Điều kỳ diệu từ giáo sư Michio Umegaki
Hơn 10 năm qua, GS Michio Umegaki (Trường ĐH Keio, Nhật Bản) đều đặn về Việt Nam hai lần mỗi năm (trừ những năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19), để thăm trẻ khuyết tật ở các lớp Ước mơ tại huyện Phù Cát, Bình Định. Sự xuất hiện của ông, với trẻ và người nhà các em từ lâu đã là điều kỳ diệu.
Giáo sư Michio Umegaki từ rất lâu đã ấp ủ ước muốn giúp trẻ khuyết tật, trẻ bị nhiễm chất độc da cam hòa nhập cộng đồng. Trước khi phối hợp với Hội CTĐ tỉnh Bình Định khởi động Dự án hỗ trợ giao tiếp cho trẻ em khuyết tật, bị nhiễm chất độc da cam tại huyện Phù Cát vào năm 2012, ông đã về Việt Nam nhiều năm trước đó để nghiên cứu, tìm hiểu phương thức hỗ trợ phù hợp. Lớp học mang tên “Ước mơ” được GS Michio Umegaki cam kết hỗ trợ 50 triệu đồng/năm/lớp không chỉ đáp ứng khát khao được đến trường, đến lớp, học tập và vui chơi của trẻ bị thiệt thòi mà còn “mang lại cho tôi niềm hạnh phúc” như cách chia sẻ của chính ông, vị giáo sư đáng kính đến từ xứ sở Mặt trời mọc.
GS Michio Umegaki chụp ảnh cùng học sinh lớp Ước mơ ở xã Cát Thành. Ảnh: N.T
*Từ tháng 9.2023, giai đoạn 4 của Dự án (2023 - 2025) có hiệu lực, giáo sư mong muốn gì trong giai đoạn này?
- Từ 1 lớp Ước mơ ở giai đoạn 1 (2012 - 2016), đến nay Dự án đã tăng lên 4 lớp với hơn 90 trẻ khuyết tật. Dự án giúp hàng trăm trẻ em khuyết tật, bị nhiễm chất độc da cam không có khả năng đến trường học tập như những trẻ em khác, trở nên mạnh dạn trong giao tiếp, ứng xử, có kỹ năng sống, có sức khỏe để tái hòa nhập cộng đồng.
Tôi mong muốn giai đoạn mới có thêm nhiều lớp Ước mơ nữa, ở các xã khác nhau của huyện Phù Cát. Các lớp Ước mơ được quan tâm hơn nữa, thu hút sự chung tay chăm lo nhiều hơn nữa của cộng đồng, xã hội. Vì khi mình nhìn vào một trẻ khuyết tật, đó không đơn thuần về vấn đề y tế, không chỉ là chuyện bệnh tật mà còn là vấn đề xã hội, do có liên quan đến việc hòa nhập.
Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất, quyết định sự thành công của các lớp Ước mơ chính là lực lượng tình nguyện viên trong vai trò thầy cô giáo đứng lớp dạy các em. Vậy nên, cùng với việc hỗ trợ trẻ khuyết tật thì bằng một cách nào đó, tôi cho rằng nên động viên, hỗ trợ tình nguyện viên là những thầy cô giáo đứng lớp Ước mơ.
Cuối năm 2023, GS Michio Umegaki cùng một số cộng sự đã về thăm, nắm tình hình hoạt động của 4 lớp Ước mơ đặt trên địa bàn các xã: Cát Trinh, Cát Thành, Cát Minh và Cát Hanh của huyện Phù Cát.
* Lần trở lại này, ông thấy học sinh lớp Ước mơ có gì khác không, thưa giáo sư?
- Sau gần 6 tháng gặp lại, tôi thấy em nào cũng cao, khỏe lên. Về tính cách, dù nhìn bề ngoài, đa số vẫn còn rất trẻ con nhưng tôi đã nhìn ra khá nhiều sự thay đổi ở nhiều em, dù rất nhỏ. Dễ nhìn thấy nhất là nhiều em đã biết để ý đến xung quanh và khi tham gia trò chơi, biết rủ bạn chơi cùng. Cũng những em ấy, trước đây, chỉ biết chạy lung tung, chơi một mình thôi.
* Được biết, lần này, giáo sư và cộng sự mang theo những phương pháp hỗ trợ mới?
- Bên cạnh sự chăm sóc của cha mẹ trẻ như lâu nay, tôi và cộng sự muốn phát huy vai trò hỗ trợ của anh chị em ruột thịt trong gia đình của trẻ khuyết tật. Tôi tin rằng, gia đình là môi trường xã hội đầu tiên, giữ vai trò rất quan trọng trong việc định hình quá trình trưởng thành của một trẻ khuyết tật. Nếu người anh, chị hoặc người em khỏe mạnh trong nhà có kiến thức, kỹ năng, biết cách ứng xử phù hợp và hỗ trợ hiệu quả thì tôi tin trẻ khuyết tật sẽ còn hòa nhập xã hội nhanh và tốt hơn nữa.
GS Michio Umegaki chia sẻ, khi còn là sinh viên của Trường ĐH Keio (từ năm 1965 - 1969), ông đã tham gia phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở Tokyo vì thấy những gì đang diễn ra ở Việt Nam lúc đó rất bất công với người dân.
* Thưa giáo sư, có phải vì vậy mà …
- Có một chi tiết rất nhỏ nhưng đã gieo mầm duyên trong lòng tôi về Việt Nam. Thời kỳ đó, tôi rất thích một bài hát bằng tiếng Nhật về TP Huế của Việt Nam. Sau đó, tôi phát hiện người Pháp gọi từ Huế không chuẩn (có lẽ do cách phát âm lơ lớ của người châu Âu). Dù biết vậy nhưng tôi vẫn có cảm giác thật không công bằng khi người Pháp không nói chính xác tên một thành phố của Việt Nam như vậy. Cộng lại nhiều điều tương tự thế, nên khi có thể làm điều gì đó tốt cho những con người đang chịu thiệt thòi, tôi đã nghĩ ngay đến Việt Nam.
Thời gian tham gia một dự án liên quan đến chất độc da cam, tôi quen và được một giáo sư ở Bệnh viện ĐH Y Hà Nội giới thiệu về huyện Phù Cát, ông ấy đang có một nghiên cứu ở đây. Quá trình làm nghiên cứu ở Phù Cát, biết hoàn cảnh, tâm tư người dân bị khuyết tật, bị nhiễm chất độc da cam, tôi rất chạnh lòng và chủ động tìm cách chia sẻ với họ.
GS Michio Umegaki thân thiết chuyện trò, thăm hỏi từng học sinh của lớp Ước mơ ở xã Cát Minh. Ảnh: N.T
* Thưa, giáo sư rất hay dùng từ “về” chứ không phải là “đến”, “tới”. Xin hỏi, ông sẽ…
- Vâng, đúng như thế! Tôi hiểu ý bạn. Sau 10 năm gắn bó, nơi này chiếm một phần trí nhớ, cuộc sống của tôi, giữ một khoảng cố định trong lịch thời gian của tôi. Chừng nào tôi còn sống thì tôi sẽ còn quay lại. Chừng nào tôi còn sức khỏe tôi sẽ còn quay lại!
*Xin cảm ơn giáo sư. Kính chúc giáo sư thật nhiều sức khỏe!
NGỌC TÚ (Thực hiện)