Trong nỗi nhớ làng
● Tạp bút của NGUYỄN LAN QUY
Ở Cát Lâm, Phù Cát quê tôi, sau 23 tháng 10 mưa sẽ ngớt dần. Những cánh đồng bắt đầu rút nước. Đây là lúc nông dân bắt đầu cày ải, làm đất cho vụ Đông Xuân - vụ sản xuất chính trong năm.
Những năm biền biệt xa quê, lòng tôi nôn nao nhớ làng tầm này đến lạ kỳ. Nhớ cảnh cha tôi tất bật cuốc dọn đất. Đám cây xấu hổ bịt bùng, dàn binh bố trận như nuốt chửng cả đám đất. Vậy mà ba tôi đã đánh bay nó trong vài giờ. Ba nhổ nước miếng vào lòng bàn tay rồi xoa qua xoa lại, xong lại cầm cuốc đưa lên xẻ từng thớ đất. Đất đã xong, mẹ tôi tỉ mẩn ngồi lựa từng hạt giống. “ Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Giống tốt sẽ mọc đều, sinh trưởng phát triển bền vững hơn.
Tranh của họa sĩ LÊ THƯỚC
Những năm mưa bão kéo dài cực đoan. Mẹ tôi thở dài, rồi nói như hờn trách “mưa gì mưa hoài, không biết ông trời đang còn muốn triệt ai đây?”. Phải xa quê đủ lâu thì mới nhớ thương, mới cảm thấy đau đáu về nơi chôn nhau cắt rốn. Phần tôi, mấy năm xa nhà tôi nhớ hoài cái màu tim tím hoa đậu đen thân thương, cái màu xanh nõn nuột của ngọn đỗ đen mà mỗi sáng tôi đều tranh thủ cắt đi. Cái màu tím mơ màng ấy đã ăn sâu tâm trí tôi khi những đợt gió nồm xứ Nẫu từ biển thổi về. Trong nỗi nhớ làng, màu tím ấy neo cả hồn tôi, đến giờ tôi vẫn chưa thể giải thích được vì sao.
Đất làm xong, hai mẹ con tôi bắt đầu trỉa hạt. Ba tôi vót cây trỉa hạt bằng tre già chắc chắn vừa tay. Cắm cây xuống đất nghiêng tay chênh chếch rồi thả hạt xuống. Tùy theo từng loại đất mà mật độ dày thưa khác nhau. Ba ngày sau khi hạt đỗ đặt xuống đất thì tôi lo đuổi gà, bởi vì lúc này hạt đậu bắt đầu nảy mầm. Tụi gà bây giờ cứ mở mắt, từ bụi chanh, bụi ổi rớt xuống là có mặt liền tại đám đậu đang nhú khỏi mặt đất. Tôi là chúa ngủ nướng nhưng không thể nằm trên giường lâu hơn. Khi ra đám đỗ đã thấy bọn nó đã chuyện trò rôm rả trên đó rồi.
Gió bấc tràn về, góp thêm cái lạnh tê giá chân tay. Có vài cụ già sức yếu đã chịu không nổi nên lần lượt qua đời. Với kiểu thời tiết này, mấy con rầy nâu, nhện đỏ hoành hành. Tôi chuẩn bị thuốc trị bọn chúng. Tôi vừa phun thuốc vừa nghĩ, không hiểu sao lũ rầy đen rệp sáp lại ghiền gió bấc thế ?
Giáp Tết, khi những hàng vạn thọ trước nhà nở những bông hoa tròn xoe là lúc hoa đậu đen cũng nở. Đậu đen càng tốt thì ngọn càng xanh càng dài. Tôi lội đám đỗ ngắt ngọn. Càng ngắt, ngọn càng tức đọt đẻ nhánh. Nhiều nhánh nhiều hoa, nhiều hoa sẽ cho nhiều trái. Ngắt ngọn là một khâu quan trọng, quyết định đậu đen tôi trái nhiều hay trái ít. Qua giêng, sáng sương chiều nồm, tôi cần phải tưới nước cho vườn đậu đen, để cây có đủ sức mà nuôi trái. Những ngày đầu trái đậu chỉ to bằng con sâu non, vài ngày sau đã lớn bằng đầu đũa. Tôi lo sâu xanh đục trái, khí hậu thất thường, mưa xuống nắng lên là điều kiện thuận lợi cho sâu phát triển. Chỉ cần phát hiện những đàn bướm bay lượn trong vườn là tôi lo lắm, lo đi mua thuốc phun trừ, hạn chế bướm bay vào và đẻ trứng đầy vườn. Đừng để khi sâu già đã chui vào trái thì mới cuống cuồng tìm cách diệt sâu. Mẹ tôi hay căn dặn mua thuốc phòng trừ sâu rầy sinh học, đắt đắt hơn tý nhưng khi bán hạt được giá tốt.
Những năm đậu đen được mùa, được giá, lòng tôi vui sướng ngập tràn. Mẹ tôi lại có đậu nấu chè bồi dưỡng cho cả nhà. Nhiều đậu, mẹ đem ra chợ bán, nhà tôi có thêm khoản thu. Tôi say mê hái, phơi, đập, sảy đậu cho ba mẹ. Có ông thầy thuốc đông y năm nào cũng dặn nhà tôi vài chục cân đậu. Ông nói đậu đen xanh lòng có nhiều tác dụng điều trị bệnh. Ông chồng nào trên bảo nói không nghe chỉ cần ăn cái đuôi heo hầm đỗ đen. Chiều ăn đêm đến bảo đâu dạ đó hà rầm. Người huyết áp cao, mỡ máu uống đậu đen xanh lòng rang lên hãm trà thì còn gì bằng... Từ khi có nhiều người quay lại với các vị thuốc đông y, với các loại rau củ trồng theo kiểu xưa cũ, nhà nông dễ sống hẳn lên.
Những người xa quê thấm nỗi buồn xa quê. Tôi là người sinh ra từ đồng quê gốc rạ, nên ngồi tám chuyện quê như ăn ngọn đậu đen luộc chấm mắm cua đồng. Cái mùi cỏ thum thủm, ngai ngái, nước phân chuồng ăn vào từng khóe móng chân, vậy mà lại nhớ. Cái mùi sương đêm thấm vào da thịt, rồi khi nắng lên khét lẹt nồng nồng mà chỉ khi xa rồi mới nhớ.
Chợt thương nhớ màu tím dịu dàng của hoa đậu đen, không kiêu sa, không thể sánh bằng lan, hồng, huệ... nhưng nó đã làm nên mùa xuân của cuộc đời dân quê tôi xanh lơ, tươi thắm nhiều lắm.