Giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn: Cần có giải pháp đồng bộ, phối hợp hiệu quả
Thời gian qua, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Ðể hạn chế tái diễn tình trạng này, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương cần quan tâm vào cuộc tích cực hơn.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIII, đã có những kết quả tích cực đạt được trong thực hiện Đề án tập trung, giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Một phụ nữ đẩy xe lăn có người trông như bị đau bệnh, tàn tật nằm trên, cùng đi hát rong xin tiền trên tuyến đường Lê Lợi - Xuân Diệu (TP Quy Nhơn) tối 13.1. Ảnh: H.THU
Từ năm 2021 đến đầu tháng 12.2023, cơ quan chức năng đã tập trung tổng cộng 210 đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn, chủ yếu là người già, trẻ em và phần nhiều ở TP Quy Nhơn (riêng Quy Nhơn có tới 166 người).
Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Một số trường hợp sau khi bị tập trung, xác minh có thân nhân, có nơi cư trú, đã viết cam kết (có xác nhận của chính quyền địa phương) xin về gia đình, không đi lang thang, xin ăn nữa, nhưng sau đó vẫn “ngựa quen đường cũ” và bị tập trung lần 2, lần 3.
Tình trạng người lang thang, xin ăn tại một số chùa trên địa bàn vào các dịp lễ, rằm vẫn còn nhiều. Số người lang thang, xin ăn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là người ngoài tỉnh và không rõ nơi cư trú (chiếm gần 2/3 số đối tượng tập trung từ năm 2021 đến năm 2023 trên địa bàn tỉnh).
Công tác tuyên truyền để người dân không trực tiếp cho tiền người xin ăn chưa đạt hiệu quả; công tác phối hợp của cộng đồng dân cư chưa cao, nên việc báo tin đối tượng lang thang, xin ăn cho lực lượng chức năng chưa kịp thời…
Ngày mùng 1 tháng Chạp vừa rồi, chúng tôi đến một số chùa ở nội thành Quy Nhơn, thấy nhiều người ăn xin tập trung, không chỉ người già mà còn có cả người trong độ tuổi lao động, trẻ em. Đi trên một số tuyến đường tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn uống ở khu vực trung tâm TP Quy Nhơn, cũng thấy khá nhiều người xin ăn.
Tối 13.1, tại đường Xuân Diệu (TP Quy Nhơn), chúng tôi bắt gặp hình ảnh quen thuộc là một phụ nữ đẩy xe lăn có người nằm trên trông như bị đau bệnh, tàn tật, đi hát rong xin tiền. Trường hợp này đã từng bị lực lượng chức năng TP Quy Nhơn xử lý cách đây vài tháng, nay vẫn tiếp tục đi xin trở lại.
Chúng tôi hỏi chuyện một trường hợp khác là bà cụ dẫn cháu nhỏ đi ăn xin. Bà không ngần ngại cho biết năm nay đã 73 tuổi, có nhà ở TX An Nhơn, thường cuối tuần hai bà cháu mới đi Quy Nhơn để ăn xin. Dù bản thân bà biết rõ là bị nghiêm cấm, lực lượng chức năng gặp sẽ xử lý, nhưng hoàn cảnh khó khăn nên vẫn làm.
Ông Nguyễn Văn Thắng, đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng có dịp về thăm nhà ở TP Quy Nhơn, ngồi ăn cùng bạn bè ở một quán trên đường Xuân Diệu tối 13.1, cảm thấy khó chịu khi có khá nhiều người đến xin tiền.
“Tối nay tôi mới thấy được thành phố mình phát triển du lịch mà sao vẫn còn nhiều người ăn xin làm phiền, thậm chí có thể gây phản cảm cho du khách. Trong đó, có người trông như dạng ăn xin chuyên nghiệp, đánh vào lòng thương hại khi đi cùng người đau bệnh, tàn tật mà cũng chẳng biết thật hay giả…”, ông Thắng nhìn nhận.
Theo Sở LĐ-TB&XH, cần thực hiện các giải pháp để góp phần khắc phục những vấn đề nêu trên. Trong đó, đối với địa phương, cần chỉ đạo các phòng, ban chức năng liên quan phối hợp với UBND các xã, phường tổ chức tuần tra, tập trung các đối tượng lang thang, xin ăn, đặc biệt là vào ban đêm tại các nhà hàng, quán ăn, khu ăn uống và trên đường phố.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm tập trung, phân loại, giải quyết người lang thang xin ăn trên địa bàn; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn theo dõi, quản lý, giáo dục những trường hợp tái lang thang xin ăn nhiều lần; có hình thức trợ giúp để các đối tượng để không quay trở lại lang thang xin ăn…
Sở LĐ-TB&XH cũng sẽ phối hợp, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương để tái diễn tình trạng người lang thang xin ăn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi.
Bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP Quy Nhơn, cho biết đơn vị đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai tập trung đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn thành phố trong năm 2024. Trước mắt, sẽ tổ chức các đợt ra quân tập trung đối tượng trước dịp tết Giáp Thìn 2024, sau đó là trước các dịp tổ chức sự kiện du lịch trên địa bàn thành phố. Về lâu dài, Phòng LĐ-TB&XH tiếp tục đề xuất, kiến nghị có sự hỗ trợ, giải quyết căn cơ, triệt để các trường hợp đối tượng đã bị tập trung nhiều lần để không tái diễn.
HOÀI THU