Kỳ vọng các dự án khởi nghiệp trong trường nghề
Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận năm 2023 với nhiều dự án, ý tưởng được Sở KH&CN lựa chọn ươm tạo.
Thúc đẩy, hỗ trợ hoàn thiện
Hưởng ứng cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp (Startup Kite) dành cho học sinh, sinh viên (HSSV) trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức, phong trào khởi nghiệp trong HSSV theo chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm học 2023 - 2024, Đoàn Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn đã tổ chức Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN từ tháng 3.2023.
Trong số 25 dự án dự thi, Ban tổ chức đã chọn ra 5 dự án có chất lượng nổi bật nhất. Đó là các dự án: Sợi sáng tạo; Tạo App cho thuê nhà ở online; App du lịch Bình Định dành cho khách du lịch không đi theo tour; Mô hình T.G.T (Trùn quế - Gà - Trồng trọt); Nét khắc Việt.
Theo anh Lê Quang Hưng, Bí thư Đoàn Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, sau khi được lựa chọn, nhóm tác giả của các dự án tiếp tục tham gia vào Chương trình ươm tạo các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo “Startup Kite QCET 2023” theo kế hoạch phối hợp giữa trường và Sở KH&CN. Các thành viên của 5 dự án đã được tham gia “Khóa huấn luyện các dự án thuộc chương trình ươm tạo” để trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng, công cụ nền tảng và quy trình vận hành, phát triển một dự án khởi nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo. Từ đó, các thành viên sẽ tiếp tục xây dựng nội dung thuyết minh cho dự án và được các cố vấn tư vấn và hướng dẫn hoàn thiện dự án.
Tại Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ, năm 2023, CLB Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo đã tổ chức thi, tuyển chọn 5 ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo để tham dự cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cho HSSV do Sở KH&CN tổ chức. Kết quả, dự án “Đèn trang trí từ sọ dừa” (nhóm tác giả Trần Việt Hợp - Võ Văn Vương, sinh viên khoa Điện - Điện tử) và dự án “Mộc nhiên: Rượu xoa bóp xương khớp” (nhóm tác giả Lê Công Hậu - Hoàng Minh Triều, sinh viên khoa Nông lâm nghiệp) đã được Sở KH&CN lựa chọn ươm tạo, hỗ trợ phát triển và hoàn thiện.
Bên cạnh đó, sinh viên của Trường còn có 2 dự án vào vòng chung kết Cuộc thi Thanh niên với ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bình Định lần 2 do Tỉnh đoàn tổ chức, trong đó có một dự án đoạt giải ba; 2 dự án lọt vào vòng Chung kết Cuộc thi Thanh niên với ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bình Định lần 3. Hiện tại, có 1 dự án vào Vòng bán kết Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp” năm 2023 cấp trung ương.
Cuối tháng 12.2023, Sở KH&CN đã phối hợp với hai trường nghề tổ chức chương trình Demo Day 2023 tại mỗi trường nhằm tạo điều kiện trưng bày kết quả sản phẩm của các dự án khởi nghiệp, thuyết trình kết nối đầu tư vốn mồi cho các dự án đã được ươm tạo.
Chị Phạm Thị Cẩm - Phó Bí thư Đoàn Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ, Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, bày tỏ kỳ vọng: “Demo Day 2023 sẽ tạo tiền đề cho sự kết nối thành công giữa các nhà đầu tư, quỹ đầu tư với các dự án khởi nghiệp tiềm năng, tạo cơ hội cho các dự án này phát triển và thành công trong tương lai”.
Nhóm tác giả dự án “Gà ác nuôi bằng dược liệu sạch an toàn và chất lượng” (Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ) giới thiệu về dự án tại chương trình Demo Day. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Phấn đấu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp
Bên cạnh những kết quả bước đầu đáng mừng, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các trường nghề vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Nhận thức của một bộ phận HSSV về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa cao. Mức hỗ trợ kinh phí thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của các dự án. Sự kết nối với các DN, nhà đầu tư còn thiếu, yếu nên việc hiện thực hóa sản phẩm, tiếp cận thị trường không dễ dàng…
Theo ông Vũ Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ, để tiếp tục thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, năm 2024, Trường đặt ra mục tiêu tích cực thúc đẩy mô hình hợp tác 3 nhà “Nhà trường- Nhà nước - Nhà DN”. Đồng thời, thảo luận, tập trung vào xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho HSSV khởi nghiệp được sử dụng các trang thiết bị, cơ sở vật chất của nhà trường; thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các DN, cá nhân cho các dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của HSSV. Nhà trường cũng xúc tiến thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho HSSV.
Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng rất quan trọng. Bên cạnh việc đổi mới, cải thiện hiệu quả đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, cần quan tâm trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho HSSV và cán bộ, nhà giáo làm công tác hỗ trợ khởi nghiệp.
Anh Lê Quang Hưng đề xuất thêm: “Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo (Sở KH&CN) cần điều chỉnh thời gian cố vấn cho các dự án dài hơn, ít nhất là 3 - 6 tháng, để có đủ thời gian thực hiện các cố vấn cơ bản và phát huy được kết quả đã thực hiện, kiểm chứng kết quả ươm tạo và cố vấn cho ý tưởng. Đồng thời, cần hỗ trợ kinh phí cho dự án để nhóm dự án có thể triển khai những nghiên cứu cơ bản, ví dụ như khảo sát thị trường, làm sản phẩm mẫu…”.
NGUYỄN MUỘI