IFIRSE: Viên ngọc quý của khoa học Việt Nam
Sau 8 năm thành lập, Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành thuộc Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành đã làm tốt vai trò cầu nối khoa học Việt Nam với thế giới, thu hút nhiều nhà khoa học trẻ trong, ngoài nước về làm việc, tạo động lực thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ bền vững tại Việt Nam.
Tọa lạc tại số 7 Đại lộ Khoa học (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE) là viện nghiên cứu khoa học cơ bản tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), cho biết: “Có nhiều nhà khoa học trẻ ở nước ngoài muốn về nước làm việc, nhưng họ phân vân vì cơ chế và môi trường làm việc trong nước còn khó khăn. Do vậy, năm 2015, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam quyết định thành lập IFIRSE nhằm thu hút các nhà khoa học trẻ Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài trở về quê hương, đóng góp trực tiếp cho khoa học Việt Nam”.
TS Cao Văn Sơn (bìa trái), thành viên nhóm Vật lý Neutrino, làm việc ở phòng điều khiển trung tâm máy gia tốc J-PARC (Nhật Bản). Ảnh: NVCC
Nâng cao vị thế Việt Nam
IFIRSE hiện có 4 nhóm nghiên cứu: Vật lý lý thuyết, Neutrino, Vật lý thiên văn SAGI, Môi trường và phát triển bền vững; bước đầu đã thu hút một số nhà nghiên cứu khoa học người Việt Nam đang công tác ở nước ngoài về Bình Định làm nghiên cứu, đào tạo sinh viên cao học đi theo con đường nghiên cứu khoa học. Trong đó, có gần 10 sinh viên đã nhận được học bổng tiếp tục học trình độ tiến sĩ tại các nước Pháp, Thụy Sĩ, Ý, Đài Loan...
Đến nay, IFIRSE đã thiết lập một phòng thí nghiệm với nhiều thiết bị hiện đại và triển khai được một số thí nghiệm nghiên cứu nhỏ về Neutrino. Đến tháng 12.2023, IFIRSE đã công bố và đồng công bố 51 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế. Với những thành tựu đạt được, IFIRSE nhận được sự quan tâm và đồng ý làm thành viên hội đồng khoa học từ các nhà khoa học uy tín trên thế giới, trong đó có GS Đàm Thanh Sơn (Giải Dirac 2018).
Đáng chú ý, IFIRSE là viện nghiên cứu khoa học duy nhất ở Đông Nam Á đến nay tham gia 2 thí nghiệm vật lý hạt quốc tế hàng đầu là thí nghiệm Super-Kamiokande (đóng góp trực tiếp cho giải thưởng Nobel Vật lý năm 2015) và thí nghiệm T2K (góp sức vào giải thưởng Breakthrough năm 2016).
TS Cao Văn Sơn, thành viên nhóm Vật lý Neutrino, bày tỏ: “Việc tham gia thí nghiệm giúp các nhà khoa học Việt Nam có cơ hội tiếp cận, học hỏi các kiến thức về Vật lý Neutrino, tìm kiếm phân rã proton và kinh nghiệm kỹ thuật phát hiện với ánh sáng Cherenkov, các hệ đo với các cảm ứng ánh sáng cực nhạy cỡ lớn, xử lý nước tinh khiết… Đây là bước đệm cần thiết để Việt Nam chuẩn bị lực lượng, làm chủ những kỹ năng, kỹ thuật để đóng góp trực tiếp cho các nghiên cứu khoa học cơ bản của thế giới, nhất là trong lĩnh vực Vật lý năng lượng cao; tạo ra nguồn nhân lực, những cơ sở thí nghiệm và môi trường học thuật quốc tế ngay tại Việt Nam”.
Cầu nối khoa học trong và ngoài nước
Không chỉ là nơi thu hút, ươm tạo các “hạt giống” ngành Vật lý năng lượng cao, Vật lý thiên văn cho Việt Nam, IFIRSE còn tạo điều kiện cho sinh viên ưu tú của các trường đại học uy tín trong, ngoài nước đến nghiên cứu; thu hút các nhà khoa học trẻ Việt Nam ở nước ngoài về đây làm việc.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Vật lý nguyên tử và hạt nhân tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), tháng 3.2022, anh Trương Thành Sang (31 tuổi, quê tỉnh Đồng Nai) đã nộp đơn đăng ký tham gia khóa huấn luyện phần cứng tại phòng thí nghiệm về Vật lý Neutrino của IFIRSE, sau đó xin thực tập dài hạn để chuẩn bị nền tảng kiến thức cho du học trình độ tiến sĩ ở nước ngoài.
Tương tự, đầu năm 2023, anh Shouvik Mondal (23 tuổi) tốt nghiệp thạc sĩ ngành Vật lý tại Trường ĐH Calcutta (TP Kolkata, Ấn độ) cũng quyết định “đầu quân” tham gia nhóm nghiên cứu về Vật lý Neutrino tại IFIRSE. Sau 3 tháng sinh sống, làm việc ở IFIRSE, Shouvik Mondal cho biết rất hứng thú với cơ sở vật chất và văn hóa làm việc ở Việt Nam. Phần lớn công việc của Mondal và thành viên trong nhóm là nghiên cứu về hạt muon đến từ vũ trụ và các thiết bị điện tử ứng dụng trong việc ghi nhận tín hiệu. Kết quả nghiên cứu hướng đến thiết kế một hệ đo tín hiệu hạt muon hoàn chỉnh, phục vụ nghiên cứu và giảng dạy ở các chương trình cao học, chuyên sâu.
Shouvik Mondal (bìa trái) tham gia nhóm nghiên cứu về Vật lý Neutrino tại IFIRSE. Ảnh: TRỌNG LỢI
“Ở IFIRSE tôi có thể trực tiếp làm việc với những trang thiết bị mà không phải viện cao cấp, đại học hàng đầu nào tại Ấn Độ cũng có thể đáp ứng cho thực tập sinh. Những kiến thức, kinh nghiệm khi làm việc ở viện sẽ giúp tôi có chỗ đứng trong con đường nghiên cứu học thuật sắp tới”, anh Shouvik Mondal cho hay.
Trở thành viện nghiên cứu quốc tế xuất sắc về Vật lý
IFIRSE sẽ tiếp tục phát triển thế mạnh nghiên cứu chuyên sâu về vật lý; tham gia 2 thí nghiệm quốc tế lớn ở Nhật Bản là Super-Kamiokande và T2K; phát triển phòng thí nghiệm Neutrino - nơi duy nhất ở Việt Nam có khả năng phát triển các hệ đo với cảm ứng ánh sáng siêu nhạy và siêu nhanh, cho phép quan sát các tín hiệu từ vũ trụ một cách liên lục. Đồng thời, Viện tiếp tục phát triển chương trình Vật lý thiên văn ở Việt Nam thông qua dự án của nhóm SAGI do Quỹ Simons tài trợ, với sự dẫn dắt của TS Nguyễn Trọng Hiền (NASA, Mỹ). Hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu cho nhân viên của Đài Quan sát thiên văn Quy Nhơn (thuộc Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo), xây dựng các chương trình thiên văn cộng đồng. Đồng thời, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và ICISE sẽ trình đề án lên Bộ KH&CN, Chính phủ để xin nâng cấp IFIRSE trở thành Viện nghiên cứu quốc tế xuất sắc về Vật lý của Việt Nam.
GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc ICISE
TRỌNG LỢI