Cắt tóc ăn tết
Không phải là phong tục tập quán, nhưng cứ hễ xuân về là mọi người, dù gái hay trai, già hay trẻ, nam hay nữ đều lũ lượt kéo nhau ra tiệm làm tóc cắt, uốn, nhuộm, làm mới mình để đón Tết vui tươi.
Hầu như năm nào tôi đều hớt tóc vào những ngày giáp Tết. Nhớ hồi nhỏ, tầm 23 tháng Chạp trở đi là ba mẹ dẫn anh chị em tôi đi cắt tóc. Ngày đó cắt tóc đâu hiện đại như bây giờ, mọi thứ đều thủ công. Cửa hàng làm tóc đôi khi là tại gia, quán lá ven đường hoặc cắt dạo (tức gọi đến cắt). Đồ nghề chỉ đơn giản là tông đơ bóp tay, dây da cạo, dao cạo và một chiếc gương. Những ngày cuối năm, tiệm cắt tóc thường đông nghịt, phải ngồi xổm kê dép chờ hoặc đi về nhà một lát quay lại. Tuy nhiên nếu là trẻ con thì được ưu tiên cắt trước. Lẽ ra được cắt tóc, tức làm mới, làm đẹp mình thì thích. Nhưng ngộ ở chỗ, tôi cũng giống như bao đứa trẻ khác trên thế giới này, hễ đi cắt tóc là bị ám ảnh kinh khủng. Vì lẽ đó mà lúc dẫn tôi đi, ba mẹ đều “dụ”: “Đi với mẹ ra chợ mua kẹo ăn”. Nói hớt tóc trẻ con rất nhanh vì ít tóc nhưng lại khó nhằn chứ không đơn giản. Bởi khi nhìn thấy chiếc tông đơ hình răng cưa, chiếc dao cạo đánh vào miếng cao su nghe xẹt xẹt là tôi ớn lạnh, vội xoay trở tứ tung. Chao ôi, âm thanh lạch cạch lục cục đưa lên da đầu làm tôi run run, đỏ hoe đôi mắt. Nhưng lúc này đây lại không dám cục cựa vì sợ đau hơn. Bác thợ “vật lộn” với cái đầu tôi mất gần 30 phút mới xong. Trẻ con chẳng hớt nhiều kiểu như bây giờ đâu, chỉ cạo 3 chớp (3 giá), trụi lủi hoặc để chớp phía trước trán là xong. Mẹ chọn cho tôi cái kiểu “gáo dừa” để cho mát, đỡ tốn tiền và khỏi phải bị chấy làm phiền. Con nít thôn quê mà, hồi xưa làm gì có dầu gội đầu, họa may lắm mới xin được một tí bồ kết của chị gái, nên đầu lúc nào cũng có chấy!
Lúc bác thợ cao hô “xong rồi!” cũng là lúc tôi nín khóc. Mẹ gửi tiền cho bác rồi bảo tôi khoanh tay chào mọi người ra về. Bác thợ cạo bảo: Đẹp trai rồi đó nha nhóc! Cháu thấy đấy, được cắt tóc đơn giản như ăn cơm thôi mà. Mát mẻ, thoải mái nè. Vì vậy mai mốt đừng có khóc, biết chưa. Không nói gì, tôi chỉ nhe hàm răng sún cười với bác. Vậy đó, chỉ việc cắt tóc của tôi thôi mà mất nửa ngày làm của mẹ, phiền mọi người chờ lâu.
Ngày xuân, tôi được mặc quần áo mới, dép mới với chiếc đầu tóc cũng mới toanh. Cả lũ trẻ trong xóm tôi gom lại trước sân đình mà khoe cái mới của mình. Quần áo, giày dép thì có khác. Duy chỉ quả đầu là hay bị đụng hàng. Cái đầu “gáo dừa” kiểu tôi cắt được xem là “mốt” ở thập niên 90 chứ chẳng chơi. Điểm danh đông đủ, chúng tôi nhí nhố kéo nhau đi chợ Tết quê chật kín đường làng. Nếu nhìn từ trên cao, có lẽ người ta sẽ nghĩ dừa khô nhà ai mà rụng trắng lối. Mồng Hai, mồng Ba, khách đến nhà tôi chúc Tết nườm nượp. Với kiểu tóc tươm tất đó, tôi nhận được nhiều lời khen cùng với những phong bao lì xì đỏ tươi.
Rồi tôi lớn dần, thay đổi dần theo những kiểu tóc mới lạ. Sự giao thoa văn hóa đã giúp con người tươi trẻ hơn, phong cách hơn. Dù cuối tháng Chạp, như có sự thôi miên, tôi lại ra tiệm cắt tóc để làm mới mình nhưng những kiểu tóc “ba vá miểng dừa” chỉ còn là quá khứ. Không riêng gì tôi, chẳng ai thèm cắt cái kiểu tóc quê mùa ấy vì không hợp thời. Tiệm tóc giờ cũng sang trọng hơn với nhiều đồ nghề công nghệ sử dụng bằng điện. Chẳng ai đoái hoài gì đến cắt lề đường thiếu thốn tiện nghi! Có chăng những ông cụ yêu hoài cổ, muốn trở về bản sắc nên dù thế nào vẫn chịu khó ra vỉa hè tìm người cắt tóc dạo để hàn huyên ba điều bốn chuyện thời trai trẻ. Hôm cuối năm, về ngang nhà bác thợ cạo, nhìn chiếc ghế hớt tóc “huyền thoại” năm nào nằm xếp xó bên hiên nhà, chợt nhớ cái thời “ba vá miểng dừa” làm sao!
ĐẶNG TRUNG THÀNH