…Bên thềm biển xưa
Bình Định có núi Vọng Phu
Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh
Có Cân, có Cỏ, có Gành
Trời mây bốn mặt có mình ở trong.
Chủ thể của những câu ca dao này hẳn là một ngư dân. Vào một ngày nắng đẹp nào đó của thì quá khứ, những lời ca này đã cất lên từ môi anh, khi anh đứng ở mũi thuyền thả mắt nhìn khắp tư bề quê hương thân thuộc. Núi cao, đầm rộng, đảo lớn, đảo nhỏ được điểm danh không chút màu mè, với điệp từ “có” đi kèm phía trước, kiểu như người ta hồn nhiên khoe từng thứ “của nhà trồng được”. Đặc biệt, câu cuối vượt hẳn lên, tạc nên một dáng vóc, một tâm thế chủ nhân phơi phới hiên ngang: Trời mây bốn mặt có mình ở trong.
Bài ca dao trên có lẽ xuất hiện vào thế kỷ XIX, sau khi địa danh Bình Định được xác lập trong hệ thống hành chính triều Nguyễn và đã phổ biến trong giao lưu xã hội. Chỉ khi ký ức binh đao đã lắng, thanh bình đã mở, người dân mới yên lòng cày cấy, ra khơi vào lộng, lòng có an vui thì nhịp điệu mới thênh thênh như thế.
Nhưng, không phải đến thế kỷ XIX người Bình Định mới tiếp cận với biển. Những đợt di dân lớn thời Lê (thế kỷ XV) và thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (thế kỷ XVI - XVII), các luồng di dân quy tụ về đây từ nhiều ngả, cả đường bộ và đường thủy - bao gồm tuyến biển và tuyến sông. Ngoài ra, còn phải tính đến bộ phận dân cư bản địa đã sống rất lâu đời ở đây, vốn rất thạo nghề đóng thuyền, đi biển.
Nhờ việc đẩy mạnh chủ trương di dân, khai hoang, lập ấp của các chúa Nguyễn, nhiều làng mạc hình thành và được nhập chung vào xứ Quảng Nam, trong đó Quy Nhơn, tên mới của Hoài Nhân, là một phủ. Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn ghi rõ: “Đất thực trưng canh tác của riêng phủ Quy Nhơn là 72.600 mẫu 5 sào, 12 thước 8 tấc 5 phân, gần bằng nửa số ruộng của toàn xứ Thuận Hóa: 153.181 mẫu 1 sào 5 thước 3 tấc”. Theo quan sát và ghi nhận của Cristophoro Borri, một giáo sĩ người Ý có thời gian khá dài sinh sống ở Đàng Trong, chủ yếu là Hội An và Quy Nhơn (1618 - 1721) thì vùng Quy Nhơn “nhờ lụt nên đất đai màu mỡ, mỗi năm người ta gặt 3 vụ lúa, với sự sung túc do nghề nông mang lại đã cho dân chúng cuộc sống no đủ”. Song cách nhìn này chỉ dừng trên bề mặt, tức là căn cứ vào sản lượng thóc và đầu người, còn những diễn biến sâu xa trong lòng xã hội Việt Đàng Trong, Borri chưa thể thấy được. Giai cấp thống trị phong kiến đua nhau chiếm đoạt và tập trung sở hữu ruộng đất. Tình hình càng tệ khi “thiên tai liên tiếp xảy ra, có bão và lụt lớn, dẫn đến thường xuyên mất mùa, đói kém trong dân” (Phan Huy Lê, Lịch sử Việt Nam 1406 - 1858).
Bình Định đang phấn đấu trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Thiền sư Trung Hoa Thích Đại Sán từng đến Đàng Trong năm 1695, theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu. Trên đường đi, ông tìm hiểu tình hình hạn hán và lụt lội khắc nghiệt nơi đây, ghi nhận đất đai phì nhiêu nhưng “kiếm đủ cơm ăn không phải là chuyện dễ”. Được chúa Nguyễn tiếp đón nồng hậu, ông hứa sẽ cầu nguyện “phong điều vũ thuận, quốc thái dân an” để báo đáp lòng tin cậy của quốc vương. Ngày tiễn ông về nước, Nguyễn Phúc Chu cũng nhắc lại ý đó: “Từ ngày lão hòa thượng đến đây, trong nước mang ơn được phong điều vũ thuận, quốc thái dân an; vả lại các năm trước, thuyền ngoại dương đến buôn, một năm chừng sáu, bảy chiếc, năm nay số thuyền lên đến mười sáu, mười bảy chiếc, trong nước nhờ đó tiêu dùng được dư dật” (Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự).
Câu chuyện thú vị ở chỗ sư nghĩ đến mưa thuận gió hòa cho nông nghiệp, còn chúa thì mong tàu buôn đi lại thuận buồm xuôi gió. Trong con mắt của chúa, tức nhà cầm quyền, số tàu hay thuyền đến Đàng Trong được xem như là thước đo năm tốt, năm xấu chứ không phải là sự được, mất của mùa màng. Rõ ràng là nông nghiệp phát triển nhưng thành quả của nông nghiệp không phải là nét nổi bật nhất của Đàng Trong giai đoạn này. Cái mang lại sự phồn thịnh cho Đàng Trong là ngoại thương, do đó ngoại thương rất được coi trọng.
Trong thực tế, kinh tế hàng hóa đã từng bước trở thành nét chủ đạo của kinh tế Đàng Trong thế kỷ XVII, với sự phát triển khá thuận lợi về giao thông đường bộ và đường thủy. Góp mặt vào thương trường Đàng Trong, phủ Quy Nhơn hội đủ điều kiện thuận lợi về giao thông và giàu có về tài nguyên. Có đến hai con đường bộ đi qua phủ Quy Nhơn là thượng đạo và hạ đạo. Thượng đạo ở phía Tây mất 6 ngày đi bộ. Hạ đạo ở phía Đông, chạy tuyến Bắc - Nam, dọc theo đồng bằng làng xã, đi bộ mất 5 ngày rưỡi. Các đường ấy dùng ngựa thì nhanh hơn, mà ở phủ Quy Nhơn: “Ngựa sinh ra ở trong hang núi, có từng đàn đến trăm nghìn con. Người thổ trước đi chợ, cưỡi ngựa là thường” (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí).
Mặt khác, với địa hình nhiều sông và nhiều cửa khẩu, đầm phá phân bố trên hơn 100 km bờ biển, đường thủy của phủ Quy Nhơn cũng rất phát triển. Có lẽ do vậy mà phủ Quy Nhơn có số thuyền cao nhất so với các phủ khác của Đàng Trong. Lê Quý Đôn cho biết, năm 1768, nhà Nguyễn huy động phương tiện chở thóc gạo ra Thuận Hóa, 12 phủ từ Triệu Phong vào Gia Định cung cấp 447 chiếc thuyền, thì riêng phủ Quy Nhơn đã góp 93 chiếc. Xét về nguồn hàng hóa, phủ Quy Nhơn là một vùng đất nhiều lâm, thổ, hải sản có giá trị kinh tế: Trầm hương, gỗ ó, gỗ hương, mật ong, xà cừ, cá khô, yến sào (Phủ biên tạp lục).
Không phải ngẫu nhiên mà phủ Quy Nhơn được nhiều sử gia nhắc đến như một vùng trọng yếu của kinh tế Đàng Trong. Người dân xứ Quảng Nam, nhất là vùng Quy Nhơn, chịu áp lực rất lớn về nhân lực, vật lực do chiến tranh đòi hỏi, từ cung ứng binh lính đến đóng thuế và thóc. Nhà Nguyễn đã “gia tăng yêu sách đối với một số vùng quan trọng của Đàng Trong cũ, ... đặc biệt là vùng Quy Nhơn” không chỉ để đối phó với chúa Trịnh, mà còn để giải quyết các vấn đề nảy sinh từ việc mở rộng quyền hành quá xa về phía Nam (Li Tana, Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII).
Vượt qua nhiều áp lực và với năng lực nội sinh, phủ Quy Nhơn (Bình Định xưa) đã tự cân bằng. Tiếp nhận ân huệ của thiên nhiên, giữa núi và biển, những con đường sống đã mở ra, theo nhu cầu của con người. Ai về nhắn với nậu nguồn/ Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên, hình thức thông tin, đặt hàng giữa miền núi và miền biển đã bắt đầu như vậy. Gắn với thương nghiệp, tầng lớp thương nhân ở phủ Quy Nhơn hình thành, cùng nông dân và ngư dân góp phần cải biến cơ bản bộ mặt kinh tế của vùng đất. Xung quanh mỗi người dân là gia đình, cộng đồng, chợ quán và các mối giao thương, trao đổi hàng hóa, đan dệt thành các quan hệ xã hội khá rộng, khá đa dạng.
Chỉ riêng nhìn vào văn hóa dân gian, chúng ta cũng nhận thấy yếu tố biển chiếm một phần không nhỏ trong thế giới tinh thần của người Bình Định xưa. Từ lễ hội cầu ngư đến ca dao, tục ngữ, đều lung linh biển cả. Tình mẹ con thiêng liêng được diễn đạt một cách giản dị: Cơm với cá như má với con. Còn đây là tâm trạng một người trai xứ biển nhớ người yêu cũ đã lấy chồng: Nước chảy re re con cá he nó đi xe phụng/ Anh xa em rồi trong bụng còn thương. Dòng tiếc nhớ âm thầm dai dẳng, đâu cứ phải vỡ thuyền, nứt đá mới là đau.
Trường hợp khác, người trai biển phải lòng một cô gái đồng bằng nhưng nàng lại muốn vào chùa. Trước cảnh ngộ éo le, chàng đành mượn cách nói bóng gió bày tỏ lòng mình, và các loài cá của sông nước biển khơi được huy động để giải hộ con người ẩn ngữ tâm hồn: Ai làm cá bống đi tu/ Cá thu nó khóc, cá lóc nó rầu/ Lụy rơi hột hột, cơ cầu lắm… bớ em. Những phiếm chỉ vừa kín đáo vừa thiết tha như vậy chưa chắc lay chuyển nổi ai đó vô tình, nhưng sự chân thành của nó lại làm xốn xang bao thế hệ.
Đó là ngôn ngữ dâng hiến của tình yêu, còn ngôn ngữ kẻ chợ thì sòng phẳng, nhiều khi đáo để vô cùng: Buổi chợ đông con cá hồng anh chê lạt/ Buổi chợ tan rồi con tép bạc cũng phải mua. Ngay cả chuyện bông đùa cũng săm sắm vị đồng vị biển: Cá nục nấu với dưa hồng/ Lờ lờ có kẻ mất chồng như chơi.
Phía sau tôm cá là nỗi người, phận người. Phía sau các nhân vật ẩn hiện là tấm phông xã hội. Những phẩm vật của biển, của sông, của núi non, vườn ruộng, thậm chí là phương tiện của quý tộc thị thành sánh vai nhau hết sức tự nhiên, không gượng ép. Hàm lượng thông tin ấy cho thấy các giá trị của núi rừng, ruộng đồng, biển giã bình đẳng bước vào đời sống tinh thần của người Bình Định xưa. Đó là hệ quả của một nền kinh tế nông nghiệp sớm mở rộng biên độ về phía biển, tạo tiền đề cho ngoại thương phát triển.
Và, đó cũng là thông điệp quan trọng người Bình Định xưa gửi đến con cháu muôn sau trước thềm biển rộng: Trời mây bốn mặt có mình ở trong.
TRẦN THỊ HUYỀN TRANG