Ðặt mình vào vị trí người dân
Cách đây hơn 8 năm, Hoàng Mỹ Tâm tình nguyện về làm việc tại địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn. Đổi mới đột phá vì dân đã đưa nữ công chức xã trở thành điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023.
Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Đô thị học, Hoàng Mỹ Tâm (SN 1991, quê ở huyện Phù Cát) băn khoăn giữa việc ở lại TP Hồ Chí Minh tìm việc làm hay trở về quê hương. Lúc ấy, chị vô tình biết thông tin Bộ Nội vụ triển khai thực hiện Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 500 trí thức trẻ); Mỹ Tâm cảm thấy cần làm gì đó có ý nghĩa trong quãng đời tuổi trẻ, nên tham dự tuyển chọn và trở thành đội viên Đề án 500 trí thức trẻ, làm việc tại UBND xã An Tân (huyện An Lão) từ tháng 6.2015.
Chị Hoàng Mỹ Tâm (ngồi giữa) cùng cán bộ xã An Tân (đứng) hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản để nộp hồ sơ trực tuyến. Ảnh: C.HIẾU
Đổi mới để phục vụ dân tốt hơn
Công chức Hoàng Mỹ Tâm được phân công thực hiện các nhiệm vụ chính trong lĩnh vực địa chính - môi trường và cải cách hành chính. Chị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
* Trong những năm gần đây, UBND xã An Tân đi đầu trong cải cách hành chính ở huyện An Lão. Theo chị, đâu là yếu tố quan trọng để An Tân đạt thành quả này?
- Trong 2 năm liên tiếp (2021 - 2022), chỉ số cải cách hành chính của UBND xã An Tân đều đứng đầu trong các địa phương của huyện An Lão.
Điều quan trọng nhất chính là vai trò của người đứng đầu. Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã An Tân rất quan tâm đến công tác cải cách hành chính, theo sát chỉ đạo, phát động và khuyến khích cán bộ, công chức tích cực đề xuất các sáng kiến, giải pháp tạo chuyển biến và đột phá trong công tác này.
Đối với tôi, trong quá trình tiếp cận công việc thực tế, bản thân đã không ngừng học tập, trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, tích cực tham mưu lãnh đạo cho triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp mới, với quyết tâm nâng cao chỉ số cải cách hành chính của địa phương.
* Được biết, chị đã có các sáng kiến, đề xuất hướng về người dân. Chị có thể cho biết cụ thể hơn?
- Xã An Tân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, có một thôn là nơi sinh sống của người đồng bào dân tộc H’re. Trong quá trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, tôi nhận thấy phần lớn người dân gặp khó khăn trong việc kê khai biểu mẫu giấy tờ. Người dân cũng mong muốn giảm thời gian chờ đợi.
Từ thực tế đó, tôi tham mưu lãnh đạo triển khai thực hiện mô hình “Ngày thứ Năm không hẹn, không viết”, để cán bộ, công chức hỗ trợ người dân điền thông tin vào các mẫu kê khai, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng người cao tuổi, trình độ học vấn hạn chế... Cùng với đó, 13 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp - hộ tịch đều được tiếp nhận và giải quyết trong ngày làm việc (theo quy định thời hạn giải quyết 2 ngày), trả kết quả ngay cho người dân.
Kết quả thực hiện mô hình từ tháng 3.2022 đến đầu tháng 12.2023 đã phát huy hiệu quả thiết thực, giải quyết hồ sơ kịp thời ngay trong buổi làm việc cho 1.562 trường hợp.
* Còn việc chị đề xuất UBND xã triển khai mô hình Khảo sát mức độ hài lòng của công dân khi thực hiện thủ tục hành chính qua sử dụng ứng dụng quét mã QR code đạt hiệu quả ra sao?
- Mô hình triển khai từ cuối tháng 5.2023 đến nay, cung cấp một nguồn dữ liệu quan trọng, khách quan làm cơ sở để UBND xã đánh giá hiệu quả làm việc của công chức. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những việc người dân chưa hài lòng để phục vụ tốt hơn.
Tôi nghĩ rằng đây cũng là sự cụ thể hóa tinh thần tiếp thu, lắng nghe ý kiến của người dân từ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
* Chưa từng thấy ở nơi khác nên tôi cũng tò mò tại sao nơi giải quyết thủ tục hành chính của xã lại có đặt hũ kẹo nhỏ in dòng chữ “Xin mời dùng trong thời gian chờ đợi”?
- Việc này cũng xuất phát từ ý tưởng của tôi để người dân thấy gần gũi, thoải mái khi đến làm thủ tục. Các đồng nghiệp ở bộ phận Một cửa hay nói đùa với nhau, đây là mô hình hiệu quả, được người dân ủng hộ nhiệt tình nhất, bởi kẹo hết liên tục (cười).
Luôn đặt mình vào vị trí người dân
“Tôi thấy rằng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện qua kết quả cuộc sống, công việc hằng ngày. Như cách làm trong giải quyết thủ tục hành chính, tôi luôn đặt bản thân mình ở vị trí của người dân”.
Chị Hoàng Mỹ Tâm
Từ nhiều đóng góp tích cực, nhất là hiệu quả thiết thực từ mô hình “Ngày thứ Năm không hẹn, không viết”, chị Hoàng Mỹ Tâm được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen cho cá nhân tiêu biểu, điển hình toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023, được biểu dương trong chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2023” tại TP Hà Nội.
* Là công chức xã tại một huyện miền núi vinh dự được tôn vinh điển hình toàn quốc, cảm giác của chị thế nào?
- Tôi ví rằng chuyến đi thủ đô Hà Nội vừa rồi của mình như việc leo lên một đỉnh núi cao, không phải để mọi người nhìn thấy mình, mà là để chính mình nhìn thấy mọi người… Từ đó, bản thân không được phép ngừng nỗ lực.
* Vậy, chị tâm đắc nhất điều gì khi học tập và làm theo Bác Hồ?
- Tôi thấy rằng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện qua kết quả cuộc sống, công việc hằng ngày. Như cách làm trong giải quyết thủ tục hành chính, tôi luôn đặt bản thân mình ở vị trí của người dân.
Nếu người dân chỉ biết công việc đồng áng, nương rẫy thì khó viết tờ khai dễ dàng, khó hiểu hết nhiều quy định và trình tự, nên rất cần được hướng dẫn và hỗ trợ tận tình.
Thấu hiểu và giúp đỡ người dân là trách nhiệm của người công chức như chúng tôi, cũng là sự thể hiện tấm lòng tôn kính, tưởng nhớ và làm theo lời Bác dạy.
* Xin cảm ơn chị. Chúc chị có thêm nhiều sáng kiến, đề xuất thiết thực, hiệu quả vì người dân!
HOÀI THU (Thực hiện)