổ Bình Ðịnh thì không thể không nhắc đến hai dòng gốm nổi danh phát triển qua hai giai đoạn với hai chủ thể khác nhau. Một dòng gốm cổ Champa (còn gọi là gốm cổ Gò Sành) do người Chăm sáng tạo ra trong giai đoạn từ thế kỷ XIV - XV và một dòng gốm cổ do người Việt sáng tạo ra trong khoảng cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX trên đất Bình Ðịnh.
Có thể nói rằng, trong suốt chiều dài gần 5 thế kỷ vương quốc Champa đóng đô tại vùng Vijaya, tương ứng với vùng đất Bình Định ngày nay, bên cạnh những di sản về thành quách, đền đài khá đậm đặc thì còn có một di sản vô cùng quý giá khác, đó chính là những khu lò sản xuất gốm cổ của người Chăm mà thường quen gọi với danh xưng là gốm Gò Sành (lấy theo tên của địa điểm đầu tiên phát hiện ra các khu lò sản xuất dòng gốm này, có tục danh là Gò Sành, thôn Phụ Quang, xã Nhơn Hòa, TX An Nhơn, địa điểm này được khai quật nghiên cứu lần đầu tiên vào năm 1991). Đến nay qua khảo sát và nghiên cứu đã phát hiện được tất cả 6 khu lò sản xuất dòng gốm tráng men của người Chăm xưa trên đất Bình Định, bao gồm: Gò Sành (Nhơn Hòa), Trường Cửu (Nhơn Lộc), Gò Cây Me (Nhơn Mỹ), thuộc địa bàn TX An Nhơn; Gò Hời, Gò Ké, Gò Giang nằm trên địa bàn xã Tây Vinh, thuộc huyện Tây Sơn.
Thời kỳ thịnh trị của vương triều Vijaya, gốm Chăm không những sản xuất cho thị trường nội địa rộng lớn mà còn tham gia con đường thương mại quốc tế và có mặt ở nhiều nước trên thế giới, trải dài từ vùng Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản tới tận vùng Trung Cận Đông xa xôi. Dòng gốm thương mại Champa đã cùng với Đại Việt và các nước láng giềng hình thành nên “con đường gốm sứ” trên Biển Đông trong lịch sử.
Trong số các khu lò gốm cổ Champa đã được khai quật, nghiên cứu cho thấy phần lớn các sản phẩm là gốm tráng men đạt đến trình độ kỹ thuật cao, trong đó các sản phẩm của khu lò gốm Gò Cây Me (Nhơn Mỹ, An Nhơn) là khu lò sản xuất các sản phẩm gốm tráng men có trang trí hoa văn tinh xảo và độc đáo nhất. Các sản phẩm gốm ở đây có nhiều màu men khác nhau như: Vàng da lươn, nâu, xám, tím đậm,… hoa văn trang trí cũng rất phong phú và đa dạng như: Hoa văn dây cúc leo, cúc đóa, hoa sen, cá, rùa, voi, mặt Kala,… trong đó đặc biệt là hoa văn in nổi hình rồng mang yếu tố ảnh hưởng của văn hóa Đại Việt ở phía Bắc. Mặc dù không quá phổ biến so với các loại hình hoa văn khác nhưng ít nhiều mang lại sự độc đáo riêng có của dòng gốm cổ Champa này, cũng như phản ánh sự giao thoa văn hóa giữa Đại Việt và Champa trong lịch sử.
Hiện nay tại Bảo tàng tỉnh Bình Định đang trưng bày một chiếc vò gốm tráng men màu vàng da lươn, in khuôn hình rồng (hình 1), phát hiện tại khu vực lò gốm cổ Gò Cây Me, xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn năm 2014; sau đó được Bảo tàng tỉnh Bình Định sưu tầm lại để phục vụ cho việc trưng bày, giới thiệu đến khách tham quan.
Ảnh: N.V.T
Vò cao 46 cm, miệng đứng rộng 14 cm; cổ ngắn, vai phình, thân thon nhỏ dần về đáy; đáy phẳng đường kính 16 cm. Trên phần vai của vò có năm quai bố trí cách đều nhau, giữa mỗi quai trang trí hình rồng đắp nổi. Rồng được thể hiện đang vận động theo chiều ngang, mình uốn cong hình lượn sóng, thân có nhiều lớp vảy, chân 4 móng. Quanh vai của vò còn trang trí hai hàng chấm tròn nổi song song, nối với nhau bằng một gạch ngang. Phía dưới gần chân đế cũng trang trí hai vòng hạt tròn chấm nổi tương tự. Toàn thân vò phủ một lớp men màu vàng nâu giống màu rỉ sắt nhưng không đều.
Đây được xem là một trong những chiếc vò gốm tráng men còn khá nguyên vẹn và có hoa văn đẹp nhất từng được phát hiện tại khu lò gốm cổ Gò Cây Me mà Bảo tàng tỉnh Bình Định sưu tầm được từ trước đến nay. Hình tượng rồng trang trí trên chiếc vò gốm này mang nhiều đặc điểm khá tương đồng với hình tượng con rồng thời nhà Lê ở phía Bắc thế kỷ XV; với thân mình ngắn, đầy đặn, chắc khỏe, có nhiều vảy xếp chồng lớp, đầu to, miệng há rộng trông rất dữ tợn, dọc sống lưng có lớp gai nhọn được cách điệu dạng hình các tia lửa, kéo dài đến tận đuôi.
Truyền thống gốm cổ Bình Định thứ hai do người Việt sáng tạo ra trên đất Bình Định trong khoảng cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX với một làng nghề làm gốm nổi tiếng như ở Thượng Giang, Bình Nghi (Tây Sơn); Nhạn Tháp, Nghĩa Chánh, Thắng Công (An Nhơn); Trà Quang, Diêm Tiêu (Phù Mỹ); Lò Nồi (Phù Cát), Hữu Thành (Tuy Phước),…được đề cập đến trong bài viết đăng trong Bulletin des Amis du Vieux Hué (B.A.V.H) năm 1927, của học giả người Pháp Roland Bulteau. Trong đó cũng đề cập đến làng nghề gốm ở Thượng Giang (Tây Sơn) làm đồ gốm tráng men từ năm thứ I đời Minh Mạng (1820).
Hiện nay tại Bảo tàng tỉnh Bình Định đang trưng bày một chiếc vò gốm có kích thước lớn, còn nguyên vẹn; là sản phẩm của khu lò gốm Thượng Giang (Tây Sơn) xưa kia, đặc biệt trên thân có trang trí hoa văn hình rồng khá sắc sảo (hình 2). Hình rồng được trang trí chạy viền quanh vai, mình rồng tạo vảy xếp lớp, hai chân trước dương móng, miệng há rộng trông rất dữ tợn, bên ngoài trang trí vân mây. Hình rồng trên vò gốm này được vẽ theo cách trang trí hình rồng mà trong mỹ thuật cổ gọi là “Long ẩn” (Rồng ẩn hiện trong mây), một loại trang trí hình rồng khá phổ biến ở thế kỷ XIX, thời nhà Nguyễn.
Hai chiếc vò này chính là hai sản phẩm gốm trang trí hình rồng độc đáo, đại diện cho hai dòng gốm nổi danh phát triển qua hai giai đoạn với hai chủ thể khác nhau trên đất Bình Định, mà Bảo tàng tỉnh đang sở hữu và trưng bày.
NGUYỄN VIẾT TUẤN