Chuyển đổi số để phục vụ dân tốt hơn
Nghe tôi đề nghị phỏng vấn quanh vấn đề tỉnh Bình Định chuyển đổi số, ông vui vẻ đồng ý ngay, nhưng kèm theo điều kiện: Cả năm đã nói nhiều về những chương trình, kế hoạch, số liệu… rồi, giờ nhân lúc năm hết Tết đến hãy thử nhìn câu chuyện này ở góc độ của chuyên gia, như thế sẽ thấy tỉnh làm được nhiều cái hay lắm đấy!
Bài phỏng vấn ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT, vì thế đã thành một cuộc trò chuyện thân tình. Nhưng cũng từ đó, trong một góc quan sát khác, các kế hoạch, chương trình, kết quả công tác chuyển đổi số của Bình Định bỗng dễ tiếp cận, dễ hiểu hơn và trở nên sinh động như chính cuộc sống.
* Thưa ông, nếu phải nhận xét một cách thật ngắn gọn về vấn đề chuyển đổi số ở Bình Định, ông sẽ nói…
- Điều rất dễ thấy ở đây không phải chỉ là tỉnh ta đã có một hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết bài bản, được lên kế hoạch chu đáo phù hợp với các cấp, các ngành, với điều kiện của từng địa phương, mà còn là ở điểm chúng ta đã tạo ra cả một hệ thống đồng lòng, đã tạo ra một số hiệu ứng ban đầu rất tốt và đặc biệt hơn cả là được nhân dân ủng hộ. Nếu cần nói ngắn gọn thì đó là nhân dân ủng hộ chuyển đổi số. Đó là ấn tượng rất tốt.
Để dễ hình dung về chuyển đổi số, anh có thể nghĩ về sự thay đổi tính năng của chiếc điện thoại di động. Từ chỗ chỉ là một thiết bị được sử dụng để gọi điện và nhắn tin, giờ đây, thiết bị di động thông minh là phương tiện để giao tiếp - kết nối bạn bè và người thân, để kinh doanh - mua sắm, để học tập, để giải trí, để ký số, để thanh toán trực tuyến… Chuyển đổi số khiến những thứ tưởng chừng như rất quen thuộc đã, đang và sẽ trở thành dĩ vãng như: Những bức thư tình viết tay giờ chỉ còn là e-mail (cười), hình ảnh treo tường giờ thành ảnh đăng trên mạng xã hội, tiền mặt từng bước đang trở thành số dư trong tài khoản ngân hàng, ô tô đang từng bước trở thành thiết bị tự hành trên đường phố…
Giờ đây, khi ra đường, người ta chỉ cần mang theo thiết bị di động thông minh mà không cần thiết phải mang theo giấy tờ, tiền bạc. Rõ ràng, ở khía cạnh tích cực, chuyển đổi số đã từng bước làm cuộc sống của chúng ta văn minh hơn, tiện nghi hơn và hiện đại hơn.
* Ta hay nói đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số với nhiều khái niệm, lý thuyết… tương đối khó nắm bắt. Nhưng với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định rằng tỉnh Bình Định đã đi đúng hướng là nhờ “nhân dân ủng hộ” không?
- Tôi không nghĩ đó là những vấn đề khó nắm bắt, dù là chỉ với ý tương đối.
Những cán bộ có trách nhiệm dẫn dắt, triển khai thực hiện chuyển đổi số đều được chuẩn bị chu đáo để nắm vững các chương trình, kế hoạch; họ cũng sẽ đặt ngành mình, cơ quan, đơn vị mình vào hệ quy chiếu chuyển đổi số để có thể lên kế hoạch vận hành sao cho phù hợp. Những vấn đề liên quan đến trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đều được quán triệt đến nơi đến chốn. Vì vậy việc tỉnh Bình Định đi đúng hướng, tôi thấy là bình thường.
Suy cho cùng và mục đích lớn nhất của chuyển đổi số là để phục vụ nhân dân tốt hơn. Đây không phải là một cách nói văn hoa, ví von chữ nghĩa! Trong tất cả các cuộc họp, hội nghị, ở mọi không gian, đặc biệt là suốt trong 2 - 3 năm gần đây, lãnh đạo tỉnh thường xuyên yêu cầu cập nhật tiến độ, nắm bắt các chuyển biến dù là nhỏ nhất trong vấn đề này. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh liên tục đo hiệu quả bằng chất lượng cuộc sống, dịch vụ mà người dân thụ hưởng nhờ chuyển đổi số.
Là người liên quan sát sườn đến vấn đề này, tôi khá yên tâm, dù vậy vẫn luôn tự hỏi, tự nhắc nhở mình, người dân sớm ủng hộ nhờ những hiệu ứng tích cực đầu tiên nhưng nếu không có thêm nữa, không duy trì và phát triển, không nâng cao chất lượng phục vụ hơn nữa thì công cuộc chuyển đổi số sẽ chậm lại ngay. Mình không được chủ quan; phải tính toán sát sườn đến từng khía cạnh đời sống, sát sườn với mối quan tâm của bà con.
* Vâng, nhân nói chuyện sát sườn với đời sống, xin hỏi một chút chuyện bên lề về mã QR của những tác phẩm bonsai của anh?
- (Nhướng mắt cười hóm hỉnh) Tôi biết ngay là anh sẽ không quên món này!
Anh là người có chơi bonsai, có chia sẻ cây, hoa của mình với bạn bè trên mạng xã hội đúng không! Tất cả những ai ham chơi bonsai, không nhiều thì ít đều muốn chia sẻ niềm vui, giới thiệu thành quả của mình đến người khác. Và thường thì với những tác phẩm bonsai mình yêu mến, ai cũng muốn nắm rõ đến chi tiết, tạm hiểu là lý lịch tác phẩm. Rằng nó do ai trồng nên, đã qua tay những nghệ nhân nào, được chỉnh sửa ra sao, có hình ảnh chứng minh kèm theo, đã giành bao nhiêu giải thưởng… Từ ý tưởng đó tôi nghĩ đến chuyện gán mã QR cho những tác phẩm bonsai của mình như tỉnh ta đã làm với các di tích, hiện vật ở Bảo tàng tỉnh (đây cũng là một nội dung chuyển đổi số khá thành công đấy, cười). Khi đó bất cứ ở đâu, chỉ cần có thiết bị đầu cuối đọc được mã QR, có kết nối internet là người dùng có thể biết cặn kẽ về tác phẩm.
Tại Triển lãm và Hội thi Sinh vật cảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên mở rộng - TP Quy Nhơn 8.2023, những tác phẩm bonsai có gắn mã QR của tôi được nhiều người quan tâm. Điều này khiến tôi khá vui. Nếu những người chơi bonsai quan tâm đến việc làm lý lịch cho tác phẩm của mình kiểu như thế, kết nối với nhau thành mạng lưới, có tổ chức, có hệ thống…, dần dần họ sẽ tiến lên chuyên nghiệp. Và khi đó vị thế của giới bonsai nói riêng sẽ rất khác.
* Ở góc độ là những người thường xuyên va chạm với thực tế chuyển đổi số, tôi thấy tỉnh Bình Định sớm có một số thành công trong công tác này…
- Cái hay của chuyển đổi số là nếu làm đúng ta sẽ thấy ngay kết quả. Có khiêm tốn đến mấy cũng khó có thể giấu được niềm vui khi biết bà con cầm thẻ căn cước là đủ để đi khám bệnh dễ dàng; những ứng dụng VneID, VssID trên điện thoại thông minh phục vụ bà con ngày càng nhiều hơn! Đơn giản như nghe có người nói rằng, từ nay không còn sợ mất giấy tờ… vì nhiều thứ đã được tích hợp trong điện thoại di động, cá nhân tôi rất vui. Đọc báo Bình Định khi biết, không chỉ ở những thị trấn đồng bằng tỉnh ta như Ngô Mây, Tuy Phước mà cả ở một số thị trấn miền núi như Vân Canh, An Lão bà con cũng bắt đầu quen với thanh toán không dùng tiền mặt… tôi cũng thầm vui. Như thế có nghĩa chuyển đổi số đã đi vào cuộc sống khá sâu rộng.
* Ở một cấp độ khác, ông có thể dự báo chuyển đổi số khiến cuộc sống của con người, cụ thể và trực tiếp là ở tỉnh Bình Định, sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai gần?
- Anh hình dung nhé, khi chuyển từ viết tay sang đánh máy chữ với nhiều phó bản nhờ giấy in, dù ở cấp độ thủ công nhưng dễ dàng thấy ưu thế của chất lượng văn bản, độ đồng đều và số lượng phó bản. Vài mươi năm trước ta chứng kiến máy tính - máy in với sức mạnh vượt trội đã nhanh chóng đánh bật máy đánh chữ ra khỏi các văn phòng, công việc cá nhân; ưu thế tuyệt đối của máy tính là khả năng lưu trữ, chỉnh sửa, in được nhiều bản dễ dàng, sạch đẹp... Giai đoạn này ta hay gọi là số hóa văn bản, nhưng nếu phân tích chi tiết sẽ thấy mô hình này vẫn có nhược điểm là chúng thụ động, cố định một chỗ.
Nếu tính từ lúc máy đánh chữ xuất hiện - tầm cuối thế kỷ XIX, đến khi nó bị thay thế hàng loạt bởi máy tính tầm cuối thế kỷ XX, ta có thể tính giai đoạn này hơn 100 năm.
Ở giai đoạn kế tiếp là dữ liệu được số hóa, có thể truyền - nhận tức thì tất cả các loại dữ liệu, ở bất cứ định dạng, quy mô nào đến bất cứ đâu có internet, có địa chỉ e-mail, có tài khoản, tức là khả năng chia sẻ của nó là vô tận. So với trước, từ số hóa đến giai đoạn chia sẻ trực tiếp chỉ mất chừng 20 năm, tức là ta có thể chứng kiến một cú đại nhảy vọt ngay trong một đời người. Và với chuyển đổi số, ta sẽ còn chứng kiến một cuộc thay đổi triệt để với thời gian còn ngắn hơn.
Trước dịch Covid-19, có nằm mơ cũng không thể hình dung cảnh những bà nội trợ chọn nhoay nhoáy thịt thà, rau mắm… trên các trang web, ung dung chờ nhận giỏ hàng theo phương thức COD, để thanh toán chỉ cần chạm một cái vào mã QR là xong! Trước đó các chuyên gia từng tính toán rất chi tiết để trả lời câu hỏi - cái cảnh ấy mất bao nhiêu năm nữa mới thành hiện thực ở Việt Nam? Anh đoán xem? 20 - 22 năm nhé! Thế nhưng tất cả đã thành hiện thực chỉ sau chừng 12 tháng xảy ra dịch bệnh.
Nay ta đã có thể thực hiện những ca phẫu thuật khó từ xa qua internet. Ở cấp độ thấp hơn một chút, ở BVĐK tỉnh đã có Telehealth. Một số nông dân ở Hoài Ân đã có thể cập nhật liên tục hình ảnh vườn cây ăn trái của mình từ bón phân, tưới nước đến thu hoạch, sơ chế hợp chuẩn VietGAP trên website, khách quan tâm có thể theo dõi mọi thứ và truy xuất nguồn gốc dễ dàng; nhờ đó hoàn toàn tin cậy chất lượng sản phẩm. Nông dân Tuy Phước, Phù Cát đã dùng thiết bị bay không người lái (drone) để thăm đồng, phun thuốc bảo vệ thực vật; nhiều vườn cây ăn trái, ruộng đậu phụng đã có hệ thống tưới tự động, tưới chính xác tùy theo nhu cầu nước, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, bón phân cũng qua hệ thống này…
Quay trở lại một chút với nhiệm vụ quản lý nhà nước về chuyển đổi số. Có thể khẳng định chuyển đổi số sẽ là công cụ để quản lý nhà nước ngày càng tốt hơn, ra quyết định chính xác, hiệu quả và khoa học hơn nhờ dữ liệu số. Đúng như tinh thần mà Peter Drucker đã khẳng định là “Cái gì không đo đếm được thì sẽ không thể quản trị tốt”.
Nói như vậy để ta có thể cảm nhận sự thay đổi sẽ đến rất nhanh. Khái niệm tương lai gần sẽ khác trước rất nhiều, có thể chỉ là vài ba năm, thậm chí ngắn hơn.
* Câu hỏi cuối cùng của buổi trò chuyện hôm nay. Chúng ta đã kịp thấy trí tuệ nhân tạo (AI) có thể làm ra những gì, thậm chí cả ở những lĩnh vực sáng tạo vốn được xem là độc quyền của con người (hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, văn học…), và ta cũng được xem nhiều bộ phim về sự nổi loạn của robot. Là người công tác nhiều năm ở lĩnh vực này, nhân mùa Xuân Giáp Thìn đang về, ông có thể chia sẻ suy nghĩ về vấn đề này?
- Công nghệ mới, đường truyền tốc độ cao, băng thông rộng, dữ liệu lớn, thiết bị hiện đại, mạng xã hội, thế giới ảo, tương tác như thật, chuyển đổi số, AI… khiến rất nhiều thứ đã thay đổi triệt để với tốc độ chóng mặt.
Nhiều sản phẩm từ ý tưởng ở phòng thí nghiệm đến sản xuất thương mại diễn ra nhanh đến bất ngờ. Và như các chuyên gia đã từng cảnh báo: Với tốc độ phát triển của AI hiện nay, trong tương lai gần, sẽ không còn việc làm cho con người; lúc đó, con người chỉ làm việc ở những lĩnh vực cần cảm xúc và sự sáng tạo.
Tôi làm việc trong lĩnh vực mà “khái niệm số” thường trực mỗi phút giây cả hữu hình - vô hình, online - offline… Việc xoay chuyển bước vào thế giới số, bước ra thế giới thật liên tục đến mức thú thật nhiều khi rất mệt. Thực tế nhiều hôm tôi vừa dự họp trực tuyến vừa trả lời nhân viên ở gần đó để kịp xử lý công việc - online xen lẫn offline đấy. Mình vừa thảo luận với đối tác mấy giờ trước qua màn hình, mấy giờ sau đã có thể gặp trực tiếp tại hiện trường để chốt vấn đề. Chúng nhanh và dày đến mức sẽ khó ý thức một cách rõ ràng đâu là phần ta đã đạt được trên thế giới ảo, phần nào là của thế giới thật… Càng ngày chúng càng đan vào nhau liền lạc hơn.
*À, nhân do anh nhắc đến AI nên ta hãy xem Chat GPT trả lời như thế nào nhé!
Sự tiến bộ của trí tuệ nhân tạo đang mở ra cánh cửa cho khả năng sáng tạo đáng kinh ngạc, thậm chí trong những lĩnh vực truyền thống như hội họa, điêu khắc và văn học. Tuy nhiên, với sự tiến triển này, cũng xuất hiện nhiều lo ngại về đạo đức và tác động xã hội. Bộ phim về nổi loạn của robot chỉ là góc nhìn tiêu biểu về những thách thức mà chúng ta cần đối mặt. Do vậy, việc quản lý và phát triển đúng hướng là chìa khóa để đảm bảo rằng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ sáng tạo mà không gây ra hậu quả tiêu cực. (Nội dung này được trả lời tự động bởi Chat GPT)
Tôi suy nghĩ gì ư, cuối cùng thì tôi bắt tay anh xin chào và tạm biệt phải là có thật; con cái ôm lấy chúng ta phải là có thật; cuối năm thắp ba nén nhang cúng kính tưởng nhớ ông bà, cha mẹ phải là có thật; tình cảm dành cho nhau phải là thật, chứ không phải chỉ là like/thả tim… trên mạng xã hội; hạnh phúc phải là điều có thật bởi vì chúng ta là CON NGƯỜI (xin nhấn mạnh) chứ không phải là những cỗ máy.
Chuyển đổi số hay bất cứ điều gì khác như đã nói ở trên, đích đến cao cả là vì con người, để con người thật sự được hạnh phúc. Cũng như anh và tôi đây, một đóa hoa mai số dù đẹp đến mấy cũng không thể nào bằng một đóa hoa thật mà ta chăm sóc, tưới tắm mỗi ngày, để khi trảy lá, nụ búp căng lên, cánh hoa bung ra, hương hoa thơm ngát tất cả phải là có thật…
Nhà báo có trồng khá nhiều mai phải không, năm nay mai của anh thế nào… Đây là một câu hỏi thật và nụ cười của anh là có thật, như thế ta mới thật hạnh phúc sau một năm vun xới, đúng không anh!
* Vâng, đúng thế đấy. Cảm ơn những chia sẻ thú vị của ông.
BÁ PHÙNG (Thực hiện)