Việt Nam, ASEAN duy trì vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây (Trung Quốc)
Dữ liệu của phía Trung Quốc cho thấy, trong năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và các nước ASEAN lần đầu tiên vượt 300 tỷ nhân dân tệ. ASEAN đã là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây trong 24 năm liên tiếp. Trong khi đó, Việt Nam đã duy trì vị thế này từ cuối năm 2022.
Ngày 15.1, lãnh đạo cơ quan Hải quan Nam Ninh Dương Bảo Thanh cho biết, năm 2023, xuất nhập khẩu của Quảng Tây sang ASEAN đạt 339,44 tỷ nhân dân tệ, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2022, một mức cao kỷ lục. ASEAN tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây trong 24 năm liên tiếp.
Theo truyền thông Trung Quốc, năm 2023, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Quảng Tây đạt 693,65 tỷ nhân dân tệ, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Dương Bảo Thanh cho biết thêm, hiện nay, việc tăng trưởng ổn định ngoại thương của Quảng Tây đang phải đối mặt với áp lực lớn do ảnh hưởng của các yếu tố như nhu cầu bên ngoài yếu.
Năm nay, Quảng Tây sẽ thực hiện kế hoạch hội nhập sản xuất và tiêu thụ, mở rộng thương mại hàng hóa trung gian, hoàn thiện cơ chế đảm bảo thông quan cho các doanh nghiệp chuỗi cung ứng, chuỗi công nghiệp xuyên biên giới chủ chốt, nâng cao trình độ dịch vụ, tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa, thu hút doanh nghiệp cung cấp linh kiện điện tử thành lập kho phân phối, thông qua cửa khẩu thông minh giúp xuất nhập khẩu hiệu quả, hình thành chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất xuyên biên giới về thông tin điện tử ổn định.
Các cửa hàng cà phê Việt luôn là nơi tập trung đông người mua ở Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: Bích Thuận.
Ngoài ra, Quảng Tây cũng sẽ sử dụng các nền tảng như Khu hợp tác công nghiệp Trung Quốc – ASEAN làm trung gian, nâng cao tiềm năng phát triển và chất lượng thương mại gia công, đồng thời tích cực phát triển các chủ thể thị trường ngoại thương, thực hiện các hành động nâng cấp thương mại kỹ thuật số và thương mại dịch vụ.
Trước đó, theo dữ liệu của phía Quảng Tây, trong 11 tháng năm 2023, xuất nhập khẩu giữa địa phương này với Việt Nam đạt 222,97 tỷ nhân dân tệ, tăng 31%. Tính đến cuối năm 2022, Việt Nam đã 24 năm liên tiếp là quốc gia thương mại lớn nhất của Quảng Tây.
Trước những tác động của nhu cầu bên ngoài yếu, khiến ngoại thương của Quảng Tây phải đối mặt với áp lực lớn trong việc duy trì mức tăng trưởng ổn định, ông Dương Bảo Thanh cho biết, trong năm 2024, khu tự trị này sẽ kết hợp giữa công nghiệp và thương mại, mở rộng mạnh mẽ thương mại sản phẩm trung gian, hoàn thiện cơ chế bảo đảm thông quan cho các doanh nghiệp chuỗi cung ứng chuỗi công nghiệp xuyên biên giới chủ chốt, nâng cao trình độ dịch vụ hỗ trợ thông quan hàng hóa, thu hút doanh nghiệp cung ứng linh kiện điện tử thành lập kho phân phối, thực hiện xuất nhập khẩu hiệu quả cao thông qua cửa khẩu thông minh, hình thành chuỗi công nghiệp chuỗi cung ứng điện tử xuyên biên giới ổn định.
Theo Bích Thuận (VOV)