CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH NUÔI GÀ THẢ ÐỒI GIAI ÐOẠN 2022 - 2026:
Xây dựng thương hiệu gà đặc sản Bình Ðịnh
Sau một năm rưỡi thực hiện, số lượng người chăn nuôi tham gia chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026 còn khiêm tốn. Ðể chính sách ngày càng nhận được sự tham gia của nhiều hộ dân, phóng viên Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc xung quanh vấn đề này.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT.
* Ngày 20.7.2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026, tình hình và kết quả triển khai chính sách đến thời điểm này thế nào, thưa ông?
- Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh và quyết định của UBND tỉnh quy định chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026 tại 5 huyện miền núi và trung du Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân và An Lão; từ tháng 8.2022, Sở NN&PTNT triển khai chính sách, như: Tăng cường phối hợp với các địa phương tuyên truyền, phổ biến quy định liên quan đến hộ chăn nuôi có nhu cầu; phối hợp rà soát, chọn hộ đủ điều kiện tham gia phát triển chăn nuôi gà thả đồi và hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật quy trình chăn nuôi.
Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện kiểm tra, thẩm định các hộ tham gia chính sách; hướng dẫn các DN liên kết sản xuất ký hợp đồng sản xuất, chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm với các hộ chăn nuôi tham gia chính sách. Tuy nhiên, thời gian đầu do giá thức ăn tăng cao, thị trường đầu ra của thịt gà gặp khó khăn nên người chăn nuôi chưa mạnh dạn làm chuồng trại để đảm bảo điều kiện thụ hưởng chính sách. Mặt khác, theo quy định pháp luật việc xây dựng nhà kho, chuồng trại chăn nuôi trên diện tích đất rừng là không được phép, trong khi muốn triển khai cần thời gian hoàn thiện thủ tục hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, dẫn tới việc triển khai chính sách còn hạn chế.
Đến nay, có 8 hộ chăn nuôi ở các địa phương tham gia chính sách, trong đó ở huyện Hoài Ân có 7 hộ, với tổng đàn gà thả nuôi 37.400 con/lứa. Các hộ này thực hiện ký hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh. Huyện Tây Sơn có 1 hộ tham gia, với tổng đàn gà thả nuôi 35.000 con/lứa, Công ty CP Hồng Hà Bình Định đã liên kết với hộ chăn nuôi này để bao tiêu sản phẩm.
* Theo ông, tiến độ thực hiện chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi trên địa bàn tỉnh như vậy liệu có đảm bảo?
- Số lượng người chăn nuôi đủ điều kiện để tham gia, thụ hưởng chính sách còn khiêm tốn, nhưng bước đầu đã hình thành một số nền tảng trong phát triển chăn nuôi gà thả đồi, như: Chọn được các hộ đủ điều kiện chăn nuôi số lượng nhiều, chọn được DN có năng lực liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đáng chú ý, Công ty TNHH San Hà đã đăng ký và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương thực hiện đầu tư dự án Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và chế biến thực phẩm tại thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát), với công suất giết mổ 40.000 con gia súc, gia cầm/ngày, trong đó có gà thả đồi... Dự án dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động quý III/2025, đây là điều kiện thuận lợi để tiêu thụ sản phẩm gà đồi của tỉnh. Hơn nữa, mục tiêu của chính sách khuyến khích phát triển nuôi gà thả đồi của tỉnh là nhằm khuyến khích, kêu gọi các tổ chức có đủ năng lực tiến hành hợp đồng liên kết với người chăn nuôi tổ chức sản xuất chăn nuôi hàng hóa, hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn; xây dựng thương hiệu gà đặc sản Bình Định và hình thành các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Sau một năm rưỡi triển khai thực hiện, số hộ tham gia chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi còn hạn chế. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông tỉnh
* Để chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi đem lại hiệu quả hơn trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ làm gì, thưa ông?
- Để nhiều hộ chăn nuôi tham gia chính sách hơn, hiện nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đang phối hợp với các địa phương, đồng hành với bà con chăn nuôi có nhu cầu vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi gà thả đồi theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đồng thời, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp các địa phương và DN tham gia liên kết trong công tác chọn hộ đủ điều kiện phát triển chăn nuôi gà thả đồi để thụ hưởng chính sách, nhất là ở địa phương chưa triển khai trong thời gian qua. Khuyến khích các hộ đã chăn nuôi mở rộng phát triển sản xuất. Tăng cường công tác theo dõi, giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh động vật; tổ chức tốt công tác tiêm phòng và khuyến khích các cơ sở chăn nuôi thực hiện xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi các DN, như: Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh, Công ty CP Hồng Hà Bình Định... thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, giúp bà con ổn định đầu ra sản phẩm, yên tâm chăn nuôi với quy mô lớn.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)