Trong nỗi nhớ hoa mai...
Sài Gòn, hết mùa mưa, dọn sân thượng trồng rau sạch, bắt gặp cây mai mình bỏ lăn lóc lại ra hoa đầu mùa khô! Hoa không múp như hoa nở đúng mùa xuân ở miền Trung nhưng vẫn vàng rực. trong nỗi nhớ miên man Bỗng nhiên tự thấy mình có lỗi với hoa mai.
Nghĩ về hoa mai, phải nhớ đến Cao Bá Quát (1806 - 1855), người từng có ước mơ trồng cả một rừng mai để người đời sau được ngắm nét đẹp thanh cao của loài hoa này:
Đầu non nắm hạt mai gieo
Giống thanh gửi chốn núi đèo xanh tươi
Nữa mai xuân điểm bầu trời
Bức tranh tuyệt tác cho người xem chung
(Trồng mai - Hoàng Tạo dịch thơ chữ Hán)
Hình như ngày xưa thi nhân thường yêu thích một vài loài hoa, loài cây nào đó. Nguyễn Trãi yêu cây trúc như cốt cách của ông; Nguyễn Du thích hoa trà my đa sắc như thân phận của người phụ nữ đẹp đa đoan; Nguyễn Công Trứ lại thích cây thông... Họ đã cho cuộc đời này một quân tử hoa, quân tử cội với những thi phẩm lay động lòng người.
Quê tôi, huyện Tuy Phước có ngọn núi tên là Huỳnh Mai, tức núi Mai Vàng, cách nhà cha mẹ tôi vài cây số. Từ bé tôi đã biết trên núi này là một rừng mai tự nhiên, không biết ngày xửa ngày xưa có thi nhân nào lên núi “Đầu non nắm hạt mai gieo” như Cao Bá Quát chăng.
Nghe các cụ già nói rằng xưa kia trên núi Huỳnh Mai có rừng mai hàng ngàn gốc, mỗi năm Tết đến người quê tôi lên núi tỉa cành mai về chơi xuân. Nay gần như không còn nữa; Huỳnh Mai mất sạch mai bởi người dân tìm mai rừng đào gốc mang về, lợi dụng sức sống mãnh liệt của mai rừng, các nghệ nhân ghép với mai nhiều cánh hiện nay, để tạo nên những gốc mai có giá trị thương mại cao hơn. Nhưng tên núi còn mà rừng mai thì đã mất, nghĩ lại cứ thấy chống chếnh trong lòng. Nhiều địa phương ở nước ta vẫn còn nhiều mai rừng, như: Gia Lai, Bình Thuận, đảo Nam Du (Kiên Giang)...
Tranh của họa sĩ NGUYỄN TẤN VĨ
Năm kia, trước Tết có dịp đi Pleiku, thấy bà con bán mai rừng đầy phố; về Quy Nhơn cũng thấy có bán mai rừng. Mừng vì bà con biết cắt cành mà không bứng cả cội. Vui vì trên núi rừng (chắc rừng sâu) vẫn còn mai, để mùa xuân còn tỏa sắc khắp núi rừng quê hương.
Trước Tết năm trước, về quê chạp mả ông bà trên núi Huỳnh Mai, tìm cây mai còn sót lại gần nghĩa trang họ ngoại, nhưng rất buồn vì có người đã bứng mất! Rồi cách đây ít lâu cũng trong lần chạp mả, tôi chụp hình cây mai núi hiếm hoi còn sót lại trên núi Huỳnh Mai, mọc trong hốc đá lớn, đưa lên Facebook. Khi đó cháu tôi cảnh báo rằng cậu đưa lên mạng là mất ngay cây mai! Quả đúng vậy! Nhưng tôi vẫn tin rằng trong vô vàn những rễ nguồn chằng chịt trên núi Huỳnh Mai vẫn còn nhiều mạch rễ cây mai, rồi trước sau gì hương sắc ấy, cốt cách ấy cũng trồi lên. Còn không thì xin được học thi nhân Cao Bá Quát, tôi sẽ “đầu non nắm hạt mai gieo”.
Trên núi Huỳnh Mai có mộ của hậu tổ hát bội, thi sĩ Đào Tấn, một người rất yêu hoa mai, bút hiệu của cụ là Mộng Mai. Trước khi mất, cụ dặn con cháu táng trên núi Huỳnh Mai như ông đã viết tại bài thơ nổi tiếng Đề Mai sơn thọ viên: “Nhàn hướng Mai sơn bốc thọ viên/ Thạch đầu cao cứ tiếu vô ngôn/ Mai sơn tha nhật tàng mai cốt/ Ưng hữu mai hoa tác mộng hồn”. (Lên đỉnh non mai tìm đất thọ/ Đứng trên hõm đá lặng im cười/ Non mai rồi gửi xương mai nhé/ Ước mộng hồn ta hóa đóa mai - Mịch Quang dịch)
Cụ Đào có nhiều bài thơ, bài từ về hoa mai bằng chữ Hán rất mộng mị: “Nhi kim biệt xứ mai hoa cửu/ Mai hảo ưng như cựu/ Phong sương quý ngã tiệm thương nhan” (Mà nay xa cách mai lâu lắm/Chắc mai vẫn đẹp như xưa/ Thẹn thay, ta cứ hao gầy theo sương gió). Hoặc: “Bất tất vấn mai hoa - Hàn chi tận mộ nha” (Cần gì hỏi hoa mai/Quạ chiều đã đậu cành cây lạnh)…
Tôi “rất sợ” câu từ “Quạ chiều đã đậu cành cây lạnh”, bởi hình ảnh con quạ đã u ám, mà “đậu cành cây lạnh” nữa thì âm u quá, nhưng đó cũng là tâm tư nặng trĩu của nghệ sĩ họ Đào khi nước nhà đang nghiêng ngả. Cứ thử hát lên theo thể từ đi, bạn sẽ thấy mênh mang nỗi đau thời thế. Đâu cần hỏi hoa mai, Đào Tấn đã thấy trước…
Lên núi Huỳnh Mai, nhẩm thơ Đào Tấn thấy lòng mình thanh thoát lạ kỳ, chỉ muốn về với quê hương, tự trách mình sao cứ để cho áo cơm sai khiến, lưu lạc cả đời người, không dám bắt chước Lý Bạch để “buổi mai xõa tóc thả thuyền rong chơi” trên đầm Thị Nại… Tự cảm thấy “thẹn thay ta cứ gầy theo sương gió” trong khi hoa mai rừng vẫn cứ đẹp như xưa đó thôi, vẫn tinh khiết, mỏng manh, nặng nặng trĩu ký ức, dáng thế tự nhiên như đất trời muôn thuở!
LƯU NHI DŨ