Tam Quan, nhìn từ Sa Huỳnh
Tam Quan không chỉ nổi tiếng với câu ca dao “Công đâu công uổng công thừa/ Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan” mà vùng đất ấy còn mê hoặc ta bằng những trầm tích văn hóa của mình. Nhìn từ Sa Huỳnh, Tam Quan sẽ hiện lên nhiều nét tương đồng với mảnh đất đã đi qua chiều dài ngót 3.000 năm lịch sử này.
Ở hai vùng đất
Buổi sáng loanh quanh ở cảng cá Sa Huỳnh (TX Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), nghe lao xao những âm thanh quen thuộc qua lời thăm hỏi nhau của các chị em mua bán hải sản. Rất khó để phân biệt đâu là giọng nói của chị Tam Quan (TX Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) còn đâu là giọng nói của chị Sa Huỳnh. Hình như có một mối lương duyên nào đó tự ngàn xưa đã kết nối hai vùng đất ấy với nhau dù hai địa danh này không cùng một tỉnh. Lạ thế!
Nói “lạ” là bởi, thường thì khi phân chia địa giới hành chính giữa các tỉnh với nhau, bao giờ người ta cũng dựa vào ngữ âm của cư dân trong vùng cùng với đặc điểm về địa hình, địa lý. Chẳng hạn như Quảng Nam mà qua khỏi Dốc Sỏi thuộc địa phận Quảng Ngãi thì không còn nghe “chừ, mô, răng, rứa, tê” nữa. Nhưng Sa Huỳnh với Tam Quan thì không phải vậy.
Hát sắc bùa trên cửa biển Sa Huỳnh nhân Lễ nhúng nước lưới ngày mùng 3 Tết hằng năm. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Sa Huỳnh có lẽ là địa danh hiếm hoi ở dải đất miền Trung mà tên của nó không phải để chỉ bất cứ một đơn vị hành chính nào. Không phải tên thôn, xã cũng không nốt. Nhưng nói Sa Huỳnh thì ai cũng biết. Vùng đất này là nơi duy nhất ở Quảng Ngãi, giọng nói của người dân khác với phần còn lại của tỉnh này. Chẳng hạn như âm “ai” thì người Sa Huỳnh phát âm đúng chuẩn chứ không phải “ưa”. “Lỗ tai” chứ không phải “lỗ tưa”; “xe đạp” chứ không phải “xe độp”… Nghĩa là, người Sa Huỳnh nói y chang người Tam Quan! Có dây mơ rễ má họ hàng cật ruột gì từ thời tiền sử chăng? Thử lần tìm những nét tương đồng của hai vùng đất ấy xem sao.
Từ hàng nghìn năm trước…
Năm 1909, nhà khảo cổ người Pháp M.Vinet tình cờ phát hiện ra khu mộ chum với khoảng 200 chiếc trên một đồi cát có tên là Ma Vương nằm ở phía Đông đầm An Khê (ven biển Sa Huỳnh) hiện nay. Giới khảo cổ học cho rằng, khu nghĩa địa này có thể là nơi chôn cất người chết của một bộ tộc nào đó vẫn thường lênh đênh trên biển, khi có người qua đời thì họ mang vào đấy an táng.
Mãi đến 25 năm sau, vào năm 1934, một nhà khảo cổ người Pháp khác, bà Madeleine Colani được Viện Viễn Đông Bác cổ phái đến Sa Huỳnh để tiếp tục tìm kiếm dấu vết của người tiền sử vùng này. Trong đợt khảo cổ lần ấy, bà M.Colani đã phát hiện tại Động Cườm - một động cát nằm ở phía Đông Tam Quan - có khu mộ chum, giống như khu mộ chum ở gò Ma Vương mà M.Vinet đã phát hiện trước đó. Năm 2002, các nhà khảo cổ học Việt Nam tiếp tục khai quật di chỉ khảo cổ này và phát hiện thêm hàng chục mộ chum đủ kích cỡ.
Dừa Tam Quan. Ảnh NGUYỄN THÀNH CƯỜNG
Xâu chuỗi lại các đặc điểm của mộ chum và những hiện vật thu lượm được từ đợt khai quật, các nhà khảo cổ học kết luận: Khu mộ chum ở Ma Vương (Sa Huỳnh) lẫn Động Cườm (Tam Quan) là của người bản địa chứ không phải từ nơi khác đến như những phỏng đoán trước đó. Họ là chủ nhân của một nền văn minh cách nay 2.500 - 3.000 năm. Những hạt cườm của người cổ đại vương vãi nơi động cát này có tuổi đời trên 2.500 năm đã định danh luôn cho một di chỉ khảo cổ: Động Cườm.
Từ hàng nghìn năm trước, con người ở vùng đất Sa Huỳnh- Tam Quan này đã biết làm đồ trang sức một cách điêu luyện và tinh xảo. Những cư dân ở đây đã đạt đến trình độ cao trong kỹ thuật chế tác đồ gốm, có kỹ nghệ dệt vải, làm đồ thủy tinh và biết rèn cả sắt nữa. Cũng vào khoảng thời gian đó, họ còn biết đánh cá trên biển và giao thương giữa các vùng thông qua những cửa biển tự nhiên. Đại khái có thể hình dung thế này, con người ta phải đủ ăn đủ mặc, cuộc sống hòa bình, ổn định, thong thả, thuận thả với tự nhiên và với những cộng đồng khác thì mới rảnh rang để làm đẹp cho hình thức của bản thân. Mức độ tinh xảo của đồ trang sức của cư dân Sa Huỳnh đã hé ra tầm vóc nền văn minh mà họ tạo dựng.
…Cho đến hôm nay
Không biết từ bao giờ, cứ vào mùng 3 Tết âm lịch hằng năm, tại cửa biển Sa Huỳnh luôn diễn ra một lễ hội mà người dân ở đây nói một cách nôm na là “lễ nhúng nước lưới”. Hàng trăm tàu đánh cá cứ lần lượt chạy ra khỏi cửa biển Sa Huỳnh trong tiếng pháo nổ vang trời (thời Chính phủ chưa cấm đốt pháo) và tiếng reo hò dậy đất cổ vũ của hàng nghìn người dân đứng chật hai bờ. Tiếng là lễ diễn ra trên đất Quảng Ngãi nhưng dân đến xem, phần đông lại là người Tam Quan! Lạ hơn nữa là cư dân địa phương lại thấy rất bình thường.
Tôi đã từng tham dự nhiều lần lễ hội này và cũng đã thắc mắc vì sao không phải là dân ngoài TX Đức Phổ vô xem mà lại là dân Tam Quan tuôn ra dù phải qua một con đèo mang tên Bình Đê?
TS Đoàn Ngọc Khôi, người đã lăn lộn với các di chỉ khảo cổ học Sa Huỳnh hơn 30 năm nay nói rằng, có một mối liên kết trong tiềm thức giữa hai vùng đất Sa Huỳnh - Tam Quan mà không cắt nghĩa một cách đơn giản được. Họ đi xem lễ “nhúng nước lưới”, cũng là tham gia vào các trò chơi múa hát như hát bả trạo, hát sắc bùa ngay trên bãi biển. Đây là những loại hình nghệ thuật mà dân Hoài Nhơn, dân Tam Quan rất “ghiền”. Ở Hoài Nhơn hiện có 10 đội chèo bả trạo, phần lớn là cư dân vùng biển Tam Quan. Chèo bả trạo là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian đang được TX Hoài Nhơn lập đề án bảo tồn và phát huy.
Chuyện về hát sắc bùa, hát bả trạo không chỉ hiện diện ở các sân đình làng trong những ngày tế xuân hoặc ngày lễ, ngày tết, chỉ biểu diễn cho “nội bộ” xem mà bây giờ, dân vùng này đã biết hát, biết múa cho cả khách Tây xem nữa rồi. Khu du lịch Làng Gò Cỏ, nằm bên cạnh di chỉ khảo cổ học gò Ma Vương đã sôi động trên không gian mạng mấy năm nay cũng “đi lên” từ những vốn liếng văn hóa tự có của mình, giờ nâng cấp để “hòa nhập” với thế giới! Các nghệ nhân của làng giờ thành những diễn viên chuyên nghiệp, vẫn thường biểu diễn cho khách thập phương mỗi khi có dịp ghé ngôi làng cổ xưa này. Có lẽ, sợi dây kết nối giữa hai vùng đất Sa Huỳnh - Tam Quan tự ngàn xưa sẽ “mách nước” cho người anh em xứ Dừa nghĩ ra một mô hình tương tự để có bạn có bầu cùng làm du lịch.
Nghe đề cập đến việc có một sợi dây vô hình nào đó kết nối hai vùng đất Sa Huỳnh - Hoài Nhơn, nhà thơ Trần Cao Duyên, một người sinh ra và lớn lên ở Sa Huỳnh, người vẫn thường “khoe” là anh chỉ ăn nước mắm Hoài Hương (TX Hoài Nhơn), góp chuyện: “Ăn mắm, ăn rau cũng mua ở Tam Quan đã đành, hoa cũng mua ở trỏng, chiếu cói cưới vợ cho con cũng mua ở Tam Quan luôn! Chưa hết, dân Sa Huỳnh mà có đau ốm “gấp gãy” chi thì cũng cắm cổ vượt Bình Đê chạy vô bệnh viện trong TX Hoài Nhơn chứ không chạy ra Quảng Ngãi nữa kìa!”.
Hèn chi, cả Hoài Nhơn lẫn Đức Phổ cùng dắt tay nhau lên thị xã, ngay trong năm 2020!
TRẦN ĐĂNG