Khi điều không thể trở thành có thể
1.Khoảng năm 1995, VNPT Bình Định lắp tổng đài FETEX 150. Đó thật sự là một sự kiện rất hoành tráng. Nhờ cái FETEX 150 mà một bà cô người quen của tôi có thể nói chuyện điện thoại thấy hình ảnh động (video call) với cậu con trai bên Mỹ. Cuộc gọi kết nối thành công, bà mẹ chỉ khóc, chả nói được gì. Hơn hai mươi năm mới thấy lại con mình một cách sinh động như thế kia mà.
Chả nói được gì nhưng với một bà mẹ thế là quá đủ. Mấy phút thôi nhưng hết một chỉ vàng. Một chỉ vàng của năm 1995 to hơn bây giờ nhiều lắm. Nhưng không to bằng niềm vui của bà mẹ.
Khi ấy nếu ai đó bảo rằng chỉ ít nữa thôi bà có thể gọi video call đã đời mà chỉ tốn cỡ vài chục ngàn đồng của hôm nay, thậm chí có thể miễn phí, thì cái đứa nói như thế sẽ bị cho là viển vông, điên rồ... Có cả tầng tầng lớp lớp lý luận để chứng minh điều đó là không có cơ sở khoa học. Thật vậy, các lý thuyết về đầu tư, quy luật về phát triển, nói chung về mọi nhẽ liên quan đến viễn thông sẽ làm đổ sập cái điều mà “ai đó bảo rằng”…
Nhưng cái tổng đài rất hoành tráng kia nay "siêu sinh" chắc cũng đã ba chục kiếp. Còn bây giờ, với 1 chỉ vàng có thể nói chuyện có khi đến mười năm có lẻ.
Điều không thể đã thành có thể!
2. Năm 1998, cám cảnh thằng rể hì hục viết tay tin bài để nộp cho cơ quan báo, nhạc mẫu khả kính của tôi, khi đó từ Quảng Ngãi vào Quy Nhơn thăm chơi, hỏi:
- Này, liệu có cái gì để con viết bài bớt khổ hơn không?
Cho là mẹ mình quan tâm nên hỏi thăm như một cách chia sẻ vất vả, nên tôi khi đó vui vẻ giải thích: Có chứ mẹ. Nếu có máy đánh chữ con sẽ gõ nhanh hơn. Còn nếu có điều kiện sắm máy tính thì ôi thôi… sung sướng tuyệt trần, mẹ ạ!
- Nó như thế nào con kể mẹ nghe - Nhạc mẫu khả kính của tôi, kéo ghế ngồi cạnh bàn nơi tôi làm việc, hết sức chăm chú…
Tôi dừng bút, kể cho bà nghe.
… Mẹ hình dung nhé, nó như cái ti vi ấy, con sẽ gõ vào bàn phím như cái máy đánh chữ. Mọi thứ sẽ hiện lên màn hình, nếu sai thì con sửa được ngay. Con viết bài xong có thể lưu trữ lại trong máy, hôm sau muốn mở ra sửa lại, viết tiếp vẫn được. Con có thể chuyển cái bài ấy vào trong một cái đĩa gọi là đĩa mềm, nó có thể lưu trữ cái bài của con như cuốn băng cassette lưu giữ bài hát mẹ vẫn nghe vậy. Con mang đĩa mềm sang nhét vào một cái máy khác, ở cơ quan chẳng hạn, thế là lại có thể mở cái bài ấy ra, lại có thể chỉnh sửa… Mà không chỉ viết bài đâu mẹ, còn có thể xem phim, nghe nhạc trên đó nữa nếu có ổ đĩa CD…
Chuyện tôi kể hết sức bay bổng và lấp lánh. Cũng phải thôi, một bộ máy tính tầm trung, lắp ráp trong nước, hồi đó khoảng 1 cây vàng (trước đó ít lâu cơ quan tôi có mua một bộ loại xịn, có cả máy in kim, quy ra vàng khoảng… hơn 5 cây). Lương tôi hồi đó mỗi tháng đâu như 140 ngàn đồng, muốn mua một bộ tầm trung, đại khái phải mất chừng 30 tháng lương, trong điều kiện “tuyệt đối không ăn tiêu” - nói theo kiểu những đứa có nỗi thèm thuồng như tôi.
Cho nên bọn chúng tôi coi đó là một nỗi khát thèm đến vô vọng.
Chăm chú lắng nghe câu chuyện của tôi, sau một hồi im lặng, mẹ vợ tôi hỏi lại: Như vậy là khoảng 1 cây, đúng không. Con cứ đi tìm hiểu đi nhé, rồi mẹ cho tiền mà mua. Nhớ mua máy là để làm việc đấy nhé, chứ không phải để chơi nghe chưa!
Khỏi phải nói tôi vui đến cỡ nào. Chiếc máy tính tôi sở hữu đầu tiên chạy con chip Intel Pentium 233Mhz, dung lượng ổ cứng 16GB. Nếu đem so sánh với bây giờ thì khả năng xử lý, cấu hình này chỉ bằng một phần mấy chục lần chip của những chiếc điện thoại thông minh rẻ tiền.
Bạn thân mến, tôi kể dài dòng như thế chỉ để nói một điều, sự thay đổi của công nghệ nhanh, ngày càng nhanh đến ngoài sức tưởng tượng của chúng ta và không có gì là không thể.
3.Thành ra có lẽ nên im lặng tôn trọng những giấc mơ!
Đâu có cần xa xôi cũ kỹ kể về nỗi cô đơn đến đau đớn của Galileo Galilei lúc than thở "Dù sao trái đất vẫn quay", khi bất lực bảo vệ niềm tin của mình vào khoa học dù với nhiều người điều ấy hết sức phi lý, có phải thế không? Ngày nay ta có quá nhiều ví dụ để nói về những "điều không thể đã thành có thể".
Cho nên, khi tỉnh Bình Định nuôi khát vọng trở thành đất lành của khoa học cơ bản, một trung tâm khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo… thì hãy tin rằng tương lai không xa mọi thứ sẽ thành hiện thực, không có gì là viển vông như không ít người vẫn hay hoài nghi.
ĐÔNG A