HLV trưởng đội tuyển kickboxing Việt Nam Trần Ðình Ðô: Càng khó khăn, chiến thắng càng giàu ý nghĩa
Cùng tham gia dẫn dắt đội tuyển kickboxing Việt Nam giành những thành tích ấn tượng ở 3 kỳ SEA Games gần nhất, HLV Trần Đình Đô (Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định) còn chứng minh cái nôi của võ thuật Việt Nam luôn sản sinh ra những nhân vật xuất sắc, đem về nhiều vinh quang cho Tổ quốc.
Xuất thân là võ sĩ, sau đó trở thành HLV võ cổ truyền, võ sư Trần Đình Đô không ngừng học hỏi để tiếp cận những môn võ mới, trong đó có kickboxing. Không chỉ để lại dấu ấn tại các giải võ cổ truyền Việt Nam ở đấu trường quốc gia, quốc tế, ông còn khẳng định mình trong vai trò HLV đội tuyển kickboxing Việt Nam.
* Từng bị gia đình ngăn cản quyết liệt khi quyết định theo nghiệp võ, nếu lùi lại để một lần nữa ở vào thời điểm đó, ông sẽ quyết định thế nào?
- Tôi được tập trung đội tuyển võ cổ truyền Bình Định từ cách đây hơn 20 năm. Hẳn là anh cũng biết thời đó VĐV khổ thế nào, tiền công, chế độ dinh dưỡng rất thấp, chẳng bao giờ dư dả để mua sắm cho gia đình thứ gì, thậm chí còn thâm tiền nhà. Mọi người cũng vì lo cho tương lai của tôi nên mới ngăn cản. Thật lòng mà nói chính tôi cũng có lúc định bỏ nghề, nhưng rồi vẫn ở lại đến hôm nay. May mắn là tôi được quý thầy và các đàn anh dìu dắt, bạn bè chia sẻ để ngày càng vững về chuyên môn và có những đóng góp nhất định cho võ cổ truyền Bình Định và các đội tuyển võ thuật Việt Nam. Tôi yêu võ thuật, đặc biệt là võ cổ truyền nên nếu bày cờ ra chơi lại tôi sẽ vẫn đi theo nghiệp võ thôi!
* Đó có phải là quyết định khó khăn nhất trong sự nghiệp của ông đến thời điểm này?
- Tôi còn có quãng thời gian “đau đầu” khi chọn lựa VĐV hạng cân 48 kg nữ chuẩn bị cho SEA Games 30 năm 2019. Khi đó, Nguyễn Thị Tuyết Mai của An Giang được coi là “độc cô cầu bại” không chỉ ở các giải trong nước mà cả khu vực Đông Nam Á môn muay Thái. Còn Nguyễn Thị Hằng Nga của Bình Định nhiều lần vô địch võ cổ truyền quốc gia. Mỗi VĐV đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng, nhưng tôi quyết định chọn Hằng Nga, dẫu có bị sức ép vì không ít người cho rằng tôi thiên vị “người nhà”. Rất may là Hằng Nga đã thể hiện tốt trong cả 3 kỳ SEA Games, giành 3 HCV. Tôi rất vui vì điều đó và cởi bỏ được rất nhiều áp lực.
* Nhân nhắc đến Hằng Nga, ông đã làm gì để giúp học trò giành chiến thắng trong cả 3 trận chung kết trước nhà vô địch muay Thái thế giới?
- Quả thực, khi xem Dasalla Dacquel Renalyn (Philippines) thi đấu với các đối thủ khác ở vòng ngoài, tôi cảm thấy lo lắng cho Nga. Vì Dasalla Dacquel Renalyn có thể lực tốt, các đòn tay rất uy lực. Không chỉ vậy, SEA Games 30 tổ chức trên quê hương của cô ấy nên có thể có những tác động ngoài chuyên môn ảnh hưởng đến kết quả trận đấu. Do đó, một mặt tôi động viên tinh thần, phần nữa, tôi cố gắng tìm ra điểm yếu của đối thủ để rèn cho Nga các đòn phản công hợp lý, ghi những điểm số quyết định.
Vì thế, khi Hằng Nga được tuyên thắng trận chung kết SEA Games 30, tôi vỡ òa cảm xúc; đó là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp huấn luyện của tôi. Ở 2 lần gặp lại, Hằng Nga đã tự tin hơn rất nhiều, vẫn thực hiện tốt các yêu cầu của tôi đưa ra nên tiếp tục vượt qua đối thủ.
HLV Trần Đình Đô và võ sĩ Nguyễn Thị Hằng Nga trong một buổi tập. Ảnh:NVCC
*Khó khăn nhất trong công tác huấn luyện ở đội tuyển quốc gia là gì, thưa ông?
- Ở đội tuyển quốc gia, chúng tôi được tạo điều kiện khá tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dinh dưỡng… Nhưng cái khó là mỗi hạng cân chỉ có duy nhất 1 VĐV, nên việc tổ chức đấu tập không hề dễ dàng. Vì với VĐV ở hạng cân khác nhau lực ra đòn cũng khác nhau, không khéo sẽ gây ra những chấn thương, ảnh hưởng đến việc chuẩn bị cho các giải đấu. Hơn nữa năng lực tư duy, trình độ mỗi VĐV mỗi khác, nên phải có những cách huấn luyện riêng cho từng VĐV.
Về phần cá nhân, việc thường xuyên phải tập trung cùng đội tại TP Hồ Chí Minh khiến tôi không thể thường xuyên chia sẻ với vợ việc chăm sóc gia đình, 2 con nhỏ. Nhưng vì nhiệm vụ quốc gia thì phải cố gắng hết sức để hoàn thành chứ không thể khác được. Người bạn đời của tôi luôn thấu hiểu, chia sẻ và ủng hộ tôi trong công việc.
* Kể từ khi môn kickboxing được đưa vào chương trình thi đấu chính thức ở SEA Games, ông cùng các học trò đã giành 13 HCV, 4 HCB, 16 HCĐ, ông có hài lòng với những kết quả này?
- Có thể nói, thành công của kickboxing Việt Nam ở đấu trường Đông Nam Á là nhờ lãnh đạo ngành thể thao có tầm nhìn, chiến lược ngay từ khi môn võ này được du nhập vào nước ta năm 2009. Ngay tại Bình Định, chúng ta cũng làm tốt công tác phát triển phong trào, phát hiện và đào tạo nên những VĐV xuất sắc, cung cấp cho đội tuyển quốc gia.
Tuy nhiên, hiện nay ngay ở Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Campuchia…, môn kickboxing đang phát triển rất mạnh. Ngoài ra, một số nước Trung Á, Tây Á - với ưu thế vượt trội về thể hình - như Uzbekistan, Kazakhstan, Iran... cũng đã phát triển rất mạnh môn võ này. Chúng ta đã khẳng định được mình ở sân chơi khu vực, nhưng muốn vươn tầm châu lục phải nỗ lực nhiều hơn.
* Xin cảm ơn ông!
Võ sư Trần Ðình Ðô sinh năm 1977, quê ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước.
Năm 1996, ông được gọi tập trung đội tuyển võ cổ truyền Bình Ðịnh; giành 3 HCV, 2 HCB, 3 HCÐ tại các giải vô địch võ cổ truyền quốc gia.
Từ năm 2006, ông tham gia Ban huấn luyện đội tuyển võ cổ truyền Bình Ðịnh; sau đó được tham gia ban huấn luyện đội tuyển võ cổ truyền Việt Nam tại Ðại hội Thể thao bãi biển châu Á năm 2016.
Tại các kỳ SEA Games 30, 31, ông là thành viên ban huấn luyện đội tuyển kickboxing Việt Nam, phụ trách chuyên môn. Ở SEA Games 32, võ sư Trần Ðình Ðô là HLV trưởng đội tuyển kickboxing Việt Nam.
Tại Giải vô địch kickboxing châu Á năm 2022, HLV Trần Ðình Ðô cùng các học trò giành 2 HCV, 3 HCB, 2 HCÐ (trong đó, 2 võ sĩ Bình Ðịnh là Nguyễn Thị Hằng Nga và Trần Minh Hậu lần lượt giành HCV và HCB).
LÊ CƯỜNG (Thực hiện)