Bỗng dưng nhớ… giếng
Cứ Tết đến tôi lại tổ chức gói bánh chưng. Cả nhà quây quần từ sáng đến đêm để chuẩn bị, gói rồi nấu. Người lớn rộn ràng, trẻ con tíu tít, chạy lăng xăng. Điều khiến các con tôi vô cùng thích thú là được vo gạo nếp, đãi đậu xanh, rửa lá dong và nấu bánh bằng nước giếng nhà ngoại. Còn tôi, một cách rất tự nhiên, giếng nước đã kết nối, đưa tôi trở về với bao kỷ niệm thơ trẻ của mình.
1. Giữa trưa hè tháng Bảy của mười năm trước, Tây Sơn nắng như nung. Tôi đưa vợ con đi tham quan Bảo tàng Quang Trung. Trong khuôn viên Bảo tàng có nhiều cây cối xanh tươi nên phần nào bớt đi cái nóng, nhưng mồ hôi vẫn không ngừng túa ra. Trong lúc đang nóng và khát khô cổ họng, như có ai mách bảo, tôi nhanh chân dắt con mình đến chỗ chiếc giếng cổ nằm bên phải điện thờ Tây Sơn tam kiệt.
Truyền rằng, giếng do cụ Hồ Phi Phúc, thân phụ ba anh em nhà Tây Sơn tạo dựng, lòng giếng ghép bằng đá ong nhưng không có thành. Sau này, để bảo vệ giếng và an toàn cho du khách, đơn vị quản lý cho xây dựng nhà lồng, thành giếng, đồng thời gắn khung gỗ xung quanh.
Giếng chỉ sâu chừng dăm ba thước, dẫu nắng nóng nhưng vẫn đầy ắp nước. Thả chiếc gàu xuống giếng rồi kéo lên một gàu nước đầy, tôi dấp nước lên mặt, lên cả đầu và cổ rồi nâng cao gàu nước, ngửa cổ uống ừng ực. Được sự khuyến khích của bố, hai con tôi cũng làm tương tự và chúng vô cùng thích thú. Nước mát và ngọt lịm khiến người sảng khoái lạ thường. Cái nóng gay gắt bỗng như tan biến…
Tôi đã từng uống trực tiếp nước của không ít giếng đào nhưng chưa từng thấy nước nơi nào ngọt và mát như thế. Và điều đó khiến tôi nhớ mãi. Nó cũng khiến tôi nhớ đến cồn cào những cái giếng mình từng có nhiều gắn bó thuở ấu thơ và suốt thời trai trẻ.
2. Cái giếng đầu tiên và cũng là duy nhất của gia đình tôi có được là ở sau nhà nơi quê ngoại trên đất Bắc, do ba tôi đào ngày chúng tôi còn bé. Nó rất nông nhưng luôn đầy nước. Đó là cả bầu trời tuổi thơ của anh chị em chúng tôi. Ở đó, gia đình quây quần mỗi ngày và chúng tôi được thỏa thích tắm mát, nhất là vào những đêm hè oi bức khó ngủ.
Tuy nhiên, giếng nước khiến tôi nhớ nhiều hơn cả là ở quê nội Quảng Ngãi. Đó vốn là vùng cài răng lược, người dân bị dồn vào ấp chiến lược hoặc tứ tán khắp nơi bởi chiến tranh ác liệt. Sau ngày đất nước thống nhất, mọi người trở về quê hương sinh sống và gia đình tôi cũng vậy. Cả làng ngày ấy chỉ có một giếng nước dùng chung nên quy ước nghiêm ngặt, mọi người đều phải gánh nước về nhà dùng, không được tắm giặt tại chỗ gây ô nhiễm; ai vi phạm sẽ bị xử phạt bằng công điểm.
Giếng nằm ở nơi tiếp giáp giữa ruộng và đồi, chỉ sâu chừng ba bốn mét, được kè bằng đá núi nhưng nước nhiều vô kể và luôn trong vắt, ngọt lành. Những lúc mặt trời đứng bóng, ánh nắng chiếu xuống tận đáy và nhìn thấy cả những mạch nước ngầm đùn lên. Mọi người đều có thể uống trực tiếp nước này mà không cần đun nấu.
Khi tôi dần lớn lên, nhiều gia đình có điều kiện đã đào giếng trong vườn nhà để dùng riêng, đồng thời cho mấy gia đình xung quanh cùng dùng. Vì thế tôi có cơ hội góp sức đào, xây giếng của những người quanh xóm nên hiểu được cách thức kè giếng bằng đá ong hoặc đá cuội.
3. Khi rời làng quê vào TP Quy Nhơn học đại học, tôi tạm xa những cái giếng thân quen. Mặc dù vậy, thi thoảng tôi vẫn có dịp được sống và trải nghiệm với những cái giếng ở làng quê khác. Sâu đậm nhất là giếng của một gia đình ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn (nay là phường Hoài Thanh, TX Hoài Nhơn). Ngày ấy, trường chúng tôi học tổ chức cho sinh viên đi sưu tầm văn học dân gian và nhóm chúng tôi được phân công về Hoài Thanh. Suốt thời gian sưu tầm, cả nhóm cùng ở, cùng ăn trong một gia đình có vườn dừa mát rượi.
Thích nhất là giếng nước nằm sau nhà, nước nhiều nên tha hồ tắm giặt trong những ngày nắng nóng. Đây là vùng đất cát nên giếng được xây bằng ống bi nhằm hạn chế tối đa cát len theo các kẽ hở tràn vào bồi lấp lòng giếng, vì vậy nước luôn sạch và trong vắt. Thích hơn nữa là những đêm trăng, ánh trăng xuyên qua kẽ lá dừa rọi xuống mặt giếng; những tia sáng dặt dìu nhảy múa mỗi khi gió đùa.
Hằng ngày chúng tôi tỏa đi từng nhà, gặp gỡ những người lớn tuổi để nghe họ đọc ca dao, tục ngữ hoặc hát dân ca. Nghe đến đâu, ghi chép đến đó. Nào là trách cứ:
Giếng sâu thăm thẳm
Con chim trên cây cao nó đổ tăm tăm
Nghĩa nhơn anh tích để ngàn năm
Lẽ gì sớm viếng tối thăm duyên chàng…
Nào là yêu thương đượm nồng:
Chiều chiều mây phủ về kinh
Ếch kêu giếng lạn cảm tình đôi ta
Ðôi ta như lửa mới nhen
Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu.
Nhờ vậy, chúng tôi đã giúp lưu giữ được nhiều bài, câu ca dao, tục ngữ ở địa phương. Và cũng nhờ đó, chúng tôi hiểu sâu sắc hơn sự phong phú, đa dạng về văn hóa cũng như ân tình của con người nơi đây: Dừa xanh trên bến Tam Quan/Dừa bao nhiêu trái thương chàng bấy nhiêu...
4. Nhà ngoại của các con tôi cũng có giếng đào ngay trong mái hiên nhà nên tôi luôn được trải nghiệm mỗi khi có dịp trở về. Tôi rất thích vục gàu múc lên những gàu nước mát lạnh tắm táp, vỗ về da thịt. Tết này, tôi lại bày trận gói và nấu bánh chưng ngay bên miệng giếng để được hít hà, tận hưởng không khí đầm ấm, đoàn tụ của gia đình sau cả năm trời xa cách.
Với tôi, giếng không chỉ là nơi cho nước. Giếng còn là mạch nguồn sự sống, là nơi sinh sôi nảy nở; nơi hội tụ, gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình; kết nối dòng họ, cộng đồng… và đó là giá trị cốt lõi, sâu xa trong văn hóa truyền thống của dân tộc.
Cũng vì nhớ, cuối năm 2023, tôi trở lại nơi giếng cổ nhà Tây Sơn và không quên múc nước giếng uống cũng như rửa mặt cho thỏa cơn “khát” giếng. Có rất nhiều huyền thoại bao phủ quanh giếng, nhưng tôi không lấy làm bận lòng. Điều tôi mong muốn là được soi bóng trong đáy nước nhà Tây Sơn để nghiêng mình tưởng nhớ những tiền nhân lẫm liệt.
ĐẠI DƯƠNG