Du ký miền đất Võ
Ngày nay, du lịch Bình Định đã tương đối phong phú, hấp dẫn với du lịch biển; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch tâm linh; du lịch khoa học... Nhưng về thăm miền đất võ, với khách văn chương, có lẽ không gì thay thế được cây me, giếng nước trong khu vườn tuổi thơ Tây Sơn Tam kiệt, thành Đồ Bàn - thành Hoàng Đế, không gian tháp cổ Champa, không gian thơ Bàn Thành Tứ hữu bao trùm từ An Nhơn đến Quy Nhơn... Không phải tới bây giờ và tự nhiên mà Quy Nhơn - Bình Định có sức hấp dẫn đặc biệt riêng có như vậy.
Lướt qua từ thời trung đại, chúng ta có thể ghi nhận câu thơ của Lê Thánh Tông trong tác phẩm Chinh Tây kỷ hành - “Thi Nại thành trung túng bộ binh” là câu thơ có lẽ sớm nhất viết về Bình Định với tư cách lãnh thổ của Đại Việt (1471).
Đến thế kỷ XVII, vào năm 1618 những dòng tường trình của vị thừa sai dòng Tên Christophoro Borri vào Đàng Trong hoạt động truyền giáo tại Nước Mặn cùng hai nhà truyền giáo Buzomi và Pina, mà ngày nay chúng ta được biết qua bản dịch Xứ Đàng Trong năm 1621, có nhiều trang viết quý giá và sinh động về đất và người Bình Định thời kỳ này.
Đề Gi. Ảnh: NGUYỄN PHƯỚC HOÀI
Thời kỳ văn học Tây Sơn, ta biết được những câu thơ của Phan Huy Ích: “Quy Nhơn thang mộc địa/ Khu hoãn ỷ khôi thạc (…) Thi Nại đào hùng dũng/ Cù Mông vân lạc mạc/ Huyền hồ thù sơn chí/ Ma nhai lặc giai tác” (Dịch nghĩa: Quy Nhơn là ấp thang mộc/ Cũng là nơi then chốt cần bậc anh tài/… Cửa bể Thị Nại sóng cuồn cuộn/ Đỉnh núi Cù Mông mây man mác/ Chí bốn phương nay được thỏa nguyền/ Mài vách núi khắc câu thơ đẹp).
Thi hào Nguyễn Du khi tâm sự với người anh là Nguyễn Đề, đang làm quan cho nhà Tây Sơn, giữ chức Hiệp tán nhung vụ tại thành Quy Nhơn, có viết: "Lục Tháp thành Nam hệ nhất quan/ (…) Hải Vân dạ độ thạch toàn ngoan/ Hải thiên mang diểu thiên dư lý/ Thần phách tương cầu mộng diệc nan!” (Chức quan buộc chân anh ở phía nam thành Lục Tháp/ Đi vào đó ban đêm phải vượt đèo Hải Vân, đá lởm chởm… Trời bể mênh mang, đường xa nghìn dặm/ Hồn phách tìm nhau trong giấc mộng cũng thấy khó khăn).
Thời Minh Mạng, khi viết Hải trình chí lược, Phan Huy Chú ghi chép về các cửa biển trên hành trình ông đi từ kinh đô qua Indonesia, phần viết về Bình Định ông có đề cập khá chi tiết về cửa Thời Phú (An Dũ), Đề Gi, sự tích Vọng Phu và đầm Thị Nại.
Sang thế kỷ XX, trên tạp chí Nam Phong số 116, tháng 4.1927, có bài ký Chơi Bàn Thành và đền Hiển Trung của Trần Quang Hoàng, mô tả kỹ địa thế thành tháp núi sông vùng thành Đồ Bàn, nhìn ra đến núi Cù Mông và đầm Thị Nại.
Đến số 129, tháng 5.1928 tạp chí Nam Phong lại có bài Lược ký đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn của tác giả Mẫu Sơn Mục N.X.H: “Tỉnh này nghề võ và nghề hát tuồng có tiếng, chắc cũng là cái di phong thượng võ hào hiệp của nhà Tây Sơn còn lại chăng? Tôi tiếc không được đến thăm miếu Tây Sơn. Quy Nhơn là một cái thành phố ở bờ bể. Sau lưng và ở giữa bể đằng trước mặt đều có núi, phong cảnh cũng đẹp; phố xá buôn bán cũng vui, có nhiều hiệu khách to, họ thu yến sào và vây cá”.
Trên tờ Phụ nữ Tân văn, số 73, ra ngày 2.10.1930, Đào Hùng có bài Thăm cửa biển Thị Nại, lên núi Hoành Sơn, viếng mộ Tây Sơn: “Ngắm xem địa thế, rồi mới tính vào xem lăng. Phía ngoài chỉ là một cụm cây rậm rạp, bề dài chừng 15 thước, bề ngang chừng 5 thước. Chạy quanh một lượt không thấy lối vào, chúng tôi mới bảo toán binh tiền phong mở lối đi. Chúng đều lắc đầu lè lưỡi mà nói rằng từ xưa tới giờ, không ai dám bẻ một cái lá, chặt một nhánh cây mà chui vào, vì chốn đó linh thiêng lắm. Biết rằng không phá nổi cái dị đoan tín ngưỡng của họ, nên tôi bảo cho mượn cái rựa lớn để vạch lối đi vào trong. Vén lá bẻ nhành một lúc mới mở được cái lối nhỏ, con chó chui vừa, thế là cúi xuống bò lần vào, lấy đầu đi trước vì có nón che; càng vào càng thấy gai góc nhiều, mắc chặt lấy áo quần, cắt đứt chân tay mặt mũi, song muốn vào cho biết nên cứ bò đi. Vào trong chẳng thấy chi, lấy dao bươi đất lên thì mới ló ra hai miếng đá hình chữ nhựt lớn bằng cái mặt bàn, đặt nối đầu vào nhau, đó là hai ngôi mộ của song thân Tây Sơn đó. Mở máy chụp hình ra chụp, chỉ thấy rõ được mấy cây gai. Thế rồi lại theo đường cũ chui ra”.
Bước chân lãng du mà khách văn chương để tâm nhiều nhất là Tản Đà, ông có thuật lại trong Giấc mộng lớn: “Nghề hát tuồng, nghe nói Bình Định là hay nhất. Tôi có qua Phú Phong, tôi đi xem hát tuồng, có tiền thưởng cho bọn con hát, kể cũng phong thể”… “Buổi sáng ngày mồng 9 tháng 2, đi chơi Chinh Tường, là xem mả phát tích nhà Tây Sơn cách đấy ít nhiều cây số, hiện nay quan quách đều đã bị quật bỏ, mà con bò ngó tới cũng phải chết, các tổng lý làng gần đi qua không xuống ngựa, tính mạng thiệt thòi. Lạ thay…”.
Nhìn chung, từ thời sơ khai, chúng ta thấy các cửa biển xứ sở này hiện ra trước tiên, bởi đường thủy thuận lợi nhất cho hầu hết từ phương xa đến và nó đẹp đến làm cho tâm hồn văn chương dâng trào, thơ ca lai láng. Chả thế mà khi nghe câu ca dao “đinh” của Bình Định: Bình Định có núi Vọng Phu/ Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh/ Có Cân, có Cỏ, có Gành/ Trời mây bốn mặt, có mình ở trong, chúng ta thấy tư thế của dân gian khi khởi hát lên câu này, như thể là đi trên ghe thuyền, từ biển nhìn vào đất liền. Đến ba bốn thập kỷ đầu thế kỷ XX, một số du ký cho ta biết nơi phát tích của Tây Sơn Tam kiệt và thành Đồ Bàn - thành Hoàng Đế có sức thu hút bước chân người chữ nghĩa. Đây là thời nhà Nguyễn, nên các di tích Tây Sơn còn trong vòng cương tỏa, chả thế mà vị trích tiên Tản Đà lừng lẫy đương thời cũng đã bị nhà đương cục cho người theo dõi!
Bây giờ thì đương nhiên hệ thống di tích Tây Sơn đã có nhiều thiết chế để hỏi lại khách văn chương phương xa có đủ thời gian để chiêm quan hay không, tuy nhiên, khu vực thành Đồ Bàn - thành Hoàng Đế kết nối với hành trình không gian đền tháp Champa có lẽ cần kế hoạch đáp ứng những gì mà du khách trong nhiều thế kỷ đã quan tâm. Bên cạnh đó là không gian thơ vấn vít, tiêu biểu nhất là khung trời Bàn Thành Tứ hữu, một hiện tượng văn hóa đặc sắc mà xứ sở này có được, nó gắn liền với mây trời đền tháp lầu chuông, gắn liền với biển xanh cát trắng mà cần có một thiết chế văn hóa mở mang tên, làm địa chỉ cho học sinh, sinh viên dã ngoại và cho du khách, đặc biệt khách văn chương hành hương, du ký.
NGUYỄN THANH MỪNG