Sinh viên Lê Thùy Linh: Sự cố gắng nào cũng sẽ có “quả ngọt”
Cô gái Lê Thùy Linh đã đạt giải thưởng “Global Winner” tại lĩnh vực khoa học hóa chất và dược phẩm trong chương trình “The Global Undergraduate Awards” diễn ra đầu tháng 11.2023 tại ireland. Xuất phát từ sự quan tâm đến môi trường và đam mê nghiên cứu, Linh luôn muốn cống hiến tri thức và sức trẻ.
Lê Thùy Linh sinh năm 2000, ở TP Quy Nhơn; hiện là sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm, Khoa Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Khám phá đề tài mới
Linh chọn khám phá một đề tài mới, thay vì những vấn đề có lịch sử nghiên cứu và tài liệu tham khảo dày dặn. Sự “mạo hiểm” này giúp cô được vinh danh tại chương trình.
* Đề tài “Phát triển màng bao thực phẩm thông minh phân hủy sinh học tích hợp với betacyanin từ thanh long đỏ và củ dền để kiểm soát chất lượng thực phẩm” được trao giải của Linh có gì đặc biệt?
- Nghiên cứu này sử dụng chitosan-polymer phân hủy sinh học kết hợp với chiết xuất từ thanh long đỏ hoặc củ dền để làm màng bọc. Sau đó, đem 2 loại màng trên để so sánh những đặc tính vật lý và chức năng.
Dựa theo kết quả nghiên cứu, sự kết hợp của thanh long đỏ và củ dền vào màng chitosan đã giúp màng được bổ sung tính chất như: Cản ánh sáng, hơi nước, tăng độ bền kéo và tăng khả năng chống oxy hóa. Betacyanin trong củ dền và thanh long đỏ là chất chỉ thị màu tự nhiên nên rất an toàn, có khả năng đổi màu theo độ pH. Khi thực phẩm bị hư hỏng, pH thay đổi sẽ dẫn đến màng đổi màu, có thể nhận thấy bằng mắt thường.
Những màng này được sử dụng như một loại bao bì kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm và theo dõi độ tươi của thực phẩm giàu protein trong tương lai.
Đại diện Ban tổ chức trao giải “Global Winner” cho Lê Thùy Linh tại đêm gala chương trình “The Global Undergraduate Awards” diễn ra tại Ireland đầu tháng 11.2023. Ảnh: NVCC
* Vì sao bạn chọn nghiên cứu đề tài trên?
- Xuất phát từ thực trạng bao ny lông được sử dụng rất nhiều và không thể phân hủy, lâu dần tồn đọng ảnh hưởng đến trái đất, tôi muốn phát triển màng bọc thực phẩm có thể phân hủy, thân thiện cho môi trường.
Cùng với đó, thanh long đỏ và củ dền rất phổ biến ở Việt Nam, giá thành hợp lý, chứa các thành phần có lợi, có tính chống oxy hóa cao giúp bảo quản thực phẩm; betacyanin là chất chỉ thị màu tự nhiên, an toàn cho sức khỏe con người và theo dõi được tình trạng của thực phẩm.
Tuy nhiên, vì nghiên cứu này khá mới, không có nhiều bài báo để tham khảo nên tôi cần nhiều thời gian để sàng lọc, tìm phương pháp phù hợp. Trong quá trình đó, tôi thất bại rất nhiều lần, bỏ khá nhiều mẫu. May mắn là tôi nhận được sự giúp đỡ từ giảng viên hướng dẫn là PGS.TS Lê Ngọc Liễu để hoàn thành đề tài.
“Làm bạn” với nghiên cứu
Linh luôn tìm thấy niềm vui từ việc nghiên cứu, bởi ước mơ của cô là trở thành chuyên viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm có lợi cho sức khỏe con người, thân thiện với môi trường.
* Trong suốt quá trình gắn bó với phòng thí nghiệm và đề tài trên, đâu là kỷ niệm đáng nhớ với bạn?
- Cảm giác tự hào nhất có lẽ là khi nhìn lại chú thích mà tôi đã ghi chép lại từ những lần thất bại. Càng nhiều chú thích, số lần thất bại cũng ít đi. Tôi nhớ mãi những ngày cùng bạn bè ở lại phòng thí nghiệm đến khuya. Trong lúc chờ máy chạy mẫu, chúng tôi tranh thủ ăn tối, khích lệ tinh thần, cùng nhau thực hiện thành công những thí nghiệm “khó nhằn”.
Đối với riêng đề tài trên, suốt gần 4 tháng miệt mài, hình ảnh chiếc áo blouse trắng bị đổi thành màu hồng đỏ của thanh long, củ dền, giặt mãi không ra luôn in sâu trong tâm trí tôi. Quần áo lấm lem nhưng tôi rất hạnh phúc vì nó là dấu ấn nhắc tôi nhớ về những ngày tháng mày mò trong phòng thí nghiệm thời sinh viên.
* Nói vậy, chắc hẳn “The Global Undergradute Awards” rất ý nghĩa với những sinh viên có niềm đam mê nghiên cứu như Linh?
- Chương trình là nền tảng tốt để những sinh viên đến từ nhiều quốc gia có thể chia sẻ nghiên cứu của mình đến bạn bè quốc tế. Hơn nữa, nếu nghiên cứu được công nhận sẽ là bàn đạp vững chắc để tác giả tiếp tục phát triển và nhận được nhiều sự ủng hộ hơn.
Do vậy, ngay khi biết tin mình trở thành một “Global Winner”, cảm xúc của tôi như vỡ òa! Tôi rất vinh dự khi được trao cơ hội để gặp gỡ, học hỏi những sinh viên thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng đều có điểm chung là đam mê nghiên cứu, muốn cống hiến cho khoa học.
Tích cực, cân bằng
“Với tôi, yếu tố cốt lõi là đam mê và sự nỗ lực, cố gắng hết mình. Khi ấy, bản thân sẽ không hối tiếc bởi tôi tin sự cố gắng nào cũng sẽ có quả ngọt”.
Sinh viên LÊ THÙY LINH
Song song với thành tích đạt được, là người trẻ, Linh cũng đối mặt với nhiều áp lực. Linh chọn nghĩ khác đi, học cách cân bằng cuộc sống, tập trung sống và học tập, làm việc có ích.
* Theo bạn, việc người trẻ phấn đấu đạt giải ở các cuộc thi uy tín có phải để khẳng định giá trị bản thân?
- Tôi nghĩ rằng, người trẻ phấn đấu đạt giải ở các cuộc thi uy tín cả trong và ngoài nước là để biết bản thân mình ở đâu, còn thiếu sót những gì, từ đó học hỏi thêm và có động lực cố gắng hơn nữa. Đó là cơ hội để người trẻ cọ xát, hoàn thiện bản thân.
Với tôi, yếu tố cốt lõi là đam mê và sự nỗ lực, cố gắng hết mình. Khi ấy, bản thân sẽ không hối tiếc bởi tôi tin sự cố gắng nào cũng sẽ có “quả ngọt”.
* Người trẻ thường gặp áp lực đồng trang lứa. Bạn đã bao giờ đối mặt với điều này chưa?
- Ngoài việc 12 năm liền là học sinh giỏi, tôi không có thành tích gì thực sự nổi bật. Trong khi đó, rất nhiều bạn đồng trang lứa đạt nhiều học bổng giá trị. Khi ấy, áp lực xuất hiện và trở thành “gợn sóng” trong lòng tôi.
Tuy nhiên, tôi hiểu rằng không thành công nào là ngẫu nhiên. Để có thành tích đáng nể ấy, các bạn phải nỗ lực không ngừng, hy sinh nhiều thú vui. Vậy nên, tôi học cách chuyển hướng suy nghĩ, dần biến áp lực thành động lực. Tôi tập cân bằng cảm xúc, không lún sâu vào những điều tiêu cực… Tôi học được rằng, chỉ khi sức khỏe tinh thần ổn định, chúng ta mới có thể chuyên tâm học tập và làm việc tốt.
* Cảm ơn Linh. Chúc bạn giữ vững đam mê trên hành trình khoa học!
DƯƠNG LINH (Thực hiện)