Nét xuân trên điêu khắc Champa Bình Ðịnh
Nghệ thuật điêu khắc Champa là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Trên vùng đất từng 5 thế kỷ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Champa, Vijaya - Bình Định ngày nay, người Chăm đã tạo tác, để lại nhiều di sản kiến trúc, điêu khắc phong phú và độc đáo.
Nghệ thuật điêu khắc Champa gắn liền với những công trình kiến trúc. Những tác phẩm điêu khắc phục vụ cho các chức năng của mỗi công trình kiến trúc, hoặc là các tượng thờ, phù điêu, các trang trí... phổ biến dạng phù điêu nổi; tượng tròn chiếm tỷ lệ ít hơn.
Tháp Bánh Ít. Ảnh: TRẦN QUỐC TOÀN
Tác phẩm điêu khắc Champa còn lại đến nay không nhiều, một số ít vẫn còn gắn với các công trình kiến trúc, một số lưu giữ trong các bảo tàng trong và ngoài nước, một số không ít còn vùi lấp trong những phế tích, di tích, tập trung nhiều nhất là địa bàn Bình Định, bởi lẽ ở phong cách Bình Định, hệ thống tượng đá, phù điêu đá được đưa vào các công trình kiến trúc đền tháp Champa nhiều nhất. Đặc biệt là “kho” tượng tròn tháp Mẫm, hàng trăm tác phẩm phù điêu trang trí bằng đá bốn mặt tháp, góc tháp từ chân tháp tiếp nối lên đến tận đỉnh tháp của ba tháp Dương Long. Những gì còn lại, cho thấy sự phong phú, đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc Champa phong cách Bình Định nói riêng và nghệ thuật điêu khắc Champa nói chung.
Phù điêu nữ thần Sarasvati, hiện vật đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2020. Ảnh: B. PHÙNG
Phong cách Bình Định, một mặt kế thừa truyền thống của điêu khắc Champa trước đó, nhưng trong chừng mực nhất định còn chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Khmer và tiếp thu nghệ thuật Đại Việt thời Lý - Trần. Và có thể nói nhờ đó vừa giữ được giá trị truyền thống Champa, vừa có sự đa dạng, phong phú khi dung nạp đường nét từ những nền văn hóa khác. Phong cách Bình Định giữ một vị trí đáng kể khi lựa chọn những yếu tố phong cách Đồng Dương và Trà Kiệu để có thể hòa điệu tạo nên một xu hướng hiện thực huyền ảo, tính hoành tráng, cái đẹp của những kết cấu mảng trong kiến trúc và khối trong tạo hình điêu khắc.
Theo GS Cao Xuân Phổ, phong cách điêu khắc Champa Bình Định đã thể hiện khá rõ nét một đặc trưng văn hóa quan trọng ở Đông Nam Á là “thống nhất trong đa dạng”. Thống nhất trong chủ đề được thể hiện, đa dạng trong cách thể hiện chủ đề. Tuy rất đa dạng về chủ đề và kỹ thuật, nhưng phong cách Bình Định điêu khắc tạo tượng người có sự thống nhất trong một phong cách, tượng động vật phong phú nhưng vẫn toát lên một nét chung: Xu hướng hoang đường hóa.
Trong phong cách Bình Định, đáng lưu ý là mô típ chạm khắc các bầu vú. Có lẽ đây là nét độc đáo duy nhất trong các nền nghệ thuật Đông Nam Á, một sáng tạo kỳ diệu của văn hóa Champa giai đoạn Vijaya. Một dải 23 bầu vú mịn màng, căng tròn hoặc 40 bầu vú khác bó xiết lấy bốn cạnh của bệ tượng (tháp Mẫm), hàng trăm bầu vú tròn đều tạc vòng quanh bó chân tháp (tháp giữa Dương Long)... Tất cả đều vô cùng gợi cảm và dẫu có phần táo bạo, khiến người xem ngỡ ngàng. Song cái kỳ thú ở đây là kiểu thức trang trí kia không gợi lên một ý niệm sắc dục, mà chỉ là sự sống, một niềm khát khao mãnh liệt cuộc sống, thật lung linh, huyền diệu. Thật vậy, những bầu vú tượng trưng cho nữ thần Urôga, vị thần đã sinh tạo ra vương quốc Champa (Urôga: tiếng Chăm có nghĩa là vú đàn bà). Rất dễ tìm thấy những dòng nhựa sống, những nét xuân tinh khôi, trong vắt như thế trong điêu khắc Champa, hay chính xác hơn là điêu khắc Champa - phong cách Bình Định.
Một nét xuân khác đánh dấu phong cách Bình Định là các Linga - Yoni. Linga thường đi với Yoni, và là biểu tượng cho thần Shiva cũng như sự phồn thực. Trong phong cách Bình Định, Linga và Yoni được thể hiện khá chân thực (Linga tháp Bình Lâm, Yoni tháp Dương Long...).
Linga - Yoni, biểu tượng của Shiva trong tam vị nhất thể (Brahma, Vishnu, Shiva) được thờ phụng thành kính và trang trọng trong nghệ thuật tín ngưỡng Champa. Sự sáng tạo những mô típ bầu vú đàn bà và các Linga - Yoni trong phong cách Bình Định, văn hóa Champa đã thật sự trở về cội nguồn sự sống của một tư duy dân dã, nét hiện thực huyền ảo ở đây, chính là sự khát khao mãnh liệt cuộc sống đời thường, cũng như trong nghi lễ thiêng liêng của người Champa.
Phong cách Bình Định nổi bật ở tính hoành tráng, tính trang trí và tính cách điệu. Theo J. Boisselier, “phong cách Tháp Mẫm đại diện một cách khá phong phú, rất độc đáo... là phong cách cuối cùng lớn nhất của nước Champa...”. PGS Ngô Văn Doanh đã ví phong cách Bình Định như “những tia sáng rực rỡ lóe lên trong buổi chiều tà của nền nghệ thuật Champa”.
Thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh giới thiệu với các em học sinh về phù điêu nữ thần Mahishasuramardini, hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2015. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Trong gần 5 thế kỷ giữ vai trò là nơi định đô, người Chăm đã để lại vùng đất Bình Định ngày nay khối di sản văn hóa khá nguyên vẹn, phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình (3 thành, 8 cụm với 14 tháp, 6 khu lò gốm cổ). Đặc biệt là một số lượng lớn tác phẩm điêu khắc nghệ thuật chất liệu đá và đất nung đang được Bảo tàng tỉnh lưu giữ bảo quản.
Số lượng hiện vật văn hóa Champa mà Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, đủ nhiều, đủ phong phú và quý giá để đáp ứng cho việc xây dựng Bảo tàng Champa Bình Định. Trước đây, đã từng có ý tưởng đề xuất xây dựng Bảo tàng Champa Bình Định tại di tích Tháp Đôi hoặc tại thành Đồ Bàn... nhưng chưa thực hiện. Hiện nay, tỉnh Bình Định đang triển khai xây dựng bảo tàng mới, nên chăng xây dựng bảo tàng “hai trong một”, vừa Bảo tàng tổng hợp, vừa Bảo tàng Champa Bình Định, dành cho văn hóa Champa Bình Định một không gian đủ để phát huy hết giá trị vốn có, một đặc trưng vùng miền tạo điểm nhấn cho Bảo tàng, thu hút du khách! Hy vọng rằng điều này sẽ sớm thành hiện thực.
NGUYỄN THANH QUANG